Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Tái diễn luận điệu xuyên tạc công tác xử lý cán bộ sai phạm

Trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện hết sức quyết liệt, nghiêm minh. Sức nóng của chiến dịch “đốt lò” đã lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chính các cá nhân trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, lợi dụng việc xử lý cán bộ sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đối tượng xấu tung ra nhiều luận điệu tiêu cực, sai trái, đánh lạc hướng dư luận.

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bị can Nguyễn Văn Yên (nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương) để điều tra về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự quan tâm, chú ý của dư luận để “bẻ lái”, “đánh võng” thông tin, tung ra nhiều luận điệu độc hại, sai trái. Một mặt, chúng rêu rao cho rằng tham nhũng ở Việt Nam đã lâm vào tình trạng mất kiểm soát, ăn sâu vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, không thể loại bỏ tận gốc nếu không thay đổi thể chế chính trị.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được đẩy mạnh trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Một trong những phẩm chất quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có là: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Về trách nhiệm nêu gương, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu.

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, gắn liền với sự phân hóa quyền lực, được biểu hiện thông qua việc người có chức vụ, quyền hạn sử dụng quyền lực được giao để thực hiện hành vi vụ lợi, sai trái, xâm phạm đến lợi ích của tập thể. Không chỉ riêng Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối diện với nguy cơ tham nhũng xảy ra. 

Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự rèn luyện, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, theo đúng tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được đưa ra xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe. Nhờ đó, từ một Đảng cách mạng non trẻ, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta không ngừng phát triển, trưởng thành, luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội./.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét