Thứ nhất, kiên quyết thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nền đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, triển khai công tác chỉnh huấn cán bộ trong thực tiễn(25); đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cần có sự tuyển chọn, chọn lọc kỹ càng khi phân công, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bảo đảm phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức từ cấp thấp đến cấp cao. Tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với thực tiễn; đặc biệt, cần nghiêm túc, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là mô hình mới, kinh nghiệm hay(26).
Ph. Ăng-ghen từng phân tích: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(27); tiếp đó, năm 1910, lãnh tụ V.I. Lê-nin đã khẳng định lại tuyên bố của Ph. Ăng-ghen, rằng “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và người bạn nổi tiếng của mình - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động”(28) và căn dặn nếu chúng ta quên điều này “thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng”(29). Là một trong hai bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng luôn được nghiên cứu, vận dụng và phát triển, trong đó cần tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị bền vững, đồng thời vận dụng sáng tạo chỉ dẫn quý báu của Người về sự cần thiết, nội dung, nguyên tắc, quy trình, phương thức,... trong triển khai công tác chỉnh huấn cán bộ. Một mặt, phải bảo vệ tính khoa học, cách mạng trong quan điểm, chỉ dẫn của Người; mặt khác, phải không ngừng phát triển lý luận cho phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch chỉnh huấn cán bộ thuộc diện quản lý. Quá trình triển khai cần lựa chọn những nội dung có tính quyết định, đột phá hoặc những mặt yếu, hạn chế và triển khai theo quy trình khoa học, bài bản từ trên xuống dưới, từ cấp cao đến cấp cơ sở. Đặc biệt, cần quan tâm chỉnh huấn về khía cạnh chính trị, tư tưởng, vì: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng”(30) và “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”(31); hơn nữa, khi “Địch, bạn rõ ràng, phải, trái rõ ràng, đen, trắng rõ ràng, thì lập trường và tư tưởng cũng rõ ràng”(32).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tích lũy kinh nghiệm, chủ động đổi mới trong công tác chỉnh huấn cán bộ; do đó, từ rất sớm, Đảng ta chỉ rõ: Công tác chỉnh huấn cũng như mọi công tác quan trọng khác, muốn đạt hiệu quả, thành tựu tốt đẹp, phải tiến hành có kế hoạch từ trên xuống, từ trong ra ngoài; nghĩa là phải chỉnh huấn cán bộ trước vì cán bộ là người chỉ đạo, cán bộ chuẩn chỉnh thì mới có thể chỉnh đốn được các tổ chức hạ tầng. Theo đó, muốn phát động phong trào chỉnh huấn rộng rãi cho tất cả cán bộ, đảng viên, cần chỉnh đốn chi bộ trước rồi mới chỉnh huấn cán bộ, đảng viên ngoài Đảng. Đảng viên phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao phẩm chất đạo đức, giữ vững lập trường, tư tưởng thì mới được quần chúng tín nhiệm và đủ khả năng đảm nhiệm công tác chỉnh huấn cán bộ, có như vậy, mục đích của chỉnh huấn hiện nay mới “có kết quả tốt đẹp”.
Thứ ba, chủ động, tích cực nghiên cứu, tổ chức các “lớp chỉnh huấn” trước thềm Đại hội XIV của Đảng trên tinh thần bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả thiết thực. Với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của chỉnh huấn, mọi cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải “thành khẩn học tập, thật thà tự phê bình và phê bình, hấp thụ thêm kinh nghiệm và đạo đức cách mạng. Sau khi chỉnh huấn xong thì thi đua giúp Trung ương chỉnh huấn toàn Đảng, toàn quân và chỉnh đốn công tác quần chúng”(33); phải coi việc tham gia lớp chỉnh huấn là vinh dự, là trách nhiệm chính trị của người cán bộ trước Đảng, trước nhân dân để nỗ lực không ngừng tiến bộ, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong lúc các cô, các chú đi chỉnh huấn thì biết bao nhiêu cán bộ cũng mong muốn được đi chỉnh huấn như các cô, các chú. Nhưng vì các cô, các chú đi, công việc của các cô, các chú họ phải gắng sức làm thay, nên họ không đi được. Họ ở nhà luôn luôn mong mỏi các cô, các chú tiến bộ”(34).
Cùng với đó, phải thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thực hiện nghiêm kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, góp phần “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo,...”(35); nêu cao tinh thần “Phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân”(36),...
Thứ tư, chú trọng phòng, chống biểu hiện tiêu cực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm trong quá trình triển khai công tác chỉnh huấn. Phải luôn khắc cốt ghi tâm và triệt để khắc phục ba khuynh hướng sai trái khi học tập được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: 1- Khuynh hướng chẻ sợi tóc làm đôi, tranh luận nhau từng danh từ, không chú ý nội dung của vấn đề...; 2- Một lòng nén không tiêu (ăn vào rất nhiều mà tiêu không được), nghĩa là nghiên cứu tài liệu thì phải suy đi nghĩ lại kỹ càng, áp dụng thế nào cho đúng; 3- Tự mãn: Tự cho mình là học nhiều, biết nhiều. Đó là bệnh nguy hiểm nhất(37). Đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ có tâm lý muốn “đánh trống, ghi tên”, lấy việc tham gia chỉnh huấn là hình thức, thực chất là “xả hơi”; chấn chỉnh kịp thời mọi biểu hiện thiếu ý thức, trách nhiệm cả trước, trong và sau chỉnh huấn của cán bộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét