Tiếp tục chương trình làm việc ngày 3-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí để nhà đầu tư được thực hiện dự án thí điểm
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí; tuân thủ, hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân; góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm gồm 6 điều. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Điều 2: Điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Điều 3: Tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm; Điều 4: Trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Điều 5: Tổ chức thực hiện; Điều 6: Điều khoản thi hành.
Thời gian thực hiện thí điểm của Nghị quyết là 5 năm.
Chính phủ cũng cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết cơ quan soạn thảo cũng đã đánh giá tác động mặt tích cực, mặt tiêu cực để từ đó đề xuất các quy định cụ thể nhằm hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện Nghị quyết thí điểm.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết đã tính toán đưa ra phạm vi thí điểm giới hạn về không gian, thời gian đảm bảo cân đối hài hòa giữa các phương thức tiếp cận đất đai. Về không gian thí điểm: Mặc dù thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nhưng tại mỗi tỉnh có giới hạn về không gian cho phép thực hiện đó là tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị.
Cùng với đó, về quy mô diện tích đất thực hiện thí điểm: Không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt nhằm đảm bảo diện tích được quy hoạch đất ở còn lại được sử dụng cho các phương thức tiếp cận đất đai khác như đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo Chính phủ, dự thảo Nghị quyết đã quy định rất chặt chẽ điều kiện, tiêu chí để nhà đầu tư được thực hiện dự án thí điểm… Cụ thể, nhà đầu tư phải là tổ chức kinh doanh bất động sản. Dự án của nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được quyết định, phê duyệt; không thuộc các dự án quy định tại khoản 4 Điều 67 của Luật Đất đai; không thuộc danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua....
Cần thiết xây dựng Nghị quyết
Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết, toàn diện tình hình thực tiễn của việc phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá thực trạng của việc mua gom, đầu cơ đất đai; giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc thí điểm.
Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở, căn cứ, tính cấp thiết, tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền về việc chọn thí điểm trên phạm vi toàn quốc, các điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Việc thực hiện thí điểm phải đảm bảo tuân thủ các quy định về diện tích trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, các chỉ tiêu về đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định...
KHÁNH AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét