Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Lao động bị nợ bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng hưu trí, tử tuất.

 Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho lao động trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng đóng BHXH.

Nội dung nêu trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, được thông qua sáng 29/6. Chính phủ sẽ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Thời gian thực hiện trước ngày 1/7.

Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng, số ngày trốn đóng vào Quỹ BHXH, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản 3, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, họ còn phải nộp tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH.

Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước sẽ trích từ tài khoản tiền gửi của họ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng BHXH cho người lao động thì truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải) tại Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải) tại Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc bổ sung nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp là phù hợp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.400 người bị "treo" quyền lợi.

Bế mạc kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15

Sau khi Nghị quyết được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ông nói đây là kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay. Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định với việc bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng, Bộ trưởng Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. "Nội dung nhân sự đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội", ông Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội

Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Tổ chức Tòa án nhân dân; Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét