Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

VẤN ĐỀ XÃ HỘI QUAN TÂM: THẤP THỎM GIÁ CẢ TĂNG KHI LƯƠNG TĂNG!

     Dù được tăng lương nhưng giá cả thị trường leo thang khiến người lao động lo ngại!

Chia sẻ với Lao Động, chị Hoàng Thị Thúy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, giá cả các mặt hàng có sự biến động. Đa phần hàng thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau củ... đều tăng giá. Một số ít mặt hàng giảm giá nhưng không đáng kể. "Giá thịt ở siêu thị và chợ tăng khoảng 10%" - chị Thúy nói.

Cùng chung nhận xét về giá cả thị trường, chị Nguyễn Thị Anh Thư (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Gần đây giá các mặt hàng thịt cá, rau củ tăng nhiều. Cuộc sống có phần khó khăn hơn trước".

Trong khi đó, chị Lê Hoàng Ánh (quận Đống Đa, Hà Nội) lấy ví dụ cụ thể hơn khi so sánh giá dưa hấu trong 2 tuần tại siêu thị. Giá dưa hấu đã tăng khoảng 4.000 đồng/kg, từ hơn 10.000 đồng lên hơn 14.000 đồng/kg. Chị dự đoán, giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chị Ánh nói thêm, trong bối cảnh giá cả thị trường biến động, chị chọn mua hàng trong các siêu thị bởi các mặt hàng, nhất là hàng thực phẩm có phần bình ổn giá hơn so với bên ngoài và có các chương trình giảm giá.

Thậm chí, ngay các tiểu thương tại chợ truyền thống cũng cho hay, giá cả thị trường có tăng. "Giá bán ra phải tăng vì nguồn cung hàng hóa tôi nhập vào tăng giá" - chị Nguyễn Kim Thoa (tiểu thương tại chợ Láng Thượng, Đống Đa) nói.

Theo khảo sát của phóng viên, giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm không phải mới tăng từ tháng 7.2024, mà đã bắt đầu tăng từ thời điểm có thông tin điều chỉnh mức lương cơ sở hồi cuối tháng 6.

Mới nhất, chiều ngày 4.7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 đều tăng. Đây là lần thứ 4 giá xăng tăng liên tiếp.

Việc giá cả thị trường tăng cao khiến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động - những người vừa mới được hưởng niềm vui tăng lương - không khỏi lo lắng.

Công tác được 25 năm trong ngành giáo dục, chị Thái Thị Nhung - giáo viên Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) - tâm sự, mức lương hiện tại của chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng là giáo viên và có mức lương tương đương. Với đồng lương này, vợ chồng chị phải chi tiêu khéo léo để đủ lo cho 2 con đang học đại học và gia đình nội, ngoại.

Chính vì vậy, khi nghe tin điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, chị Nhung cảm thấy rất vui và phấn khởi. "Tuy vậy, niềm vui đó mới chỉ có được qua thông tin trên báo đài chứ tôi chưa được nhận lương tháng 7 - lương mới sau khi tăng lương cơ sở" - chị nói.

Theo chị Nhung, việc nâng mức lương cơ sở từ 1.7 phần nào giúp cải thiện đời sống người lao động nói chung và giáo viên nói riêng. Nhưng điều đó là chưa đủ để đảm bảo nhà giáo "sống được bằng lương", yên tâm công tác trong bối cảnh giá cả thị trường ngày một leo thang, chi phí cho cuộc sống ngày càng cao...

"Giờ tôi chỉ mong lương tăng nhưng giá cả hàng hóa đừng tăng để cuộc sống của các thầy cô giáo được nâng cao" - chị Nhung giãi bày./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét