Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, công tác đảng, công tác chính trị luôn là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội; là một mặt công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam vừa là một bộ phận thống nhất biện chứng với công tác tuyên giáo của Đảng, xây dựng lý tưởng, bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; vừa trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh tinh thần, quyết tâm chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, yếu tố tiên quyết bảo đảm giành thắng lợi.
1. Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với công tác tuyên giáo của Đảng
Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển và đóng góp to lớn của Tổng cục Chính trị. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã phát huy vai trò nghiên cứu, tham mưu chiến lược, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,... với chất lượng, hiệu quả tốt, nhất là trước những thời điểm mang tính chất bước ngoặt. Cùng với các cấp, các ngành, Tổng cục Chính trị luôn chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng thể hiện rõ vai trò to lớn đối với công tác tuyên giáo của Đảng trong Quân đội, điều đó đã được chứng minh qua các giai đoạn lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng, coi đây là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng hàng đầu để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù. Tổng cục Chính trị1 đã thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần chiến đấu, bảo vệ nhân dân, giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc, với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”2. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung vào đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; về kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhất định thắng lợi; tầm quan trọng của các chiến dịch; thi đua giết giặc lập công, v.v. Cùng với việc đào tạo cán bộ chính trị các cấp, tổ chức học tập chính trị, công tác thông tin thời sự cho bộ đội được tiến hành thường xuyên, như: việc biên soạn tài liệu3, đẩy mạnh hoạt động báo chí, xuất bản4, tổ chức các hội nghị chính trị viên, hội nghị tuyên huấn - tổ chức, hội nghị tuyên truyền và báo chí toàn quân. Thông qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội; đồng thời, củng cố niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Công tác tuyên giáo trong Quân đội thời kỳ này được tăng cường thường xuyên, liên tục với cả 03 nội dung chính là: giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền và cổ động. Tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về các chủ trương lớn của Đảng trong kháng chiến, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, cũng như chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tiếp tục phát huy bằng các hình thức cổ động truyền đơn, khẩu hiệu, bảng tin, tranh cổ động,… với tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, toàn quân đã dấy lên các phong trào thi đua điển hình, như: “Giết giặc lập công”, “Rèn cán, chỉnh quân”,… góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên giáo của Đảng có sự phát triển cả về nội dung, hình thức, phương pháp và lực lượng tiến hành. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy, sự chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể của Tổng cục Chính trị đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tình hình mới và nhiệm vụ mới; xác định rõ kẻ thù chính, trực tiếp của cách mạng Việt Nam là đế quốc Mỹ, đối tượng tác chiến chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội Mỹ và tay sai của chúng; nhận thức rõ cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân ta còn lâu dài, gian khổ và phức tạp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên giáo trong việc nêu cao tinh thần và ý chí chiến đấu cho bộ đội, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị tổ chức đợt giáo dục tình hình nhiệm vụ mới cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ yêu cầu cấp bách của tình thế cách mạng, khẳng định thắng lợi to lớn của ta, vạch trần âm mưu xâm lược trắng trợn của địch, từ đó “Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở mọi nơi. Quyết tâm hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”5. Đồng thời, công tác tuyên truyền phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, cổ vũ động viên lớp lớp thanh niên miền Bắc nối tiếp nhau “xẻ dọc Trường Sơn” ra mặt trận; quân dân miền Bắc nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu và công tác bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc cần, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đánh bại bất cứ loại chiến tranh nào của địch. Ở miền Nam, công tác giáo dục tư tưởng, động viên chính trị trong toàn quân đã góp phần nâng cao nhận thức về tính chất, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa thực dân mới, nỗ lực tham gia tiến công địch, không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh, kiên định ý chí sắt đá “Sẽ hy sinh tất cả, thà chết chứ không chịu làm nô lệ, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập hoàn toàn...”6. Một trong các hình thức tuyên giáo mang lại hiệu quả to lớn, đó là các phong trào Thi đua yêu nước trong Quân đội tiếp tục được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Điển hình là các phong trào: “Ba nhất”, “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”,… phát triển rộng khắp; việc tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dũng sĩ diệt Mỹ đã kịp thời động viên, khích lệ đông đảo thanh niên tham gia nhập ngũ; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua lập những chiến công vang dội, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, công tác tuyên giáo đã phát huy cao độ sức mạnh chính trị tổng hợp, huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia, góp phần xứng đáng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ mới, thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy chế, quy định của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đã tổ chức nhiều đợt học tập, quán triệt, sinh hoạt chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn quân. Công tác tuyên giáo trong Quân đội được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện với nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Trong các nhiệm vụ, công tác tư tưởng luôn đi trước một bước, nhằm định hướng nhận thức và hành động, thấu suốt các chủ trương, giải pháp, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành phù hợp với từng đối tượng. Các đơn vị đã chủ động nắm, quản lý tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong đơn vị; kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị với biện pháp quản lý hành chính, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền và các phong trào hành động cách mạng trong Quân đội; thực hiện có nền nếp các khâu, các bước: định hướng, quản lý, dự báo, đấu tranh và giải quyết tình hình tư tưởng. Đồng thời, phát huy tốt vai trò các tổ chức, lực lượng, thiết chế văn hóa và mọi phương tiện làm công tác tuyên giáo; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các địa phương và gia đình quân nhân để giáo dục, quản lý bộ đội.
Bên cạnh đó, phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển sâu rộng, hướng vào mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt những thành tích mới trên các mặt công tác. Điển hình như các phong trào: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Luyện hay, đánh giỏi”, “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện rèn”, “Một tập trung, ba khâu đột phá”, “Toàn quân hành động theo điều lệnh”, v.v. Đặc biệt, phong trào Thi đua Quyết thắng được các đơn vị gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ có nhận thức, trách nhiệm tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ nguy hiểm, gian khổ; có thái độ kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực. Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, thể hiện rõ vai trò là lực lượng tiên phong, đi đầu trong trận chiến không khói súng này. Công tác tuyên giáo thực sự góp phần trực tiếp giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho Quân đội ta thực sự xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Điểm lại những thành tích và chiến công qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã khẳng định vai trò rất quan trọng của Tổng cục Chính trị đối với công tác tuyên giáo của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác; góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
2. Tiếp tục phát huy vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng trong tình hình mới
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, xảy ra xung đột. Toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh. Trong nước, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đã tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng Quân đội tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tình hình mới càng đòi hỏi yếu tố tiên quyết bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay là phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đồng thời, phải dựa vào dân, lấy dân là gốc, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng, không ngừng củng cố niềm tin và nâng cao quyết tâm chiến đấu của Quân đội ta, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”7. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phải là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng trong Quân đội, bảo đảm cho Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Yêu cầu trước hết và quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ quốc phòng là xây dựng nguồn sức mạnh to lớn để luôn bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy trong Quân đội chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức, phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường; tạo nên sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính nguyên tắc trong tiến hành công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức chính trị, củng cố vững chắc niềm tin cách mạng và xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng tự hào, niềm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW, ngày 17/11/2005 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Quy chế số 2036-QC/QUTW, ngày 16/6/2023 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tập trung nghiên cứu, dự báo những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo trong bối cảnh tình hình mới. Từ đó, chủ động kiến nghị, đề xuất chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến thực tế.
Chú trọng tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần chủ động, kiên trì, quyết liệt. Bám sát sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ Quân đội và toàn quân quyết tâm chống “giặc nội xâm” theo các nhiệm vụ đề ra trong Đề án “Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Quân đội”, kiên quyết ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức trong sáng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, thực hiện tốt quy định về quản lý tài chính, tài sản công; phát hiện và kịp thời xử lý các sai phạm, không để xảy ra vấn đề phức tạp về tư tưởng chính trị.
Ba là, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ quan chủ lực trong tham mưu cho Quân ủy Trung ương và chỉ đạo trong toàn quân mẫu mực đi đầu việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình vào thực tiễn, nhất là các giá trị cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Chỉ đạo tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các chỉ thị, quy định về xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiếp tục coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ những giá trị, truyền thống văn hóa của dân tộc và Quân đội, như: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần hòa hiếu, v.v. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Kết luận số 1172-KL/QUTW, ngày 16/6/2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác văn hóa nghệ thuật trong Quân đội thời kỳ mới; Kế hoạch số 1349/KH-CT, ngày 15/8/2022 của Tổng cục Chính trị về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tập trung làm sâu sắc giá trị, đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, xây dựng một Quân đội vững mạnh toàn diện, xứng đáng là Quân đội của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, niềm tin khoa học, định hướng tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Công tác này phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với những nội dung, biện pháp phù hợp. Tập trung trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của đơn vị. Chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội. Quán triệt sâu sắc các chiến lược về quân sự, quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, nhận thức đúng về đối tượng, đối tác. Đồng thời, thấy rõ những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, củng cố quyết tâm, xây dựng ý chí sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới” và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam”. Trong đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục chính trị, giáo dục khoa học xã hội và nhân văn; kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tạo chuyển biến thực chất, vững chắc về chất lượng giáo dục chính trị, giáo dục khoa học xã hội và nhân văn trong toàn quân và lực lượng dân quân, tự vệ; nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục chính trị, khoa học xã hội và nhân văn tại các nhà trường, gắn với phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ ở đơn vị cơ sở.
Thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai nghiên cứu, học tập nắm vững các quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác tư tưởng, đặc biệt là Quy chế số 775/QC-CT, ngày 12/5/2022 của Tổng cục Chính trị “Về công tác quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng; xây dựng kế hoạch, chủ động bám sát tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoạt động của bộ đội để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng thông qua nghị quyết của cấp ủy, chương trình, kế hoạch của người chỉ huy; bảo đảm công tác tư tưởng phải đi trước một bước, ở đâu có bộ đội ở đó có công tác tư tưởng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và thực hiện tốt nội dung, quy trình, các bước của công tác quản lý tư tưởng ở đơn vị cơ sở; phân tích, đánh giá, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh, giữ vững ổn định về tư tưởng, sự thống nhất, đồng thuận cao trong đơn vị.
Năm là, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng và tổ chức tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội. Thông qua phong trào Thi đua Quyết thắng, tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, học tập những tấm gương điển hình tiên tiến để tự điều chỉnh và khẳng định mình, từ đó xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Toàn quân cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Những việc làm này phải được tiến hành thường xuyên ở các đơn vị và trở thành nếp sống thường trực trong mỗi người, tạo chuyển biến tích cực về đạo đức, lối sống, ý thức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Thống nhất nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phải tạo ra sức bật mới với nhiều phong trào, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, điển hình tiên tiến, làm cho việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, trở thành “cơm ăn”, “nước uống” hàng ngày của bộ đội; huy động sức mạnh của toàn quân, cả hệ thống chính trị và toàn dân thi đua xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội phải xuất phát từ phong trào thi đua yêu nước và được gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động lớn của toàn quốc và ở từng ban, bộ, ngành, địa phương.
Chú trọng chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước, Quân đội, bảo đảm đúng với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và đề án, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Trên cơ sở nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực. Trước mắt, tập trung tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm8, năm tròn ngày sinh một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; chuẩn bị các lực lượng và phương tiện tuyên truyền tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng,… góp phần tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, đồng thuận trong xã hội; khẳng định niềm tin, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Sáu là, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thường xuyên theo dõi nắm bắt kịp thời tình hình; chủ động đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội, “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quán triệt, thực hiện Kết luận số 89-KL/TW, ngày 25/7/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nghiên cứu, chỉ ra những âm mưu, thủ đoạn, hành vi chống phá mang màu sắc, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, phản động để kịp thời cung cấp và định hướng nội dung tập trung đấu tranh phản bác trong toàn lực lượng. Phối hợp ngăn chặn, triệt phá, gỡ bỏ các trang web/blog/tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin sai sự thật, xấu độc theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 “Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội”. Quản lý chặt chẽ các kênh thông tin mà kẻ địch thường sử dụng truyền bá quan điểm xuyên tạc, phản động. Tổng cục Chính trị tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm Quân đội luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trên mặt trận này. Thường xuyên huấn luyện giúp cho bộ đội có phương pháp đánh giá khách quan, khoa học những điểm mạnh, yếu của địch, thấy rõ sức mạnh của ta; xây dựng niềm tin vào cách đánh sáng tạo, tin vào vũ khí, trang bị hiện có để sẵn sàng đánh thắng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù.
Bảy là, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, phân giới cắm mốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Tổng cục Chính trị càng phải chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tập trung chỉ đạo toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nâng cao hiệu quả đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện đa phương và song phương; kiên định, giữ vững mục tiêu, định hướng hội nhập, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; gắn kết chặt chẽ hoạt động đối ngoại quốc phòng với hội nhập kinh tế, tăng cường tiềm lực vật chất, kỹ thuật cho quốc phòng, v.v. Qua đó, xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế; tạo thế trận đối ngoại quốc phòng vững chắc, góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Với bề dày truyền thống lịch sử 80 năm, tin tưởng rằng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, làm cơ sở vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét