Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay.

 Sinh viên là nguồn nhân lực phát triển kinh tế, xã hội tương lai của đất nước. Do đặc điểm của tuổi trẻ, đang trong thời gian học tập, rèn luyện nên ý thức chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng đối với định hướng phấn đấu của sinh viên. Bài viết tập trung nhận diện các biểu hiện ý thức chính trị của sinh viên, từ đó đưa ra những yêu cầu nâng cao ý thức chính trị, để sinh viên trở thành những công dân có trách nhiệm với bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay.

Sinh viên tham gia vòng thực hành trắc nghiệm trực tuyến tại Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ V, năm 2023_Ảnh: TTXVN

1. Mở đầu

Việt Nam đang trong quá trình CNH, HĐH để phát triển đất nước, sinh viên là lực lượng trẻ năng động, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do những thay đổi mạnh mẽ của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Những tác động từ các yếu tố bên ngoài, những thay đổi trong tư duy và nhận thức của xã hội, đã tạo ra những biến động đáng kể trong cách sinh viên tiếp cận và nhìn nhận về các vấn đề chính trị - xã hội.

Do đó, việc nâng cao ý thức chính trị không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm công dân và vai trò của họ trong việc bảo vệ chế độ, mà còn giúp định hướng lý tưởng, niềm tin chính trị và định hình tư duy phản biện đối với những vấn đề xã hội, góp phần xây dựng một thế hệ trí thức trẻ có nhận thức đúng đắn và tinh thần cống hiến cao.

2. Những biểu hiện ý thức chính trị của sinh viên

Ý thức chính trị là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội trong xã hội có giai cấp; là sự biểu hiện giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia, cũng như thái độ của các giai cấp, tầng lớp đối với quyền lực nhà nước. Ý thức chính trị hình thành khi xuất hiện giai cấp và nhà nước. Nói đến ý thức chính trị của mỗi cá nhân là nói đến sự nhận thức về những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị - xã hội; là thái độ, niềm tin, lý tưởng, ý chí, bản lĩnh và hành vi chính trị.

Ý thức chính trị của sinh viên biểu hiện qua nhiều phương thức khác nhau, có khi sinh viên thể hiện ý thức chính trị của mình trong việc học tập, tiếp thu tri thức lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để hình thành cho mình thế giới quan khoa học và đúng đắn trong việc tiếp cận những vấn đề chính trị - xã hội thông qua các hoạt động đoàn thể, qua tranh luận, trao đổi tư tưởng, đấu tranh bảo vệ một quan điểm chính trị nhất định. Cũng có khi ý thức chính trị của sinh viên lại được thể hiện một cách gián tiếp thông qua việc bày tỏ tình cảm, nhận thức, niềm tin, sự định hướng hoạt động của bản thân… Khái quát lại, ý thức chính trị của sinh viên được biểu hiện qua một số phương thức cơ bản sau:

Thứ nhất, biểu hiện trong nhận thức, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, định hướng hành động và lý tưởng sống cho sinh viên. Sinh viên nắm vững kiến thức lý luận, có nhận thức tốt về chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ nắm vững các nguyên lý cơ bản như: duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, lý thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và con đường cách mạng XHCN. Họ hiểu rằng, đây là hệ tư tưởng nền tảng dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Khi tiếp thu và hiểu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên sẽ hiểu được giá trị dân tộc và thời đại, những định hướng sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong tư tưởng của Người.

Sinh viên có thái độ học tập tích cực, chủ động nghiên cứu các môn học lý luận như là triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,… sẽ nắm được các nguyên lý, quy luật, từ đó xây dựng thế giới quan khoa học và phương pháp tư duy lôgíc, thể hiện ở tinh thần, thái độ chủ động nghiên cứu tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc đọc sách, tài liệu và tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan, các câu lạc bộ nghiên cứu lý luận chính trị…

Đồng thời, sẽ phát triển khả năng tư duy biện chứng, nhận thức được sự vận động, phát triển của các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn khách quan, toàn diện về các vấn đề chính trị, xã hội, ứng dụng lý luận vào thực tiễn, đưa ra được những phân tích, đánh giá đúng đắn các vấn đề chính trị, xã hội.

Sinh viên có ý thức chính trị đúng đắn, sẽ có niềm tin vững chắc vào con đường đi lên CHXN ở Việt Nam, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không bị dao động trước những luận điệu sai trái và luôn giữ vững lập trường chính trị. Từ đó, sinh viên có ý thức phấn đấu trở thành đảng viên Cộng sản, sẵn sàng cống hiến tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ nhận thức đúng đắn, sinh viên có thái độ tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, thảo luận, tham gia các cuộc thi, hội thảo về nghiên cứu lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực đóng góp ý kiến, thảo luận các vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn chính trị, có ý thức tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm học tập chính trị, nơi họ trao đổi về các vấn đề quan tâm, rèn luyện khả năng phản biện và ứng dụng kiến thức lý luận vào cuộc sống.

Thái độ tích cực của sinh viên trong nhận thức và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện qua việc nắm bắt kiến thức lý luận mà còn qua hành động thực tiễn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Sinh viên chủ động tiếp thu kiến thức và vận dụng vào cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, đồng thời rèn luyện bản thân trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thứ hai, niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới và định hướng lý tưởng chính trị của bản thân trong quá trình học tập, rèn luyện

Niềm tin của sinh viên đối với sự nghiệp đổi mới và định hướng lý tưởng chính trị của bản thân trong quá trình học tập và rèn luyện là nền tảng quan trọng giúp sinh viên phát triển toàn diện. Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986, đã mang lại những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội. Thành công của sự nghiệp đổi mới giúp Việt Nam chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước đang phát triển với nhiều thành tựu nổi bật. Tin vào đường lối đổi mới, các sinh viên tin vào con đường lãnh đạo đúng đắn của Đảng, giúp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Họ nhìn nhận rằng sự nghiệp đổi mới không chỉ là một giai đoạn tạm thời mà là định hướng dài hạn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ sự tin tưởng đó, sinh viên xây dựng niềm tin chính trị cá nhân một cách vững vàng. Sinh viên có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới sẽ xây dựng cho mình lý tưởng sống gắn liền với sự phát triển của đất nước, phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành những người lao động chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Họ không ngừng rèn luyện khả năng tư duy phản biện, phân tích và đánh giá các vấn đề xã hội, chính trị từ góc độ lý luận và thực tiễn. Họ biết áp dụng kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lý giải các hiện tượng xã hội và đưa ra quan điểm đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn cố gắng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề cụ thể trong xã hội. Họ tham gia các dự án, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội để thử nghiệm và thực hành những điều đã học. Họ không ngại đối mặt với khó khăn, thử thách trong học tập và cuộc sống, nhận thức được rằng tiếp tục sự nghiệp đổi mới đòi hỏi tinh thần kiên trì, bền bỉ và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đạt được mục tiêu lớn lao cho đất nước.

Tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, sinh viên sẽ lan tỏa giá trị tích cực và tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội. Họ lan tỏa các giá trị tích cực, tinh thần đoàn kết và tình yêu thương, coi đây là cách thực hiện lý tưởng chính trị và niềm tin của mình đối với sự nghiệp đổi mới. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của sự nghiệp đổi mới.

Thứ ba, thái độ của sinh viên trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Biểu hiện thái độ của sinh viên trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được thể hiện qua nhận thức và hành động, nhất là lòng tự hào và ý thức trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc. Sinh viên tự hào và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện qua thái độ tích cực tìm hiểu, học hỏi các kiến thức về lịch sử, các di sản văn hóa và những giá trị truyền thống như: tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động và học tập. Tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp, đã tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm. Có ý thức tôn trọng và bảo vệ văn hóa truyền thống bằng việc tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn các di sản văn hóa như các lễ hội truyền thống, tôn vinh các phong tục tập quán tốt đẹp...

Sinh viên có ý thức chính trị đúng đắn còn thể hiện qua việc tiên phong trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiếp nhận các giá trị văn hóa nhân loại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của dân tộc. Họ biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa, thành tựu khoa học và công nghệ từ nước ngoài nhưng không để bị hòa tan hay ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai. Họ nhận thức được sự nguy hiểm của việc mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó chủ động trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Họ phản đối, đấu tranh với những tư tưởng và lối sống lệch lạc, đồng thời bảo vệ những giá trị cốt lõi như: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù lao động và ham học hỏi...

Khi đã thấm nhuần các giá trị văn hóa, sinh viên sẽ tích cực phát huy tinh thần yêu nước thông qua học tập và lao động, bởi yêu nước không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn thể hiện qua hành động cụ thể như học tập chăm chỉ, rèn luyện kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn, đóng góp trí tuệ và sức lực vào sự phát triển của đất nước. Sinh viên luôn là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” và các phong trào tình nguyện, thể hiện sự gắn kết với truyền thống yêu nước và lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước.

Sinh viên có nhận thức chính trị đúng đắn sẽ hiểu những tác động của văn hóa đối với kinh tế, biết gắn kết văn hóa với nhiệm vụ chính trị và kinh tế, bởi vì họ nhận thức được rằng, văn hóa không thể tách rời kinh tế và chính trị. Điều này được thể hiện qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa… Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo”(1).

Ngoài ra, họ còn là người tìm cách thúc đẩy văn hóa yêu nước và tự hào dân tộc trong đời sống, thông qua việc tôn trọng và thực hành những giá trị đạo đức truyền thống trong cuộc sống. Họ cũng thể hiện trách nhiệm lan tỏa các giá trị tốt đẹp đó tới bạn bè, người thân, và cộng đồng, trở thành người truyền tải các giá trị văn hóa. Họ hiểu rằng, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sinh viên đóng góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ tư, nhận thức và ý chí chính trị của sinh viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Sinh viên là thế hệ trẻ, là đội ngũ trí thức tương lai và cũng là những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước giúp sinh viên hiểu rõ và đồng thuận với mục tiêu chính trị. Đó là yếu tố quan trọng, vì ngày nay sinh viên được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nên nhận thức sâu sắc hơn về các chủ trương, đường lối mà Đảng đã vạch ra. Điều này giúp họ ý thức rõ ràng về các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ nhận thức rõ trách nhiệm công dân, sinh viên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân và bảo vệ, phát triển đất nước.

Từ nhận thức, sinh viên có ý chí kiên định trong việc thực hiện đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, không bị ảnh hưởng bởi các thông tin trái chiều từ những thế lực phản động, luôn giữ vững niềm tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, thể hiện sự kiên cường trước khó khăn, đối mặt với những thách thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ hiểu rằng, để thực hiện thành công mục tiêu chính trị, cần phải có sự kiên nhẫn, bền bỉ và tinh thần trách nhiệm cao.

Thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh viên có ý thức chính trị đúng đắn sẽ thể hiện qua việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật trong cuộc sống hàng ngày, như: chấp hành luật giao thông, bảo vệ môi trường đến việc tham gia bầu cử và các hoạt động cộng đồng khác... Đồng thời, thực hiện tốt các nội quy của trường học và quy chế dân chủ ở cơ sở, đóng góp ý kiến vào các văn bản luật, chính sách của Nhà nước với tư cách là công dân có trách nhiệm. Họ phân tích đúng đắn, góp ý và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, giúp đất nước phát triển bền vững hơnchủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ chế độ chính trị và sự ổn định xã hội.

Có lý tưởng phấn đấu, sinh viên sẵn sàng, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, cống hiến sức lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có lý tưởng sống rõ ràng, gắn liền với lợi ích quốc gia, vì lợi ích của cộng đồng và đất nước. Sinh viên hiểu rõ rằng, sự phát triển cá nhân phải gắn liền với sự phát triển của xã hội.

Nhận thức và ý chí chính trị của sinh viên luôn là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sinh viên với vai trò là lực lượng trí thức trẻ, không ngừng rèn luyện nhận thức chính trị, thể hiện ý chí kiên định trong các hành động thực tiễn để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, những hành động cụ thể, như học tập, tuân thủ pháp luật, tham gia các phong trào xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách đều là minh chứng cho ý chí chính trị của sinh viên hiện nay.

Thứ năm, hành vi chính trị của sinh viên được biểu hiện trong hoạt động đoàn thể chính trị - xã hội

Đây là cách để sinh viên thể hiện nhận thức và hành động cụ thể để tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh viên có nhận thức chính trị đúng đắn sẽ tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên… tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên là minh chứng cho ý thức chính trị và trách nhiệm với đất nước của sinh viên. Các phong trào như: “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi” và các hoạt động bảo vệ môi trường là nơi sinh viên thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tình nguyện, và rèn luyện kỹ năng xã hội. Mang trách nhiệm là hội viên, họ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội Sinh viên, giúp họ rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực học tập và hội nhập, khẳng định vai trò của bản thân trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Sinh viên có ý thức chính trị sẽ tham gia tích cực các phong trào tình nguyện và công tác xã hội. Đây là hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội và hành vi chính trị thông qua hành động cụ thể. Các hoạt động như: hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật hay tham gia vào các chiến dịch bảo vệ môi trường… là biểu hiện của tinh thần chính trị gắn liền với cộng đồng. Ngoài ra, họ còn là những người tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương từ các chương trình văn hóa, thể thao, giáo dục đến các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Hoạt động chính trị của sinh viên còn được thể hiện qua việc tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ chức đoàn thể. Sinh viên là chủ thể có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể chính trị. Sinh viên không chỉ là những người thực hiện các kế hoạch, chương trình hoạt động mà còn tham gia vào việc xây dựng, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các phong trào, chương trình của tổ chức. Họ có vai trò bảo vệ uy tín của tổ chức đoàn thể mình tham gia, sẵn sàng đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái về vai trò của tổ chức này.

Hoạt động đoàn thể chính trị - xã hội là biểu hiện sự trưởng thành trong hành động chính trị của sinh viên. Tham gia vào các diễn đàn chính trị - xã hội thể hiện hành vi chính trị của sinh viên thông qua việc thảo luận về chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội. Tại đây, họ có cơ hội bày tỏ quan điểm, chia sẻ ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, cổ vũ và thực hiện các phong trào chính trị - xã hội, sinh viên có ý thức chính trị vững vàng sẽ tham gia cổ vũ các phong trào lớn do Đảng, Nhà nước phát động như: phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế xanh… Điều này, thể hiện niềm tin và tinh thần hành động vì lợi ích chung.

Qua đó, thể hiện bản lĩnh chính trị và lý tưởng sống của sinh viên, họ sẽ không dao động trước các biến động xã hội, luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ có tinh thần cảnh giác cao trước các thông tin sai lệch, bảo vệ niềm tin chính trị và quyết tâm phấn đấu vì tương lai đất nước. Hành vi chính trị của sinh viên trong hoạt động đoàn thể không chỉ thể hiện nhận thức chính trị vững vàng mà còn là những hành động cụ thể, những hành vi này giúp sinh viên trưởng thành, không chỉ là những công dân tốt mà còn là những nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Những yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay

Thanh niên, sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước, vì thế nâng cao ý thức chính trị của sinh viên là yêu cầu cần thiết. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2).

Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cải tiến về phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về nền tảng lý luận và tầm quan trọng của các giá trị này trong sự nghiệp phát triển đất nước. Học đi đôi với hành, ứng dụng lý luận vào thực tiễn, không chỉ dừng lại ở lý thuyết, các chương trình giảng dạy cần kết hợp thực tiễn, giúp sinh viên hiểu rõ cách vận dụng lý luận vào đời sống, học tập và công tác xã hội. Việc tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo chính trị và các chuyến tham quan thực tế sẽ giúp sinh viên có sự nhìn nhận sâu sắc hơn về những vấn đề chính trị - xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(3).

Thứ hai, phát triển kỹ năng tư duy chính trị và phản biện xã hội

Các nhà trường cần tạo môi trường cởi mở cho sinh viên tham gia thảo luận các vấn đề chính trị - xã hội, từ đó phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích và đưa ra quan điểm cá nhân một cách khách quan, có căn cứ. Đồng thời, nâng cao hơn nữa khả năng đánh giá và phân tích thông tin, sinh viên cần được hướng dẫn cách tiếp cận, phân tích thông tin chính trị - xã hội một cách chính xác, khoa học. Việc tăng cường kỹ năng này sẽ giúp sinh viên tránh bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch và có khả năng bảo vệ quan điểm chính trị của mình dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động chính trị - xã hội

Tăng cường hơn nữa, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên; sinh viên cần được khuyến khích tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, tình nguyện của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên như “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi” hoặc các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng xã hội, xây dựng tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Đảng ủy, ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cần tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các diễn đàn chính trị - xã hội, nơi họ có thể thảo luận về các chủ đề trong nước và quốc tế. Những buổi thảo luận này giúp sinh viên hiểu sâu hơn về vai trò của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, từ đó nâng cao ý thức chính trị.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm công dân

Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục về giá trị lịch sử và lòng yêu nước, giáo dục kỹ lưỡng về lịch sử cách mạng Việt Nam, các giá trị yêu nước và trách nhiệm công dân. Qua đó, sinh viên sẽ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. V.I.Lênin đã viết: “Về mặt phương châm của toàn bộ công tác giáo dục của chúng ta, chúng ta không thể cứ giữ quan điểm cũ rích cho là giáo dục không cần chính trị, chúng ta không thể tổ chức công tác giáo dục tách rời chính trị được… Lối nói giáo dục “tách rời chính trị” hoặc “không cần đến chính trị” - đó là lối nói giả dối của giai cấp tư sản… Trong tất cả các nước tư sản, mối liên hệ giữa bộ máy chính trị với giáo dục đều hết sức vững chắc, tuy xã hội tư sản không thể công khai thừa nhận điểm đó”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và của Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân… Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”(5).

Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các phong trào bảo vệ Tổ quốc, các hoạt động như bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường. Các phong trào đoàn thể có ý nghĩa này, là cơ hội để sinh viên thể hiện trách nhiệm với đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, tạo môi trường rèn luyện bản lĩnh chính trị

Cần có biện pháp khuyến khích sinh viên tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội. Điều này giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh chính trị, sẵn sàng bảo vệ lý tưởng cách mạng và nền tảng tư tưởng của Đảng. Để sinh viên phát triển về ý thức chính trị, các nhà trường cần tạo điều kiện để sinh viên có thể tham gia vào các tổ chức chính trị hoặc các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, để sinh viên có thể học hỏi và rèn luyện bản lĩnh chính trị của mình thông qua giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Khuyến khích, động viên sinh viên tích cực nghiên cứu lý luận chính trị, từ đó phát triển khả năng tự nhận thức và đánh giá các vấn đề xã hội. Các câu lạc bộ nghiên cứu, học tập lý luận chính trị cần được quan tâm phát triển tại các trường. Sử dụng công nghệ và truyền thông để phổ biến thông tin chính trị một cách hiệu quả, kịp thời và chính xác để sinh viên được cập nhật những tình hình thời sự trong nước và quốc tế.

4. Kết luận

Để nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay cần có chiến lược giáo dục chính trị cụ thể, kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị với phát triển kỹ năng tư duy phản biện và tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Việc này không chỉ giúp sinh viên nâng cao ý thức chính trị, bảo đảm sinh viên không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố bên ngoài, giữ vững lập trường XHCN mà còn giúp sinh viên trở thành những công dân có trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hiện tại và tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét