Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

 GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT, GIỮ NGHIÊM KỶ LUẬT QUÂN ĐỘI LÀ THIẾT THỰC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN 

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nền nếp, thói quen trong mọi hành vi, hoạt động của mỗi công dân và các tổ chức trong xã hội, cần phải thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức pháp luật nhằm không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà còn là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Đảng ta đã xác định: “Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”. Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước càng phải tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật quân đội nhằm góp phần bảo vệ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực tế những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và coi trọng bồi dưỡng ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật như một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng quân đội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện có nhiều tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc tăng cường bồi dưỡng ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật càng trở nên cấp thiết nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Bồi dưỡng ý thức pháp luật là khâu rất quan trọng để đưa pháp luật thực sự đi vào đời sống xã hội trong lĩnh vực hoạt động quân sự. Thông qua bồi dưỡng ý thức pháp luật làm cho mọi người có trình độ văn hóa pháp lý cần thiết, trên cơ sở đó xác định đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội; tham gia tích cực vào việc đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động.

Quán triệt và cụ thể hóa các chương trình của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ nội dung quy định; hoàn thành việc phổ cập những kiến thức cơ bản về pháp luật và phổ biến kịp thời các nội dung pháp luật có liên quan tới mọi quân nhân như: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hôn nhân và gia đình; đồng thời, trang bị những kiến thức pháp luật trực tiếp liên quan đến chức năng nhiệm vụ đơn vị, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân như: Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Sĩ quan, Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Pháp lệnh dân quân, tự vệ… Nội dung quan trọng trong các bộ luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp vận dụng trong sinh hoạt, học tập và công tác như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và biện pháp phòng ngừa trong quân đội.

Bồi dưỡng ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật được thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua đài truyền thanh nội bộ, qua chế độ thông báo chính trị, nói chuyện thời sự, các hoạt động “sân khấu hóa”, diễn đàn thanh niên, văn hóa văn nghệ, tọa đàm khoa học… nhằm thực hiện lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành. Thông qua các hoạt động tích cực nêu trên, công tác bồi dưỡng ý thức pháp luật đã thu được những kết quả nhất định. Tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội có nhiều chuyển biến tiến bộ do trình độ nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được nâng cao. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật trong mấy năm qua vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu thực hiện quản lý quân đội bằng pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội.

Trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục triển khai quán triệt thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), trong đó xác định rõ mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Đồng thời, đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là: “Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có những chỉ thị cần thiết để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội. Các văn bản đó sẽ là cơ sở định hướng quan trọng trong việc tăng cường bồi dưỡng ý thức pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Là nội dung quan trọng của công tác giáo dục, huấn luyện, bồi dưỡng ý thức pháp luật nhằm làm cho mọi người có trình độ giác ngộ cao về chính trị, tuyệt đối trung thành, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, lối sống trong sáng, ý thức kỷ luật nghiêm. Với ý nghĩa đó, quân đội phải tăng cường bồi dưỡng ý thức pháp luật cho tất cả các đối tượng. Trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, tích cực đổi mới nội dung bồi dưỡng ý thức pháp luật cho phù hợp với từng đơn vị, từng đối tượng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Ý thức pháp luật được cấu thành bởi các yếu tố: tri thức, tình cảm, niềm tin, do vậy nội dung bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển các yếu tố cấu thành, đặc biệt coi trọng trang bị và nâng cao tri thức pháp luật, khơi dậy sự giác ngộ và tình cảm tốt đẹp của quân nhân đối với pháp luật. Trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát vào nội dung các văn bản, chỉ thị và hướng dẫn của cơ quan cấp trên về pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; căn cứ vào đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị để xác định nội dung bồi dưỡng cho phù hợp. Cần chú trọng đến các nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, hoạt động quân sự; các văn bản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ công dân nói chung và quân nhân nói riêng. Đối với cán bộ, đảng viên, cần thực hiện nghiêm quy định những điều điều đảng viên không được làm; những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật và những vấn đề quan trọng, bức xúc mới nảy sinh trong thực tiễn mà đơn vị đang tập trung tháo gỡ như: quy định về cấm quân nhân uống bia, rượu trong giờ hành chính, cấm say trong mọi lúc mọi nơi, cấm căng tin trong đơn vị bán bia, rượu; bắt buộc mọi quân nhân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tham gia giao thông đường bộ… Đây là những nội dung quan trọng trong bồi dưỡng ý thức pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị quân đội. Nội dung này không chỉ giúp quân nhân chấp hành nghiêm pháp luật, hạn chế tội phạm xảy ra, mà còn thiết thực chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội và góp phần xây dựng Nhà nước vững mạnh toàn diện, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Hai là, kết hợp nhiều hình thức, phương pháp bồi dưỡng ý thức pháp luật cho phù hợp để quân nhân dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ vận dụng.

Các văn bản quy phạm pháp luật thường có nhiều thuật ngữ khó, nội dung nhiều và không dễ tiếp thu, trong khi đó thời gian dành cho bồi dưỡng ý thức pháp luật là có giới hạn. Do vậy, thường xuyên kết hợp nhiều hình thức, phương pháp bồi dưỡng cho phù hợp, tạo ra nhiều “kênh” thông tin về pháp luật cho quân nhân là rất cần thiết. Ngoài việc bồi dưỡng pháp luật theo chương trình, kế hoạch hàng năm của cơ quan chính trị, còn cần phải thường xuyên lồng ghép bồi dưỡng ý thức pháp luật với các hình thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về pháp luật; giữ nghiêm kỷ luật trong các ngày nghỉ cuối tuần, hoạt động dã ngoại và hoạt động ngoại khóa; tổ chức các hoạt động thi đua đột kích trong các tháng cao điểm về chấp hành pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật theo từng chủ đề một cách sinh động; ngoài ra, phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đọc báo, nghe đài, xem tivi về các chuyên mục tìm hiểu, giải đáp pháp luật…

Ba là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và uốn nắn kịp thời những sai phạm của các đối tượng thuộc quyền.

Trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cần đưa các nội dung giáo dục pháp luật thành chế độ nền nếp hoạt động của đơn vị; coi kết quả bồi dưỡng ý thức pháp luật là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên hằng năm. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải thực sự là tấm gương sáng về ý thức chấp hành pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật để chiến sĩ học tập, làm theo. Đó là những việc làm thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong quân đội ta hiện nay./. 

MIỀN TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét