Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Tọa đàm “Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam”.

 Ngày 20-11-2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam”.

Đoàn Chủ trì Tọa đàm_Ảnh: HCMA

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và bà Manuela V. Ferro - Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì Tọa đàm.

Dự Tọa đàm có PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Trung ương; Bà Lalita, Giám đốc Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới; và gần 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các viện nghiên cứu trong và ngoài Học viện, và khu vực tư nhân.

Đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý nêu rõ, Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển. Từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội toàn diện, sâu sắc. Thông qua công cuộc đổi mới, trong 40 năm qua, đất nước đã chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những thay đổi này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá cố định) trung bình hằng năm khoảng 6.5% trong suốt giai đoạn 1986-2023, thuộc hàng cao nhất trong khu vực. GDP bình quân đầu người thực tế tăng gần gấp 45 lần so với năm 1986 (96 USD), đạt khoảng 4.400 USD vào năm 2023. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử và nông sản. Với những phát triển vượt bậc này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nên kinh tế có thu nhập trung bình cao trước năm 2030.

Cùng với tiền bộ kinh tế, quá trình chuyển đổi số cũng giúp hàng triệu người thoát nghèo (tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ trên 60% vào cuối những năm 1980 xuống dưới 6% vào năm 2023), đồng thời mang lại những bước tiến xã hội tích cực. Tỷ lệ tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo trợ xã hội ngày càng tăng; trình độ học vấn, độ tuổi trung bình theo đó cũng tăng (từ 65,5 năm 1993 lên 74,5 năm 2023), song song với đó, việc mở rộng các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Dương Trung Ý, thành công trong quá khứ không phải lúc nào cũng đảm bảo cho thành công trong tương lai. Hành trình phát triển của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vấn đề đặt ra tại thời điểm này là hành trình phát triển của Việt Nam hướng tới tương lai thu nhập cao sẽ được định hình như thế nào trong hai thập kỷ tới. Làm sao để trong hành trình phát triển đó, Việt Nam không bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện thành công mục tiêu và con đường phát triển mà Đảng và dân tộc đã lựa chọn?

PGS, TS Dương Trung Ý nhấn mạnh, những xu hướng này cũng cho thấy, một tương lai thu nhập cao đòi hỏi những thay đổi có tính đột phá, hoặc thậm chí mang tính bước ngoặt trong cải cách chính sách và thể chế của Việt Nam trong những năm tới, bao gồm cả những thay đổi để bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách.

Tọa đàm diễn ra trong 2 phiên làm việc.

Phn 1: Báo cáo của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới

Qua hai báo cáo về Hành trình hướng tới 2045: Nâng cấp mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi và Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã trình bày những phát hiện, phân tích, dự báo và đưa ra phương hướng chính sách cho Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Các báo cáo chỉ ra những hạn chế trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam như: mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cao nhờ vào khối lượng chứ chưa phải chất lượng, cho thấy Việt Nam vẫn chưa chuyên sâu vào sản xuất lắp ráp khâu cuối; là nền kinh tế kép với liên kết hạn chế giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; hạn chế về nguồn cung lao động kỹ năng cao; nhu cầu hạ tầng tầng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trong khi tăng trưởng kinh tế phát thải các-bon cao gây nguy cơ về năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích những cơ hội và rủi ro trong bối cảnh chuyển đổi thương mại toàn cầu.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng, từ khi đổi mới, Việt Nam đã đạt được và duy trì nhiều thành công, tốc độ tăng trưởng GDP cũng như tỷ lệ giảm nghèo bền vững ở mức cao. Đó là cơ sở để Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh mới, Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua trong đó có “bẫy thu nhập trung bình”. Từ các kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần xây dựng lộ trình, cách thức, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển lực lượng lao động chất lượng cao,… từ đó tận dụng các cơ hội, lợi thế để nâng cao vị thế, đạt được mục tiêu phát triển của quốc gia.

Phiên 2: Thảo luận bàn tròn của các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại phần thảo luận bàn tròn, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ những thay đổi, tác động đến quá trình phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới; chỉ ra những thách thức, cơ hội, kinh nghiệm của một số quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế thu nhập trung bình lên trung bình cao. Các đại biểu cũng thảo luận, phân tích làm sao để Việt Nam tránh “bẫy thu nhập trung bình” như các chuyên gia đã cảnh báo. Các ý kiến đều nhất chí về tính tất yếu phải thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam; nêu rõ những nhận diện về vị thế thương mại của Việt Nam hiện nay và các điều kiện tiên quyết để Việt Nam khẳng định vị thế thương mại cao hơn trong một thế giới có nhiều biến động, thay đổi. Các ý kiến tham luận cũng cho rằng việc quản lý quá trình chuyển đổi này đặc biệt khó khăn trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu đang có những biến đổi sâu sắc, khi các yếu tố kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang định hình lại các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.

Để giải quyết các thách thức trên, các báo cáo tham luận, cũng như các ý kiến thảo luận tại Tọa đàm thống nhất cần có một chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư tư nhân và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các giải pháp chính sách trọng tâm bao gồm: Từ hạ thuế quan chuyển sang hội nhập thương mại chiều sâu, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; cấu trúc lại mô hình thương mại hướng tới giá trị gia tăng cao hơn, cũng như bền vững và thích ứng cao hơn; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao và kỹ năng chuyên sâu để tạo giá trị gia tăng lớn; chuyển đổi sang mô hình sản xuất các-bon thấp; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao thông qua cải cách giáo dục đại học và dạy nghề,...

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Báo cáo Việt Nam 2045, nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam do các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện, trình bày tại Tọa đàm rất sát thực tiễn của Việt Nam trong mấy thập kỷ qua. Đây là cứ liệu quan trọng góp phần để Việt Nam khai mở được những điểm nghẽn hiện nay trong vấn đề thương mại với thế giới; các chuyển đổi đề xuất ở trên đối với Việt Nam gắn với bối cảnh và diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, tạo ra nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội cho Việt Nam, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực lớn.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ mong muốn, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế chia sẻ, hỗ trợ tích cực, cùng những thông điệp có giá trị của Tọa đàm hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng tư duy, tầm nhìn, định hướng chiến lược, những giải pháp trọng tâm, để Việt Nam thực hiện hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Đại biểu dự tọa đàm_ Ảnh: HCMA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét