Trong các luận điệu chỉ trích Việt Nam không có
tự do ngôn luận, tự do báo chí, có thể thấy các lập luận đã cố tình tập trung
vào vế đầu của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” năm 1948, khẳng định tự do
tư tưởng, tự do xuất bản là quyền cơ bản của con người, mà bỏ đi vế sau là quyền
tự do đó nằm trong khuôn khổ pháp luật và thể chế mỗi quốc gia.
Thay vì xem xét các mối quan hệ giữa Hiến pháp,
pháp luật và hoạt động báo chí thực tiễn, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí
chỉ tập trung vào các vụ việc và cá nhân cụ thể để xuyên tạc về tự do ngôn luận,
tự do báo chí của Việt Nam. Khái niệm mà họ sử dụng chính là "ngôn luận tự
do", "báo chí tự do", gần với khái niệm tự do tuyệt đối, không
có giới hạn.
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nhiều
năm gần đây xếp Việt Nam ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí của
180 quốc gia, với những lý do chủ yếu là “đàn áp các blogger”, “bắt giam các
nhà báo”, nhưng trong những vụ việc này, các đối tượng bị bắt giữ đều có hành
vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để đưa tin sai sự thật, tuyên truyền chống
phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Trên một kênh truyền thông ở hải ngoại thiếu thiện
chí, khi bình luận về Việt Nam gần đây, có một bài viết về bảng xếp hạng của
RSF. Nhưng tổ chức RSF lại không đưa ra được khái niệm hay cách hiểu nào về tự
do báo chí. Nếu họ cho rằng không thể bắt giữ các nhà báo và cho rằng không ai
đáng bị bắt vì lý do tham gia ngôn luận, thì có lẽ họ đã bỏ qua hoàn toàn việc
hoạt động báo chí phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Với cách lập luận như vậy,
họ đang cổ xúy cho ngôn luận tự do, báo chí tự do mà không chịu bất cứ trách
nhiệm xã hội nào.
Trong vụ việc bắt giữ một nữ nhà báo gần đây, có
thể thấy rõ trong thời gian dài, nhà báo này đã công khai chỉ trích nhiều cá
nhân, doanh nghiệp, tổ chức trên trang cá nhân của mình, như Công ty Cổ phần Đại
Nam, Quỹ Sống Foundation, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam... với lời lẽ nặng nề nhưng
không có căn cứ xác đáng. Núp dưới chiêu bài “nêu nghi vấn”, “đặt dấu hỏi”,
“phân tích giả định”, “đấu tranh chống tiêu cực”, nhà báo này đã tùy tiện đưa
ra những thông tin có nhiều dấu hiệu quy chụp, phán xét không khách quan, sai sự
thật, bất chấp luật pháp và đạo lý.
Ngôn luận tự do dựa theo những phán đoán, suy diễn
chủ quan, ác ý đã dẫn một người từng là nhà báo kiêm luật sư phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật vì lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khác. Một số nhà báo, luật sư, người dùng mạng
xã hội khác bị bắt cũng có chung vi phạm pháp luật như vậy.
Khi phê phán, chỉ trích Việt Nam không có tự do
ngôn luận và tự do báo chí, các thế lực thù địch cũng không chỉ ra được điều luật
nào, quy định nào ngăn cản tự do của nhà báo, mà có xu hướng áp đặt hình mẫu
phương Tây cho Việt Nam. Đó là một cách tiếp cận không có cơ sở khoa học. Nội
hàm của tự do ở mỗi quốc gia, mỗi thời điểm có thể giống nhau về phổ quát, còn
lại sẽ mang đặc điểm của mỗi thể chế chính trị-xã hội. Thực chất, không có nơi
nào có tự do tuyệt đối, đây chỉ là một khái niệm mang tính tương đối và có sự
phát triển trong các nền tảng xã hội khác nhau.
Như vậy, ngôn luận tự do, báo chí tự do theo
cách mà các thế lực thù địch tuyên truyền là đề cao tư tưởng của các cá nhân,
không đi kèm trách nhiệm và các khuôn khổ luật pháp, đạo đức xã hội, không quan
tâm hoặc xem nhẹ những hệ quả gây ra cho xã hội, cộng đồng. Điều đó khác rất xa
với tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính có trách nhiệm với sự phát triển
tiến bộ của xã hội và nhân loại.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét