Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

'Cải cách chính sách lương là việc gian nan nhất của ngành nội vụ'.

 Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách tiền lương, đây là phần việc gian nan và khó khăn nhất của ngành, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ.

Nội dung được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công việc 6 tháng cuối năm của ngành, sáng 8/7 tại TP HCM. Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình "từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả".

"Phút 89 chúng ta vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo cách nào. Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách mới", bà Trà nói và cho rằng đây là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng thành công ngoạn mục của ngành nội vụ trong 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị, sáng 8/7. Ảnh: An Phương

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị, sáng 8/7. Ảnh: An Phương

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, chính sách tiền lương mới đã trở thành niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công. Trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và các đối tượng thụ hưởng chính sách chế độ an sinh, phúc lợi xã hội gắn với mức lương này.

Theo đó, từ 1/7, mức lương cơ sở tăng 30%, tương đương tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.

"Việc vượt thử thách cải cách tiền lương, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của cán bộ ngành nội vụ, đáp ứng được kỳ vọng của tất cả nhóm thụ hưởng, không để ai chịu thiệt, bị bỏ lại phía sau", bà Trà nói, yêu cầu các địa phương cần quan tâm vấn đề quản lý và thu nhập, các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương bền vững.

Theo người đứng đầu ngành nội vụ, cải cách tiền lương vẫn còn nhiều việc, đó là tiếp tục thực hiện theo lộ trình, trả lương theo vị trí việc làm. Muốn làm được, các cơ quan, đơn vị phải quản lý được biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu giai đoạn này là giảm được 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách và giảm 5% công chức.

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh đó, bà Trà cho biết sắp tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu sửa đổi quy định về tinh giản biên chế bởi "công chức không còn chỗ để giảm, đã hết dư địa". Đối với viên chức, Bộ sẽ thúc đẩy cơ chế xã hội hóa, giảm hưởng lương từ ngân sách, đẩy mạnh cơ chế tự chủ chứ không phải giảm hay cắt số lượng. "Việc này không cầu toàn chất lượng ngay mà sẽ làm dần từng bước và tiếp tục hoàn thiện", bà Trà nói.

Tại hội nghị, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có 10 chi cục, phòng và đơn vị tương đương thuộc UBND các tỉnh; 8 phòng và tổ chức tương đương thuộc UBND cấp huyện được tinh giảm.

Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế gắn với phê duyệt vị trí việc làm với 3.853 người (107 nhân sự bộ ngành và 3.746 nhân sự địa phương). Đến nay, 100% cơ quan và địa phương hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét