Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY


ViệtNam là quốc gia đa dạng về tôn giáo với 16 tôn giáo và trên 13,2 triệu tín đồ, chiếm khoảng 13,7% dân số và cùng nhiều tổ chức tôn giáo chưa được công nhận. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đoàn kết, cùng chung sống hòa bình, thân thiện với nhau.

Tuy nhiên, thực hiện chiến lược “DHHB” ở Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng khoét sâu các vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các tổ chức phản động trong và ngoài nước tăng cường thu thập thông tin, đăng bài, tuyên truyền rộng rãi trên các nền tảng phổ biến như Youtube, Facebook, Tiktok,… nhằm xuyên tạc tình hình tôn giáo và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn định tình hình chính trị, xã hội, tạo cớ và thời cơ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Để làm cơ sở đấu tranh với những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chúng ta cần nhận diện diện một số phương thức, thủ đoạn chính mà các thế lực thù địch sử dụng như sau:

Một là, lợi dụng vấn đề tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số hình thành tư tưởng ly khai, dân tộc cực đoan.

Các phần tử phản động lợi dụng việc truyền đạo để tuyên truyền, xuyên tạc về nguồn gốc dân tộc, dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ly khai, thành lập Nhà nước riêng, tôn giáo riêng,… tại những nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đơn cử như thành lập tôn giáo “Tin lành của người Mông” để thành lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; thành lập tôn giáo “Phật giáo Nam Tông Khmer” để thành lập “Vương quốc Chăm Pa” ở vùng DTTS Nam Trung Bộ,... từng bước hình thành các tổ chức phản động chống phá ở nước ta.

Hai là, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm tạo cớ can thiệp vào công việc chính trị nội bộ, tạo sức ép trong các quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Trong nhiều năm qua, các phần tử phản động đã cung cấp nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tự do tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam, cùng với cách tiếp cận thông tin một chiều, phiến diện, thiếu thiện chí của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ và Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới để thông qua các báo cáo, các nghị quyết, thông cáo có nội dung xuyên tạc, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu sai về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam; tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; bất chấp những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm tự do tôn giáo cho người dân.

Ba là, Tôn giáo hóa các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội

Những năm qua, với thủ đoạn “tôn giáo hóa” các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để chống phá Việt Nam. Các thế lực thù địch đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội, gây phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa bàn, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận chức sắc và đồng bào theo đạo đối với Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Có thể kể ra như: sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung năm 2016 các phần tử cực đoan trong và ngoài nước đã kích động, lôi kéo hàng nghìn tín đồ Công giáo tụ tập, biểu tình, ngăn chặn các phương tiện giao thông qua lại, đập phá tài sản công, tấn công lực lượng chức năng. Hay như tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc thực thi pháp luật về đất đai, xây dựng của chính quyền. Một linh mục, chức sắc cực đoan trong tôn giáo đã lợi dụng vào đó để khiếu kiện, kích động tín đồ chiếm giữ đất công, xây dựng cơ sở thờ tự trái phép, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bốn là, lợi dụng hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam để chống phá.

Lợi dụng những tồn tại trong công tác quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng, các thế lực thù địch đã thổi phồng sai lầm, khuyết điểm, quy kết mọi tồn tại, hạn chế đó là do sự yếu kém của Đảng và Nhà nước, bản chất của chế độ XHCN. Từ đó, chúng xúi giục, chỉ đạo một số chức sắc tôn giáo cực đoan tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, bôi nhọ Lãnh tụ; tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương. Âm mưu của chúng là tạo ra các lực lượng chống đối ngay trong lòng đất nước, hòng tạo cơ hội lật đổ chế độ, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm là, xuyên tạc, bịa đặt về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Các thế lực phản động và một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tán phát, chia sẻ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; gây chia rẽ nội bộ các tôn giáo bằng cách công kích các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiến bộ, yêu nước, tích cực tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; từ đó tuyên truyền kích động tín đồ đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi xây dựng xã hội dân sự Việt Nam, đòi tự do tôn giáo trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Nhận diện và đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước là một yêu cầu khách quan, vừa mang tính cấp thiết và xuyên suốt lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Vì vậy hơn bao giờ hết, Đảng và Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang cả nước luôn phải đề cao cảnh giác, kịp thời nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, cách thức lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định và phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét