Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

KHÔNG ĐƯỢC XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 


    Cứ “đến hẹn lại lên”, hằng năm phương Tây và Mỹ đều đưa ra cái gọi là “nghị quyết”, “báo cáo”, “dự luật” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cụ thể: Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo nhân quyền năm 2023, trong đó tiếp tục đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”... Để minh chứng cho nhận định phiến diện đó, cũng giống những năm trước, báo cáo nhấn mạnh rằng Việt Nam đã bắt, giam giữ những người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội... Điều đáng nói là những “tù nhân chính trị”, “nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” được liệt kê trong báo cáo, như Bùi Tuấn Lâm, Ngụy Thị Khanh, Lê Anh Hùng, Phan Tất Thành, Châu Văn Khảm... đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự nên bị bắt giữ, điều tra; một số đối tượng đưa ra xét xử và tuyên phạt với những bản án hoàn toàn đúng người, đúng tội.
Như chúng ta đã biết, xác định con người vừa là mục tiêu và động lực của sự nghiệp phát triển đất nước, vừa là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều nhằm phấn đấu phục vụ con người và vì con người. Những thành quả quan trọng mà Việt Nam đạt được qua gần 40 năm đổi mới về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là minh chứng rõ rệt cho chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế và các nước ghi nhận.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm rằng nhân quyền trước hết phải là quyền của mỗi người, mỗi dân tộc được thực hiện quyền tự quyết, được sống trong độc lập, tự do và được phát triển về mọi mặt; các quyền dân sự, chính trị phải đi đôi với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; quyền và tự do cá nhân phải gắn với lợi ích chung của dân tộc và trách nhiệm đối với cộng đồng. Bảo đảm và thực hiện quyền con người trước hết là trách nhiệm quốc gia, không thể có sự áp đặt từ bên ngoài.
Những thành tựu không thể phủ nhận đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình cho sự ghi nhận ấy là việc ngày 11/10/2022, Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014-2016). Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, Việt Nam đang ở trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ mà chúng ta vừa phải cải tạo xã hội cũ, vừa tiến hành xây dựng xã hội mới. Trong quá trình ấy, chúng ta không tránh khỏi có những vấp váp ở nơi này, nơi khác trong thực hiện quyền con người. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ: Đảng và nhà nước Việt Nam luôn nghiêm túc khắc phục những thiếu sót và có nhiều chủ trương, biện pháp để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân Việt Nam. Vì vậy, không chỉ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà với thái độ đầy thiện chí của mình, Chính phủ Việt Nam còn sẵn sàng mời những ai quan tâm và chia sẻ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đến Việt Nam.
Với những bước đi chủ động, tích cực và đa dạng nêu trên trong hợp tác quốc tế và đối thoại trên lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan, tác động tốt tới dư luận quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; mặt khác, giảm thiểu đến mức tối đa sức ép từ bên ngoài chống Việt Nam và vô hiệu hoá các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét