Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu công tác tư pháp và cải cách tư pháp cần tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao, lộ trình phù hợp, chống bảo thủ, cục bộ.
Chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sáng 31/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá Ban chỉ đạo đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp trong nhiều đạo luật lớn về tư pháp; góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Ban Chỉ đạo thời gian qua. Một số đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa cao; chưa kịp thời cho ý kiến chỉ đạo hoặc đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về cơ chế, chính sách giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp của cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan.
Theo Chủ tịch nước, cải cách tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. "Đây cũng là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi ảnh hưởng rộng", Chủ tịch nước nói.
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ cả trong quan hệ dân sự, hành chính, thương mại, lao động và an ninh, trật tự. Đòi hỏi của người dân, xã hội với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp cũng ngày càng cao.
Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng. Công tác tư pháp và cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình phù hợp, chống bảo thủ, cục bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
Ban nội chính Trung ương được Chủ tịch nước giao phối hợp cùng Văn phòng Trung ương Đảng để sớm trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua đề án "Tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương". Đề án sẽ theo hướng tiếp tục duy trì tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, với thành phần cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ 2016-2021.
Ban Nội chính Trung ương cũng được yêu cầu phối hợp với các cơ quan có lãnh đạo là thành viên Ban chỉ đạo để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm cải cách tư pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét