Điều gì khiến những công ty hàng đầu ít nhắc đến những mục tiêu thương mại thuần túy, những con số về doanh thu và lợi nhuận mà thông thường những người làm kinh doanh phải quan tâm mỗi ngày? Thay vì thế, họ nói về những ước mơ vĩ đại, làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Một vị lãnh đạo Vietcombank có lần nói với tôi rằng, mục tiêu lớn lao nhất của họ là trở thành ngân hàng được xã hội mong muốn trường tồn. Tôi cũng đã đọc được một thông điệp tương tự từ Unilever, công ty đa quốc gia sản xuất hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu thế giới, họ mong trở thành một công ty được xã hội mong muốn tồn tại. Hôm nay, họ truyền một thông điệp mới: “Khát vọng của chúng tôi là làm cuộc sống bền vững trở nên phổ biến”.
Những doanh nghiệp mang một sứ mệnh xã hội
Tôi đã đọc được trong cuốn sách “Trò chơi vô cực - Chiến lược dẫn đầu trong thời đại khách hàng thông minh”, tác giả Simon Sinek nói rằng, có hai loại doanh nghiệp, loại thứ nhất xây dựng chiến lược chung quanh khát vọng đánh bại đối thủ, và loại thứ hai đặt ra mục tiêu thay đổi thế giới bằng một tầm nhìn rộng mở, với khát vọng tạo ra những điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta có ngày hôm nay.
Loại thứ nhất, rất nhiều và phổ biến, tạo ra văn hóa chiến thắng, và chinh phục. Loại thứ hai, hiện không có nhiều lắm, tạo ra những con người truyền cảm hứng, dẫn dắt sứ mệnh phụng sự nhân loại. Tôi không dám khẳng định ai sẽ là người thành công hơn về mặt giá trị thị trường, nhưng chắc chắn xã hội sẽ mong muốn có ngày càng nhiều những doanh nhân dẫn dắt doanh nghiệp của họ theo con đường thứ hai.
Airbnb là một nền tảng công nghệ kết nối những người chủ có mong muốn cho thuê chính ngôi nhà, căn hộ của họ, và đang trở thành một trong những thương hiệu “khách sạn” lớn nhất thế giới mà không sở hữu bất kỳ một khách sạn nào. Nhưng họ không đặt ra mục tiêu trở thành lớn nhất. Trong một chiến dịch quảng cáo mang tên #weaccept năm 2017, họ truyền đi một thông điệp về mô hình kinh doanh của họ là chấp thuận sự khác biệt. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta chấp thuận, bao dung nhiều hơn những sự khác biệt.
Nike không bán giày. Họ tạo ra động lực cho chúng ta vươn lên trở thành nhà vô địch của chính mình. Dove không bán mỹ phẩm. Họ truyền cho chúng ta sự tự tin với vẻ đẹp tự nhiên của mình.
Sinek gọi đó là “mục đích thương hiệu” - chính là cái lý do cho các doanh nghiệp làm những gì họ đang làm, là sứ mệnh xã hội của họ, vượt lên trên những mục tiêu kiếm tiền đơn thuần.
Viettel tham gia thị trường viễn thông bằng chiến lược lấy nông thôn vây thành thị. Thoạt đầu, điều này trông như một chiến lược kinh doanh khôn ngoan đơn thuần, tránh chỗ thị trường cạnh tranh khốc liệt ở đô thị lớn, để chiếm lĩnh những vùng đất ít cạnh tranh hơn. Nhưng quan sát sự phát triển của tập đoàn này trong hơn hai thập niên, chúng ta thấy đâu đó động lực thật sự cho họ sức mạnh vượt trội là triết lý không để ai lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ số.
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể theo đuổi mục đích lớn lao. TokyoLife là một chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng và sản phẩm thời trang. Trong những xưởng may và cửa hàng bán lẻ của họ trải dài khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam có hơn 170 người khuyết tật đủ các thể trạng mà họ gọi là “thiên thần”. Huấn luyện viên thể hình cho nhân viên công ty là một người bị mất một cánh tay.
Ở xưởng may, những người thợ xỏ chỉ bằng đôi tay không lành lặn. Ở cửa hàng, nhân viên đón khách bằng ký hiệu ngón tay vì họ không thể nói được. Nhưng tất cả họ đều hạnh phúc vì được lao động trong một môi trường bình đẳng và thân ái.
TokyoLife không chỉ cho người khuyết tật con cá hay cái cần câu, họ nguyện trở thành một cái “hồ câu vui vẻ”, nơi mà người khuyết tật có thể sống, lao động và cống hiến như những người lành lặn. Sứ mệnh của họ là truyền cảm hứng để tạo ra một môi trường lao động cho những con người tưởng chừng tàn phế.
Tò He còn nhỏ hơn. Họ là cơ sở sản xuất những sản phẩm thủ công lấy cảm hứng từ tranh vẽ của trẻ tự kỷ. Nhưng Tò He đặt cho mình một mục đích hành động, một sứ mệnh lớn lao - mang lại sự hồn nhiên cho tất cả mọi người.
Với những doanh nghiệp tập trung vào các cuộc cạnh tranh với đối thủ, họ đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dễ dàng thỏa mãn với chiến thắng ngắn hạn. Nhưng với các doanh nghiệp lấy mục tiêu phụng sự cho sự phát triển tốt đẹp hơn của xã hội, tầm nhìn của họ là vô hạn. Họ sẽ không dừng lại ở các chiến thắng ngắn hạn, mà tiếp tục đi tới và chinh phục những đỉnh cao hơn. Đó cũng chính là cảm hứng mạnh mẽ cho niềm tin và ý chí của cả đội ngũ của họ, là cái gắn kết và kiên định vì những mục tiêu cao cả.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, Henry Ford đã nói: “Một doanh nghiệp tạo ra không gì khác ngoài tiền mặt là một doanh nghiệp tồi tệ”. Nó được nhắc lại ngày hôm nay, dành cho tầng lớp doanh nhân mới, đặt lợi ích của mình trong tổng thể lợi ích của khách hàng và của xã hội nói chung.
Chuyển đổi xanh trở thành một xu hướng trong doanh nghiệp. Nó bắt đầu từ triết lý sống xanh và có trách nhiệm hơn với môi trường, giảm tác hại đến môi trường. Nhưng đó cũng có nghĩa là họ phải tôn trọng hơn vai trò bình đẳng của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là nhóm yếm thế, giảm sự lãng phí tài nguyên, hướng tới sự thịnh vượng chung. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mà tôi có dịp làm việc cùng đã lựa chọn con đường chuyển đổi xanh, như BIM Group, Gelex, Vietnam Airlines…
Ngày 19/9/2024, CLB Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam (CSMO), thuộc Hiệp hội các nhà Quản trị doanh nghiệp (VACD) đã công bố sự thành lập “Cộng đồng sale và marketing vì sự phát triển bền vững”, gọi tắt là SM4S, với sự tham gia ngày một tăng của nhiều doanh nghiệp.
Mục tiêu của cộng đồng này là (i) Thúc đẩy sự phát triển bền vững: Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững thông qua việc áp dụng các nguyên tắc ESG và chuyển đổi xanh; (ii) Kết nối và hợp tác: Tạo ra một mạng lưới doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực sale và marketing cùng cam kết phát triển bền vững, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực; (iii) Nâng cao nhận thức và kỹ năng: Tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo, và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp; và (iv) Kiến tạo giá trị dài hạn: Thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và khách hàng, giữa các tổ chức với cộng đồng, và giữa con người với môi trường.
Như thế, kiến tạo một sứ mệnh với tầm nhìn vô hạn, gắn với triết lý phát triển bền vững đã không còn là một sự lựa chọn, mà là điều hiển nhiên đối với mỗi doanh nghiệp ngày hôm nay. Đó là câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để trở thành những doanh nghiệp trường tồn và được xã hội mong ước tồn tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét