Người có uy tín là “lực lượng quần chúng đặc biệt”, “là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”(1) trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là chủ trương lớn của Đảng. Bài viết phân tích việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An, vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của lực lượng này ở vùng dân tộc tỉnh Nghệ An.
1. Mở đầu
Người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những người được mọi người tín nhiệm và mến phục, họ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tiêu chí về người có uy tín được xác định tại Điều 4, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: “…c) Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; d) Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; đ) Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo”(2).
Nghệ An là tỉnh ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, đất rộng, người đông, diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.487 km2). Tỉnh có 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 3 thị xã và 17 huyện. Năm 2022, dân số của tỉnh là hơn 3,4 triệu người, trong đó có 500 nghìn đồng bào DTTS chiếm 14,7%, với 47 dân tộc. Các dân tộc: Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Ơ Đu là những dân tộc có tính chất bản địa. Vùng đồng bào DTTS chủ yếu tập trung ở 11 huyện và 1 thị xã của miền Tây của tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh. Trong thời gian qua, sự vững mạnh và thành công trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có sự đóng góp của những người có uy tín. Họ là những nhân tố quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các cộng đồng dân cư sinh sống ở những vùng, miền khó khăn. Thông qua vai trò của người có uy tín, những năm qua các huyện miền Tây Nghệ An luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố vững chắc khối đoàn kết giữa các DTTS.
2. Kết quả việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn “chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(3). Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương đã quán triệt và triển khai thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín vùng đồng bào DTTS, như: Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,… UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ban Dân tộc, UBND các huyện phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên phổ biến, quán triệt kịp thời về tiêu chuẩn, quy trình, nguyên tắc bầu chọn người có uy tín và triển khai chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 324/KH-UBND ngày 9-6-2017 về thực hiện Quyết định số 2561/TTg ngày 31-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc rà soát, bình chọn, thẩm định danh sách bình chọn và trình duyệt, đề nghị công nhận người có uy tín, bám sát các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong 10 năm, từ 2011 - 2021, có 13.504 lượt người uy tín vùng đồng bào DTTS được bình chọn, thuộc 10 thành phần dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu, Nùng, Kinh, Hoa, tộc người Đan Lai, Tày Poọng. Tỷ lệ thành phần dân tộc trong số người có uy tín (tính chung hằng năm) là: người Thái chiếm 59,1%; người Thổ: 14,1%; người Kinh: 10,2%; người Mông: 7,6%; người Khơ Mú: 8,3%, người Ơ Đu: 0,1%; dân tộc khác: 0,6%…(4). Tỷ lệ này thay đổi qua từng năm. Năm 2023, số người có uy tín được cộng đồng dân cư bầu chọn là 1.228(5), gồm nhiều thành phần khác nhau, như: già làng, trưởng thôn, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nghỉ hưu, người sản xuất giỏi.
UBND tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và chế độ, chính sách riêng của địa phương. Tổng kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong giai đoạn 2011-2021 là hơn 39.911 tỷ đồng, tập trung vào các nội dung: cấp phát 6 đầu báo đến 13.504 lượt người; tổ chức 100 lớp phổ biến, cung cấp thông tin cho 5.892 lượt người; 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.614 lượt người; tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế - xã hội ngoài tỉnh 8 đợt với 377 người; tổ chức thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên Đán và Tết của các DTTS cho 16.092 lượt người; ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như thăm hỏi ốm đau, thăm viếng người có uy tín qua đời, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn(6)... Định kỳ 2 năm một lần, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS cấp tỉnh.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào DTTS, khích lệ và động viên kịp thời người có uy tín. Nhờ đó, phát huy được vai trò của người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và của tỉnh.
3. Vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An
Vai trò của người có uy tín vùng đồng bào DTTS thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ, vị trí, tầm quan trọng cùng các mối quan hệ của họ trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và các mặt đời sống xã hội ở địa phương.
Thứ nhất, vai trò trong tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Những năm qua, người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhân dân; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đến các thôn, bản. Từ năm 2020 - 2023 đã có trên 70.000 đồng bào dân tộc thiểu số được phổ biến, giáo dục pháp luật; 30.000 tờ gấp tuyên truyền có chủ đề “Nói không với tảo hôn” và “Nói không với hôn nhân cận huyết thống”, 770 cuốn tài liệu và 5.000 tờ gấp tuyên truyền với các nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS… đã được đưa đến người dân(7). Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trên địa bàn. Thông qua họ, đồng bào DTTS nắm được các chủ trương, chính sách một cách nhanh chóng và dễ hiểu hơn.
Thứ hai, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã tích cực vận động nhân dân thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại như trồng cam ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu; mô hình trồng gừng, khoai dong riềng, mận tam hoa ở huyện Kỳ Sơn; mô hình nuôi bò laisin, gà đen, nhím, cá, ba ba ở hầu hết các vùng DTTS; mô hình hợp tác xã dệt thổ cẩm ở huyện Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông; mô hình nuôi trồng thêm các loại dược liệu dưới các tán rừng theo chương trình dược liệu tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống,...
Nhờ đó, đến cuối năm 2020, bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2 - 3%/năm, trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 3 - 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn khoảng 3%. Riêng 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) giảm còn 30,38% vào cuối năm 2019, bình quân giảm mỗi năm 5,22%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020, toàn tỉnh đạt 44,34 triệu đồng, riêng vùng DTTS đạt 29,5 triệu đồng. Năm 2021, số xã khu vực 3 giảm từ 106 (năm 2016) xuống còn 76 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 1.182 còn 588 thôn, bản(8).
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín đã gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và các tài sản, cây cối, hoa màu trên đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Người có uy tín đã phối hợp với các ban, ngành vận động nhân dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng dự án đi di dời và giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ các dự án thủy điện di dời. Năm 2023, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 1 huyện, 89 xã, 285 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã thuộc huyện nghèo 30a; 4 xã biên giới; 62 xã có nhiều đồng bào DTTS... Đây là thành tích đã đưa Nghệ An dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới tại các xã 30a trong toàn quốc(9).
Tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ III (năm 2021), khi bàn về nguyên nhân của những chuyển biến tích cực ở vùng DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã đánh giá: “Đó là kết quả của quá trình đổi mới, sáng tạo, chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của đồng bào DTTS cũng như đội ngũ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(10).
Thứ ba, vai trò trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc
Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được tăng cường.
Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản đảm nhận các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận; tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh... Người có uy tín tích cực tham gia xây dựng, vận động người dân tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Năm 2021, 100% thôn, bản có ban công tác mặt trận và phụ nữ; 99,5% có chi đoàn thanh niên; 99,3% có chi hội nông dân và 95,5% có chi hội cựu chiến binh. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên tăng khá, trong đó Hội Cựu chiến binh đạt 92,7%, Hội Nông dân: 87%, Đoàn Thanh niên: 89%, Hội Liên hiệp phụ nữ: 98%, Công đoàn: 94%(11). Nhờ đó, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Nghệ An ngày càng được tăng cường, củng cố, xây dựng vững mạnh; nhân dân các dân tộc đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương.
Thứ tư, vai trò trong bảo đảm quốc phòng, giữ gìn an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Các già làng, trưởng bản là những người có uy tín trong hoạt động tuyên truyền, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân nhận thức được những điều hay lẽ phải, hiểu được âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phát hiện các loại tội phạm. Đồng thời, họ giải thích để nhân dân không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là luận điệu xúi giục người dân tham gia hoạt động thành lập “nhà nước Mông”.
Trên mặt trận chống tệ nạn xã hội, những người có uy tín vùng đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An đã vận động nhân dân xóa bỏ diện tích đất trồng cây thuốc phiện; vận động nhân dân không tàng trữ, vận chuyển và tiếp tay cho những kẻ buôn bán ma túy. Công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được củng cố và tăng cường; tình trạng di cư tự do dần được khắc phục. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy được đấu tranh ngăn chặn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Tỉnh Nghệ An có 27 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Vì vậy, những người có uy tín ở vùng giáp biên còn có vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao lưu giữa các cụm dân cư biên giới hai nước Việt Nam và Lào.
Với nhiều hoạt động của mình, những người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, hỗ trợ các cấp chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, an toàn cho địa bàn chiến lược rộng lớn ở Nghệ An.
Thứ năm, vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Thông qua những hoạt động thiết thực như vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc tang lễ, cưới hỏi, cúng tế, giỗ chạp,… người có uy tín vùng đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An đã góp phần to lớn trong việc loại bỏ nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu. Nhờ đó, đời sống tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS ngày càng văn minh, tiến bộ. Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 80,7%; tỷ lệ làng, bản, thôn, xóm đạt chuẩn văn hóa là 55%; tỷ lệ phường, thị trấn vùng DTTS có thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới đạt 34,26%(12).
Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm. Nhiều câu lạc bộ dân ca ra đời như câu lạc bộ dân ca Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú ở huyện Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu… Nhiều lễ hội được tổ chức, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đồng bào như lễ hội Pu Nhạ Thầu ở Kỳ Sơn, lễ hội Đền Vạn ở Tương Dương, lễ hội Hang Bua ở Quỳ ở Quỳ Hợp, lễ hội Làng Vạc ở Nghĩa Đàn,… Một số khu du lịch cộng đồng được hình thành, bước đầu đem lại kết quả tốt trong phát triển kinh tế, văn hóa, như: khu du lịch thác Khe Bàn, xã Châu Bình và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ; du lịch cộng đồng tại Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, bản Nà Pha, xã Yên Khê (huyện Con Cuông)… Thông qua khai thác giá trị tại các khu du lịch, đồng thời cũng góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, đặc sản địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Trình độ người có uy tín chưa đồng đều nên việc nắm bắt thông tin và truyền đạt thông tin kinh tế - xã hội của một số người còn hạn chế. Chế độ, chính sách hỗ trợ cho người uy tín còn thấp nên chưa thực sự phát huy hết vai trò của người có uy tín.
4. Giải pháp phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm tại vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An tiếp tục được xác định là: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, thắm tình hữu nghị Việt - Lào; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng của đồng bào. Điều này đồng thời đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu cao cho những người có uy tín. Để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An hiện nay, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31-12-2016 và Quyết định số 12/2028/QĐ-TTg ngày 6-03-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc phát huy vai trò của người có uy tín. Thực tế đã chứng minh, trong bất cứ hoạt động nào, lĩnh vực nào, nếu có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của các cấp ủy đảng thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua ban hành nghị quyết, chỉ đạo việc xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Cấp ủy Đảng các cấp sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện chủ trương, chính sách đối với người có uy tín. Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Ban Dân tộc của tỉnh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong việc lựa chọn, thực hiện chính sách, sử dụng, động viên, khuyến khích người có uy tín. Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín, qua đó nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn của đồng bào DTTS.
Thứ ba, tăng cường đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS bảo đảm về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ người có uy tín có tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều đóng góp, nhất là trong giám sát các chương trình, phát huy uy tín cá nhân để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ở địa phương. Quan tâm, ủng hộ những người trẻ có uy tín để tận dụng thế mạnh về sức khỏe, trình độ, sự năng động của tuổi trẻ. Muốn vậy, cần sớm phát hiện những nhân tố trẻ tích cực, có nhiệt huyết, có sự đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, khả năng dẫn dắt cộng đồng… thông qua hình thức tổ chức thăm dò dư luận để khảo sát, đánh giá mức độ uy tín trong nhân dân. Sau khi phát hiện được các hạt nhân, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị nguồn lực người có uy tín trong tương lai.
Thứ tư, có chế độ đãi ngộ tương xứng. Khuyến khích những người có uy tín để họ phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao. Nghiên cứu chính sách để hỗ trợ thêm kinh phí cố định, thiết thực giúp người có uy tín có điều kiện hoạt động hiệu quả. Ví dụ, nên tăng thêm 30-50% kinh phí đối với các định mức thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khi gia đình người có uy tín gặp khó khăn; tặng quà nhân dịp Tết; tăng mức hỗ trợ kinh phí đi lại cho người có uy tín. Bên cạnh đó, tăng cường công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời người có uy tín có nhiều đóng góp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền thực hiện chính sách của họ nhằm phát hiện sớm những sai lầm, hạn chế để kịp thời khắc phục.
Thứ năm, bản thân người có uy tín phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng và đạo đức, luôn nêu gương, gương mẫu trong mọi phong trào thi đua, trong động viên gia đình, dòng họ chấp hành tốt chính sách, luật pháp và quy định của bản, làng để xứng đáng với sự tin tưởng và yêu mến của nhân dân.
Thứ sáu, thường xuyên tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ những chính sách không phù hợp; bổ sung các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao đời sống của người có uy tín và đồng bào DTTS một cách bền vững.
5. Kết luận
Với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tự tôn dân tộc cùng với chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp, người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An trong những năm qua đã phát huy tích cực vai trò, có nhiều đóng góp trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An và cả nước nói chung.Châu, lễ hội Đền Chín gian ở Quế Phong, lễ hội Mường Ham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét