Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

BẠN CÓ BIẾT: GS-TS VÕ HỒNG ANH - NGƯỜI CON GÁI ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP!

     Năm 1988, GS - TS Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý được tặng Giải thưởng Khoa học Quốc tế Kovalevskaia - giải thưởng cao nhất của Việt Nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học.
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng Anh (sinh năm 1939 - mất năm 2009) là một nữ giáo sư-tiến sĩ nổi tiếng về ngành toán lý tại Việt Nam. Bà là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý nhận được Giải thưởng Kovalevskaya năm 1988. Bà là con gái đầu của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái(Em ruột của Nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai).

Con đường học tập và đóng góp của Bà đối với ngành Vật lý của Nước nhà.
Vào những năm toàn quốc kháng chiến nổ ra, chiến sự lan dần đến Quảng Bình, bà được bà nội đưa đi sơ tán tại Thanh Chương, Nghệ An.
Năm 1954, bà được đưa sang Liên Xô và theo học Trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Năm 1959, bà tốt nghiệp Phổ thông với Huy chương vàng. Sau đó, bà theo học ngành Vật lý lý thuyết lượng tử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva. Bà tốt nghiệp năm 1965 với bằng đỏ (hạng ưu).
Sau khi tốt nghiệp, bà về nước và được phân công làm cán bộ nghiên cứu thuộc Ban Toán - Lý, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Năm 1966, bà lại được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về "Lý thuyết Plasma" tại Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu vật lý hạt nhân thuộc Trường Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, bà được phân công về làm việc tại Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam. Đồng thời, bà cũng được mời làm cộng tác viên cao cấp tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Quốc tế Dubna, Liên Xô. Năm 1979, bà lại sang Liên Xô, chính thức làm việc tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna, sau đó bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý với đề tài "Lý thuyết tác động tham số của bức xạ điện tử mạnh lên các tinh thể..." tại Hội đồng Khoa học Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna năm 1982.
*Bà lập gia đình với Tiến sĩ Vật lý lý thuyết Phan Trúc Long, con trai đầu của Luật sư Phan Anh. Ông Long mất cuối thập niên 1990 tại Moskva do tai nạn giao thông.
Hai ông bà có với nhau một người con trai duy nhất là Phan Hồng Việt, một vũ sư dancesport nổi tiếng.
Năm 1983 bà về nước, tiếp tục công tác tại Viện Khoa học Việt Nam và được phong học hàm Giáo sư. Năm 1987, bà chuyển về làm việc tại Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (sau là Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), Phó phòng rồi Trưởng phòng Vật lý,lý thuyết và tính toán. Năm 1998, bà công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Cơ bản và Tính toán, Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003.
Những năm cuối đời, bà dành hết sức lực cho hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam.
Bà qua đời ngày 18 tháng 7 năm 2009 tại Hà Nội.
Trong suốt gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bà đã được thỉnh giảng, trao đổi nghiên cứu, dự hội nghị khoa học ở: Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, các nước Đông Âu, Ý, Ấn Độ, Thái Lan, Malaisia... Bà cũng đã cho xuất bản trên 50 công trình khoa học được công bố, phần lớn ở nước ngoài, trong số đó có cuốn sách về Lý thuyết tương tác của bức xạ cường độ mạnh lên chất rắn - xuất bản ở Nga.
Bà cũng đã từng được khen thưởng toàn Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Đupna khóa 1979-1983.
Ngoài ra, bà còn được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ và Huy chương Vì sự nghiệp Khuyến học cho những đóng góp của mình trong việc nghiên cứu khoa học và công tác khuyến học./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét