Khi nghiên cứu về phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn. Trong công cuộc xây dựng CNXH, theo V.I.Lênin, công đoàn phải trở thành những tổ chức có nhiệm vụ trước tiên là cải tổ lại toàn bộ đời sống kinh tế trên những nguyên tắc của CNXH(1); công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản, “trường học quản lý”, “trường học quản lý kinh tế”, “trường học đoàn kết”…
Cùng với mục tiêu phát triển giai cấp công nhân và thực tiễn phát triển của phong trào công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của tổ chức công đoàn Việt Nam đối với công nhân và người lao động: “Tổ chức Công hội trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho Quốc dân, giúp cho thế giới”(2).
Kế thừa và phát triển sáng tạo những cơ sở lý luận trên, trong thực tiễn lãnh đạo quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định vai trò to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua gần một thế kỷ xây dựng và lớn mạnh từ năm 1929 đến nay, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò “là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động”, “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.
Thế nhưng, với mưu đồ phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, các thế lực thù địch đã bịa đặt, xuyên tạc về những thành tựu và đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam.
Nhận diện và phê phán các quan điểm phủ nhận thành tựu đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Trước hết, nhằm xuyên tạc về phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển" được xác định tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các thế lực thù địch, chống phá đưa ra luận điệu rằng: “thực ra vấn đề công đoàn “đổi mới” không hề… mới” vì đã được Đảng đưa ra từ 30 năm nay(3).
Cái mà chúng cho là “cũ”, về bản chất, đó chính là thể hiện sự nhất quán, kiên định, quyết tâm và nỗ lực đến cùng của Đảng ta để tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Thực tế là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam là yêu cầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ công đoàn Việt Nam (chứ không chỉ “đưa ra từ 30 năm nay như “quan sát” của một số người không thiện chí). Người khẳng định: muốn đạt mục đích “đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” thì cán bộ công đoàn cần nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Nếu cho rằng đổi mới chỉ là công việc có thể hoàn thành một sớm, một chiều, trong một thời điểm, thì đó hoàn toàn là siêu hình, phiến diện và hồ đồ. Bởi lẽ, đổi mới phải là quá trình lâu dài, liên tục để thích ứng và phù hợp với sự biến đổi khách quan của các yếu tố bên trong và bên ngoài; đồng thời để có thời gian khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong hiện tại. Theo đó, sự đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam là yêu cầu tất yếu, liên tục, không phải làm một lần, hay một vài năm. Bởi vậy, “đổi mới” đối với tổ chức và hoạt động của Công đoàn là yêu cầu thường trực.
Hơn nữa, sự hồ đồ của những luận điệu xuyên tạc còn thể hiện ở chỗ, chúng không thấy được, một cách vô tình hay cố ý, về những yêu cầu khác nhau về đổi mới cũng như những thành tựu ngày càng được bồi đắp, hoàn thiện và toàn diện sau mỗi chặng đường đổi mới của Công đoàn Việt Nam.
Thực tiễn quá trình đổi mới được thể hiện trong việc xác định những mục tiêu khác nhau ở mỗi kỳ đại hội của Công đoàn Việt Nam, vì những mục tiêu được xác định luôn gắn với bối cảnh, nhiệm vụ cách mạng đặc thù của mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I (tháng 01-1950) diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng lòng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mục tiêu của Đại hội được xác định là: Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi nhiệm vụ và quyết tâm chung của cả dân tộc là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam, thì mục tiêu của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần II, III được xác định là: Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”(4).
Khi đất nước thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, mục tiêu các đại hội cũng được xác định linh hoạt phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đó là: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước” (Đại hội IV), “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu” (Đại hội V); “Việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” (Đại hội VI); Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động” (Đại hội VII)(5)… Các Đại hội tiếp theo cho đến nay (VIII, IX, X, XI, XII, XIII), mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới luôn được khẳng định.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, đã khái quát những đặc tính, bản chất và mục tiêu chung mà Công đoàn Việt Nam hướng tới. Như vậy, sự đổi mới được thể hiện ngay trong việc xác định mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khoa học, xuất phát từ thực tiễn của Công đoàn Việt Nam tại mỗi kỳ đại hội. Những mục tiêu đó vừa thể hiện sự linh hoạt, vừa có tính nhất quán: Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong từng giai đoạn; giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân, người lao động./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét