Cơ hội tốt diệt sinh lực địch

Tháng 11-1951, tôi được lệnh trở lại Bộ Tổng Tư lệnh, tham gia giúp việc cho Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng rất nhiều lần trực tiếp dự họp với Bộ Tổng Tham mưu. Tôi từng làm thư ký nhiều cuộc họp, chưa thấy lần nào mà Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lại sát sao đến vấn đề quân sự như trong Chiến dịch Hòa Bình. Điều đó chứng tỏ, Bộ Chính trị rất quan tâm đến chiến dịch. Cũng bởi tầm quan trọng của chiến dịch, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cả đồng chí Trường Chinh đã 3 lần sang Bộ Tổng Tham mưu trao đổi, nghe báo cáo và có ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và dân quân du kích. Tôi nhớ, trong thư, Người khẳng định: Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh... Bác đang để dành giải thưởng đặc biệt cho bộ đội nào và chiến sĩ nào lập công to nhất.

Kế hoạch tiến công của chiến dịch chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 đánh địch trên khu vực địch đang chiếm (thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận phía bờ Bắc sông Đà). Giai đoạn 2 đánh địch tăng viện hoặc rút lui, mở rộng chiến tranh du kích ở các vùng địch tạm chiếm. Như vậy, từ cuối tháng 11 sang tháng 12-1951 đã có sự bài binh bố trận của cả hai bên rất rõ ràng. Lúc bấy giờ, ta tổ chức đánh địch ở cả hai mặt trận, theo tinh thần “một đòn đập chết hai mạng”. Giải thích điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với chúng tôi: “Mạng thứ nhất là ở thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận. Mạng thứ hai là ở vùng địch tạm chiếm, do dân quân, du kích đánh. Tức là lần này, ta đánh địch khi chúng đánh ra, tiến hành vây hãm, tiêu hao, thậm chí có những trận đánh tiêu diệt. Bên cạnh đó, ở những vùng địch tạm chiếm, mặt trận sau lưng địch cũng sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích cộng với chiến tranh chính quy để tiêu diệt địch và có thể giải phóng những vùng rộng lớn ở những nơi địch tạm chiếm, giải phóng nhân dân, đánh bại kế hoạch rất lớn của địch hồi đó là kế hoạch De Lattre được thi hành từ năm 1950”.

Tôi nhớ rõ, phương châm tác chiến của ta được thông qua là: Đánh trận then chốt sau đó đánh vận động, tạo thời cơ, hết sức tránh điểm mà đánh vận động, tiêu diệt địch trong thế chúng đã rời công sự. Đánh một trận then chốt và phải đánh thắng. Còn các trận khác chuyển sang đánh vận động, đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Ta tổ chức đánh địch trong thị xã, vừa tiêu hao địch vừa đánh những chỗ then chốt nhất mà chúng không thể hy vọng ở lại thị xã Hòa Bình. Sau đó đánh vận động trên sông Đà, trên Đường số 6 để tiêu diệt phần lớn quân địch, đồng thời kết hợp tiêu diệt từng bộ phận địch ở hướng chính là hướng Hòa Bình. Tại các hướng phối hợp, tức là các mặt trận sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế, Liên khu 5... ta mở rộng chiến tranh du kích kết hợp với một phần chủ lực để giải phóng những vùng địch chiếm, tiêu diệt từng bộ phận ở mặt trận sau lưng địch, làm cho chúng căng thẳng đối phó cả hai nơi.



Lựa chọn đúng trận đánh then chốt

Thực hiện kế hoạch, ta đưa bộ phận chủ lực lớn của Bộ (gồm 3 đại đoàn bộ binh và Đại đoàn Công pháo 351) vào tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng là vùng địch hậu, lấy đó làm vùng tác chiến lớn. Cụ thể, Đại đoàn 320 đang đóng ở giữa hữu và tả ngạn đưa hẳn sang tả ngạn; đưa Đại đoàn 316 vào hữu ngạn. Tổng số gần 5 vạn quân. Khi mặt trận Đồng bằng Bắc Bộ của địch đã bị uy hiếp, tại Hòa Bình, ta chuyển sang tiêu hao chặn địch trên Đường số 6. Đại đoàn 308 phụ trách thị xã Hòa Bình cùng một đơn vị chủ công của Đại đoàn 304. Đại đoàn 312 phụ trách đánh địch ở tuyến sông Đà. Đại đoàn 304 phụ trách đánh địch trên Đường số 6, đánh đường bộ đến giáp Chợ Bến, Xuân Mai.

Trong phạm vi Chiến dịch Hòa Bình, có hai mục tiêu quan trọng là căn cứ Tu Vũ và Chẹ. Chẹ là căn cứ pháo binh, đồng thời là căn cứ của bộ binh. Tu Vũ là căn cứ của bộ binh và xe tăng thiết giáp. Tại đây, địch đã bố trí các đơn vị xung kích gồm bộ binh, thiết giáp và xe tăng. Công sự đất đá nhưng yểm hộ cho bộ phận chiếm đóng là pháo binh và hỏa lực không quân. Như sau này tôi được biết, ở mặt trận chính, địch đã bắn đến 3 vạn viên đạn pháo. Trước khi rút, chúng cũng bắn khoảng 1 vạn viên.

Trận Tu Vũ là trận công kiên oanh liệt và dũng cảm của bộ đội ta. Khi địch bắn pháo thì anh Thái Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 có nói: “Cho nó bắn chán đi mới đánh”. Bấy giờ, ta đào sâu công sự để tránh đạn pháo của địch bắn cấp tập nhưng vẫn kiên quyết tiêu diệt Tu Vũ. Khi địch ngừng bắn 10 phút, ta xung phong và đánh chiếm Tu Vũ, tiêu diệt luôn tiểu đoàn địch, xe thiết giáp có tới mười mấy chiếc. Đó là trận công kiên then chốt trong Chiến dịch Hòa Bình. Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Trung đoàn 88 do các anh Thái Dũng và Đặng Quốc Bảo chỉ huy đánh Tu Vũ. Đây là những chỉ huy rất kiên quyết và mưu lược, quyết tâm rất cao và họ đã không phụ sự tin tưởng của cấp trên. Sau này, khi biểu dương Trung đoàn 88, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Thái Dũng đáng là tấm gương về quyết tâm của những người chỉ huy”.


Giải mã bức điện của địch

Sau khi ta tiêu diệt Tu Vũ và kiềm chế tiêu hao địch ở trung tâm, quân Pháp buộc phải rút bỏ, chuyển về hướng Đường số 6 và sông Đà đúng như dự đoán của ta. Kế hoạch rút lui được địch chuẩn bị khá chu đáo. Trên đoạn đường từ thị xã Hòa Bình về Chợ Bến, địch bố trí 18 vị trí chốt để chống lại quân ta nhưng đều nằm trong dự tính của ta. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Tổng Quân ủy là luôn luôn giữ vững quan điểm đánh địch trên hai mặt trận chính diện và sau lưng, kéo dài chiến dịch, không cho địch rút, thực hiện thành công “một đòn đập chết hai mạng”.

Những ngày diễn ra chiến dịch, cùng bộ đội trực tiếp chiến đấu trên chiến trường chính thì các lực lượng khác cũng phối hợp khá tốt, trong đó có bộ phận quân báo. Ngay ngày đầu chiến dịch, một tổ mã thám do đích thân Cục phó Cục Quân báo Cao Pha tổ chức chỉ huy đã được thành lập. Các anh đã làm việc rất hiệu quả. Những thông tin về tình hình địch thu được đều rất sát với thực tế.

Quá trình mã thám, rất tình cờ, tôi đã lập thành tích, được tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị. Ấy là vào khoảng trung tuần tháng Giêng năm 1952, có đồng chí cán bộ mã thám mang đến Bộ chỉ huy chiến dịch một bức điện. Là bí thư của Đại tướng nên tôi được phép cầm xem trước khi báo cáo. Bức điện có nội dung: “Bình minh Kim Tự Tháp sẽ nở hoa”. Tôi chợt nhớ đến khi học ở trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), một giáo sư dạy lịch sử nước Pháp có nói với chúng tôi rằng ở miền Bắc của đảo Corse (phía Đông Nam nước Pháp) có dãy núi đặc biệt. Một năm dãy núi này đổi màu một lần vào mùa thu, có thể sánh với Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Trong bức mã thám có nói đến Kim Tự Tháp thì tôi nghĩ ngay đến Kim Tự Tháp ở núi đá chứ không phải sa mạc cát. Còn “nở hoa” nghĩa là bung dù ra. Sau khi xem kỹ cả bản đồ, tôi phán đoán nội dung bức điện là: Sẽ rút trên Đường số 6. Các điểm nhảy dù trên dãy núi sẽ yểm hộ cho quân địch rút trên con đường này.

Khi đọc bức điện, anh Văn hỏi ý kiến, tôi liền báo cáo suy đoán trên. Anh tán thành và lập tức yêu cầu báo ngay anh Hoàng Văn Thái, ra lệnh cho Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn chuẩn bị hai tiểu đoàn tinh nhuệ, trong buổi chiều vượt sông lên ngay gần Lương Sơn chuẩn bị sẵn trận địa nếu địch nhảy dù thì đánh. Khoảng 7 giờ ngày hôm sau, địch đã nhảy dù ở vị trí ta đón lõng. Quân ta bắt sống hơn 200 tên địch, bắn rơi 6 máy bay. Một điều rất tự hào với tôi là sau đó, tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba-tấm huân chương bấy giờ chỉ trao cho cán bộ trực tiếp chiến đấu, cán bộ ở cơ quan chỉ huy chưa ai được trao tặng, cùng một Bằng khen của Tổng cục Chính trị do đồng chí Nguyễn Chí Thanh ký.