Cải cách bộ máy cồng kềnh đã tồn tại trong nhiều năm là một việc vô cùng khó khăn. Ngoài điều kiện cần là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, thì điều kiện tiên quyết là quá trình tinh gọn bộ máy luôn phải diễn ra công khai, minh bạch, dân chủ.
Chỉ khi bộ máy được tinh gọn một cách dân chủ, thì mới thực sự phát huy tối đa hiệu quả.
Ở chiều ngược lại, nếu thiếu quyết tâm, thì kết quả sẽ nửa vời; nếu thiếu dân chủ, quá trình thực hiện có thể sẽ bộc lộ tiêu cực, phát sinh nhiều vấn đề khó lường với bộ máy.
Trong suốt quá trình Đổi mới, dân chủ luôn được Đảng ta xác định: Vừa là mục tiêu, vừa là động lực; tiền đề, điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Khi “dân giàu, nước mạnh” lại chính là điều kiện để phát triển dân chủ. Nói cách khác, dân chủ là điều kiện, tiền đề để thực hiện công bằng, văn minh. Và công bằng, văn minh lại là mục tiêu, động lực của dân chủ. Vì thế, dân chủ là một trong những tiêu chí, thước đo trình độ văn minh của một chế độ xã hội.
Như thế, suy cho cùng, tinh gọn bộ máy là hướng tới sự văn minh. Đây chính là cái gốc để thực hiện triệt để tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Những tổng kết quá trình cải cách, tinh gọn bộ máy của không ít quốc gia trên thế giới đã chỉ ra, khi dân chủ vừa là phương pháp, vừa là động lực, lại vừa là mục đích của quá trình cải cách, thì chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng phát triển vững chắc cho hiện tại và tương lai. Một bộ máy được tinh gọn từ sự dân chủ trong toàn bộ tiến trình, từ sắp xếp, cải cách tổ chức; cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm, ứng cử, bầu cử, đề cử, hoạt động trong một nền quản trị quốc gia hiện đại; đặt dưới sự giám sát, phản biện của đông đảo các tầng lớp nhân dân; cùng với một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, khoa học… nhất định sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản: Dân chủ chính là chiếc chìa khóa của cuộc cải cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét