Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Thực tiễn triển khai công tác chỉnh huấn của Đảng qua các giai đoạn cách mạng

 

Giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), khi Đảng ta chưa cầm quyền lãnh đạo toàn diện đất nước, vấn đề “chỉnh huấn” chưa được đặt ra một cách trực tiếp, cấp bách nhất, do đó, thuật ngữ “chỉnh huấn” chưa xuất hiện trong các văn kiện của Đảng. Đến ngày 10-10-1950, trong Thông cáo của Thường vụ Trung ương, “Về những nhiệm vụ trước mắt sau chiến thắng Đông Khê”, lần đầu tiên thuật ngữ “chỉnh huấn” được sử dụng, cụ thể Thông cáo chỉ rõ: “Cán bộ, quân, chính, dân tham gia tác chiến trên đường số 4 cần chuẩn bị để khi kết thúc chiến dịch mở một cuộc phê bình và tự phê bình tổng kết kinh nghiệm, rút ra những bài học quý báu của chiến trường, đặng tiến hành việc chỉnh huấn sau chiến dịch cho có hiệu quả và chuẩn bị hội nghị quân chính toàn quốc”(16). Kế đó, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (họp từ ngày 27-9 đến 5-10-1951), “Về nhiệm vụ quân sự trước mắt”, Đảng ta chủ trương: “phải củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, nắm vững sự lãnh đạo tư tưởng trong toàn quân, lãnh đạo việc học tập tư tưởng mới, học tập chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, sửa chữa những sai lầm đã bộc lộ trong cuộc chỉnh huấn vừa qua”(17).

Kể từ đó đến trước tháng 12-1951, vấn đề chỉnh huấn được Đảng ta triển khai chủ yếu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng; đồng thời nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác chỉnh huấn ngày càng được nâng lên, đặt ra yêu cầu cấp thiết mở rộng công tác chỉnh huấn trong toàn Đảng. Vì vậy, Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 29-12-1951, của Ban Bí thư, “Về cuộc vận động chấn chỉnh Đảng” được ban hành, xác định nội dung, mục đích công tác chỉnh huấn cán bộ, trong đó, cuộc vận động chấn chỉnh Đảng tập trung vào hai đối tượng cơ bản, cụ thể: 1- Đối với cán bộ thì tiến hành một cuộc học tập chỉnh huấn ngắn kỳ, làm cho cán bộ nhận rõ tình hình và nhiệm vụ, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình; quyết tâm phấn đấu trường kỳ gian khổ và quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế...; 2- Đối với đảng viên ở các chi bộ nông thôn thì vừa tiến hành học tập chỉnh huấn ngắn kỳ, vừa chỉnh đốn tổ chức nhằm giáo dục đảng viên nhận thức rõ và thực hiện đúng nhiệm vụ của mình đối với Đảng, quốc gia, đối với kháng chiến và nhân dân,... Theo đó, hai nhiệm vụ trên có sự khác nhau, nhưng liên quan mật thiết với nhau: Chỉnh huấn cán bộ thành công thì mới chỉnh đốn chi bộ nông thôn hiệu quả, có chỉnh đốn chi bộ nông thôn kết quả thì mới hoàn thành nhiệm vụ của đợt chấn chỉnh Đảng. Nhưng chỉnh huấn cán bộ đóng vai trò nền tảng, phải được triển khai thực hiện đến nơi đến chốn trước(18).

Cụ thể hóa nội dung của công tác chỉnh huấn, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một chỉ thị “chuyên đề” về nhiệm vụ này, đó là Chỉ thị số 146-CT/TW, ngày 4-7-1959, của Ban Bí thư, “Về kế hoạch chỉnh huấn cán bộ, đảng viên”, qua đó xác định mục đích chung của chỉnh huấn cán bộ, đảng viên là “làm cho mỗi người thấm nhuần đường lối, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đường lối đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước”(19). Đến ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân 1961” - cuộc chỉnh huấn lớn nhất về tư tưởng kể từ khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc nhằm tích cực bồi dưỡng và xây dựng tư tưởng mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động, góp phần khắc phục tư tưởng sai lầm đang cản trở sự nghiệp cách mạng. Sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 88-CT/TW, ngày 2-1-1965, “Về cuộc vận động, chỉnh huấn mùa Xuân năm 1965” trong toàn Đảng nhằm bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân(20).

Lần gần đây nhất Đảng ta dùng từ “chỉnh huấn” là trong bài diễn văn tại Lễ kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng và Phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (ngày 2-2-2007), qua đó khẳng định giá trị bền vững trong quan điểm, tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối sự nghiệp giáo dục, đào tạo đội ngũ cách mạng, cụ thể: “Từ các lớp huấn luyện chính trị... đến các lớp huấn luyện cán bộ, các lớp chỉnh huấn trong kháng chiến, các lớp bồi dưỡng đảng viên mới sau hòa bình, v.v. không lúc nào Người không đặt lên hàng đầu công việc giáo dục, đào tạo cán bộ. “Đường kách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc” và các bài nói chuyện của Bác ở các lớp huấn luyện, lớp chỉnh huấn,... trước đây, cho đến nay vẫn là những lời dạy đầy tâm huyết, tiếp tục ngân vang, gợi mở trong tư duy và tâm hồn mỗi người chúng ta”(21).

Kể từ đây, công tác chỉnh huấn cán bộ, đảng viên được lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hướng đến mục đích toàn diện hơn, góp phần xây đi đối với chống, đồng thời thuật ngữ “chỉnh huấn” hay “chỉnh huấn trong Đảng” cũng được “mặc định” thuộc nội hàm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024, của Bộ Chính trị, “Về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” xác định một trong bảy nhiệm vụ chính là “thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền”. Đây là sự kế thừa chủ trương, tinh thần nhất quán trong mục đích công tác chỉnh huấn cán bộ, đảng viên từ nội dung của Chỉ thị số 146-CT/TW, ngày 4-7-1959, của Ban Bí thư, “Về kế hoạch chỉnh huấn cán bộ, đảng viên” được ban hành khoảng 65 năm về trước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam trải qua 40 năm tiến hành đổi mới (dự kiến được tổ chức vào tháng 1-2026), khi mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(22). Đây là sự kiện chính trị đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đánh dấu truyền thống 96 năm thành lập và lèo lái con thuyền cách mạng dân tộc đầy vẻ vang của Đảng, 40 năm Đảng lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đặc biệt, khởi đầu giai đoạn “bản lề” để hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(23). Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định, cần “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(24); đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Như vậy, hơn lúc nào hết, việc vận dụng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chỉnh huấn cán bộ là tất yếu, có ý nghĩa then chốt, nhất là trong bối cảnh trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét