Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

 

Những năm gần đây, trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tình trạng tham nhũng vẫn còn khá nghiêm trọng; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã ra sức tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Những luận điệu đó tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

Một là, các thế lực thù địch cho rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một “quốc nạn không có thuốc chữa”. Họ cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ nguyên nhân tất yếu là chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam hay tham nhũng là “căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”. Do đó, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng suy thoái, tham nhũng”. Từ đó, các thế lực thù địch ra sức bài xích chế độ một đảng của Việt Nam, lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải đi theo con đường đa đảng, tam quyền phân lập vì “Chỉ có thể chống tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực” . Thực chất của luận điểm này một mặt là để hạ thấp, phủ nhận vai trò của Đảng ta trong việc lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; mặt khác là nhằm kêu gọi nhân dân ta cổ xúy cho chế độ đa đảng, tam quyền phân lập. Đây tiếp tục là trò “rượu cũ bình mới” mà các thế lực thù địch tìm mọi cách tấn công vào Đảng, vào chế độ ta.

Hai là, từ một số vụ, việc tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là những vụ liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã quy chụp, cường điệu hóa, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Họ rêu rao rằng “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc”. Tinh vi hơn, với chiêu bài “tung hô thần tượng”, các phần tử cơ hội chính trị đã lấy tấm gương đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để so sánh với tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó chỉ trích Đảng đã “dung túng”, “bao che” cho cán bộ, đảng viên dẫn đến tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng.

Ba là, cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Theo họ, đó chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép thôi”[5]… Có ý kiến còn cho rằng việc Đảng và Nhà nước nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”... Đây là những luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Những luận điệu sai trái, thù địch trên được tung ra khắp nơi, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Theo thống kê, trong giai đoạn Đảng ta chuẩn bị tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ XIII có khoảng 36% các thông tin sai trái, thù địch liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Đây là kiểu “đến hẹn lại lên” của các phần tử cơ hội chính trị nhằm phủ nhận quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng và trong đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nói chung.

Những luận điệu đó còn nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; gây mất đoàn kết nội bộ, kích động xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, có tâm lý bất mãn. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch qua các luận điệu đó; đồng thời có luận cứ xác thực, có tính thuyết phục để đấu tranh phản bác./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét