Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam (từ lý luận đến thực tiễn).

 Bài viết khái quát những vấn đề liên quan của pháp luật quốc tế đến tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam và thực tiễn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, đã thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Hàng nghìn người dân đến chùa Pháp Hoa (quận 3, TP. HCM) để thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc mừng Đại lễ Phật đản PL.2567, năm 2023 _ Ảnh: zing.vn

1. Mở đầu

Từ năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này thể hiện rõ ràng và thống nhất trong các văn bản pháp luật được Nhà nước ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, tiêu biểu như Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 234 năm 1955, Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016,v.v.. Những văn bản pháp luật nêu trên đều phù hợp với tinh thần của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, được tuyệt đại bộ phận chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo nhiệt tình ủng hộ và đón nhận; qua đó gia tăng lòng tin vào sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và giáo luật; tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bất chấp kết quả mà Nhà nước Việt Nam đạt được từ văn bản đến thực tiễn, thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân ở nhiều quốc gia phương Tây thường xuyên có những luận điệu xuyên tạc chính sách tôn giáo, trong đó cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.

2. Pháp luật quốc tế liên quan đến tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân

Văn bản pháp luật quốc tế được phổ biến rộng rãi nhất liên quan đến tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights/ UDHR) được Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948. Điều 18 của UDHR khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình và tự do, hoặc một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, tại nơi công cộng hoặc riêng tư, thể hiện tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng cách truyền giải, thực hành, thờ phụng và tuân thủ các nghi lễ”(1).

Văn bản pháp luật tiếp theo là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights/ ICCPR) được Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966, có hiệu lực ngày 23-3-1976. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 18 của ICCPR. Theo đó, ICCPR tái khẳng định nguyên tắc mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; quyền không bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tín ngưỡng, tôn giáo (Khoản 1 và Khoản 2, Điều 18). Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân có giới hạn bởi pháp luật khi cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng, sức khoẻ cá nhân hoặc đạo đức xã hội, các quyền và tự do cơ bản của người khác (Khoản 3, Điều 18). Văn bản này cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc tôn trọng và bảo đảm việc hiện thực hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò chủ thể trách nhiệm của nhà nước đối với việc bảo đảm sự đa dạng tôn giáo và quyền tự do tôn giáo (Khoản 4, Điều 18)(2).

Giới hạn của thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nêu tại Khoản 3, Điều 18 của ICCPR, là một trong những điều kiện để tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải trong khuôn khổ hiến định và luật định cũng như truyền thống văn hoá, bản sắc dân tộc. Việc quy định giới hạn tự do tín ngưỡng, tôn giáo thành một chuẩn mực pháp lý quốc tế cho thấy tầm quan trọng tính giới hạn của quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân trong khi thực hiện tự do của mình mà không ảnh hưởng đến tự do của người khác cũng như lợi ích cộng đồng, xã hội và dân tộc. Những hạn chế này phải được luật định dựa trên nguyên tắc dân chủ và pháp quyền(3).

Năm 1981, Liên hợp quốc còn thông qua Tuyên bố về loại bỏ mọi hình thức bất khoan dung và phân biệt đối xử về tôn giáo hay tín ngưỡng (UN Declaration on the Elimination of All Forms of Intolerance and of Discrimination Based on Religion or Belief), trong đó tái khẳng định các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nêu trong UDHR và ICCPR trước đó: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền theo một tôn giáo hoặc bất cứ tín ngưỡng hay sự lựa chọn nào và tự do một cách riêng tư hay công khai cùng với những người khác hay tín ngưỡng thờ cúng, chứng giám, thực hành và thánh văn; 2. Không ai bị tước đi tự do của mình đối với việc theo một tôn giáo hay tín ngưỡng nào do mình lựa chọn; 3. Tự do thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ bị lệ thuộc vào những giới hạn được quy định thành luật và chỉ là sự cần thiết nhằm bảo vệ an toàn, trật tự và y tế hoặc đạo đức công cộng hay các quyền và tự do cơ bản của người khác” (Điều 1)(4).

Nghị quyết số 52/122 của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức bất khoan dung tôn giáo (UN Resolution A.Res/52/122 Elimination of All Forms of Religious Intolerance) tái khẳng định, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá mỗi người và bảo đảm không có sự phân biệt nào. Đồng thời, văn bản này kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người nhằm thực thi tất cả hành động cần thiết để ngăn ngừa những hành vi bất khoan dung tôn giáo, nhằm thực thi các biện pháp thích hợp để chống lại những hành động bạo lực, đồng thời khuyến khích hiểu biết, khoan dung và tôn trọng những vấn đề liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo(5).

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp quốc tế không chỉ được xác định trên bình diện giá trị pháp lý, mà còn được nhấn mạnh trên bình diện giá trị văn hóa - đạo đức, thể hiện ở 05 nội dung. Về nhân phẩm: các điều kiện tối thiểu về vật chất và tinh thần cần có để mỗi người được sống như một con người. Về bình đẳng: mỗi người sinh ra có thể khác nhau về một vài phương diện, nhưng đều bình đẳng tôn giáo. Về tự do: mọi người được tự do thể hiện niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo, miễn là không phương hại đến người khác và cộng đồng. Về khoan dung: khi thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của mình vẫn luôn ứng xử với người khác bằng sự chia sẻ. Về trách nhiệm: khi thực hành quyền tôn giáo của mình cần phải có trách nhiệm với người khác và cộng đồng(6).

Bên cạnh đó, trong luật pháp quốc tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được đặt trong mối quan hệ với các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Với nghĩa vụ thực hiện, các quốc gia không can thiệp vào công việc thuần túy tôn giáo của các tổ chức tôn giáo; xây dựng thể chế, tổ chức, bộ máy, con người nhằm làm cho luật pháp về tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiện thực hóa trong cuộc sống; thiết lập và duy trì cơ chế minh bạch, hiệu quả trong việc giám sát thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Với nghĩa vụ bảo vệ, các quốc gia phải bảo vệ bằng pháp luật những hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người thực thi công vụ gây ra; tăng cường sự bảo hộ pháp lý của các cơ quan tư pháp, hành chính, nhà chức trách; quan tâm đấu tranh với mọi hình thái của chủ nghĩa cực đoan, sử dụng tôn giáo vào mục đích chính trị, can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, kích động gây rối loạn xã hội, bạo động và lật đổ(7).

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Theo Người, tuy tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, chủ nghĩa duy linh khác biệt chủ nghĩa duy vật, nhưng không vì vậy mà hai bên bài xích nhau, mà phải tôn trọng đức tin của nhau. Đặc biệt, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã bổ sung, nâng tầm ý nghĩa khi đặt tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong mối quan hệ chặt chẽ với độc lập dân tộc, với tuyên bố: “Tổ quốc được giải phóng, tôn giáo mới được tự do”(8). Mục tiêu tối cao của sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu không đạt mục đích ấy thì độc lập dân tộc cũng chẳng có nghĩa gì.

Trò chuyện với tăng ni, Phật tử chùa Quán Sứ (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhà nước luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo, để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”(9). Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30-8-1947, Người nêu rõ: “Từ ngày nước ta trở nên dân chủ cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang”(10). Năm 1958, trả lời câu hỏi “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?” của các cử tri ở Hà Nội, Người khẳng định: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”(11). Người còn chỉ rõ: “Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo, mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”(12).

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ khi khai lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945. Từ năm 1990 đến nay, quan điểm này được tái khẳng định và bổ sung thêm trong nhiều văn kiện của Đảng. Đại hội VII (năm 1991) khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến phân biệt đối xử với đồng bào có đạo; chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng”(13). Đại hội X (năm 2006) nêu rõ: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật”(14).

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 1, Sắc lệnh số 234/SL của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 14-6-1955) quy định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý,v.v.). Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”(15).

Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”(16). Đến Hiến pháp năm 2013vấn đề tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định trong Điều 24 thể hiện đầy đủ nhất sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về tôn giáo: “Mọi người (không chỉ “công dân” như trước) có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ (thay cho “bảo đảm” như trước) quyền tự tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(17).

Cụ thể hóa và mở rộng thêm tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật […] Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo (Điều 3).

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác (các khoản 1, 2, 3, 4, Điều 6).

Người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo (Khoản 5, Điều 6)(18).

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam quy định trong Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được chi tiết hóa trong Điều 4 của Nghị định số 95/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2023). Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác và không trái với quy định của pháp luật có liên quan.

Việc bảo đảm và quản lý kinh sách; thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ được thực hiện theo nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc ban hành nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản lý(19).

4. Việc Bộ Công an đưa kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào thư viện các trại giam và cho phép tu sĩ Phật giáo vào trại giam giảng đạo - hai minh chứng về sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân

Để góp phần thực thi pháp luật về tôn giáo, đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của phạm nhân là nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục An ninh nội địa đã phối hợp với Cục Truyền thông Công an nhân dân, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, đã lựa chọn 17 đầu sách liên quan tôn giáo, với hơn 4.400 cuốn để đưa vào sử dụng tại thư viện 54 trại giam thuộc Bộ Công an trên toàn quốc từ tháng 4-2022. Việc đưa kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào thư viện các trại giam còn là kết quả sự phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức tuyên truyền thông tin về dân tộc, tôn giáo cho các nhà tu hành, tín đồ tôn giáo đang chấp hành án phạt tù nhằm nâng cao nhận thức cho phạm nhân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội theo mục tiêu, nhiệm vụ “Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” của Chính phủ.

Trong số 17 đầu sách được đưa vào sử dụng tại thư viện các trại giam, có 9 đầu sách là kinh sách của các tôn giáo tiêu biểu trên thế giới và ở Việt Nam, như Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành... ; 8 đầu sách còn lại do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, là những công trình chuyên khảo hoặc tham khảo, nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, đời sống tôn giáo, tác động của tôn giáo đến đời sống xã hội trên thế giới và ở Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo và công tác vận động tín đồ tôn giáo của các nhà khoa học Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia, Học viện An ninh nhân dân; Viện Khoa học Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng I, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,v.v..

Việc Bộ Công an đưa kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào sử dụng tại các trại giam không chỉ góp phần thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người, bao gồm cả những người có quyền công dân lẫn những người bị hạn chế quyền công dân, mà còn thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, truyền tải thông điệp về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.

Trước đó, Bộ Công an đồng ý cho một số tu sĩ Phật giáo giảng đạo cho phạm nhân trong các trại giam, tiêu biểu là sự kiện Đại đức, Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuyết giảng Phật pháp và hướng dẫn thiền định cho khoảng 5.000 phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn 2 (tỉnh Thái Nguyên) vào các ngày 30-4 và 01-5-2010(20).

Hai hoạt động mà Bộ Công an triển khai nêu trên đã góp phần giáo dục, cảm hóa các phạm nhân, trong đó có nhà tu hành và tín đồ tôn giáo, tích cực cải tạo và rèn luyện theo chỉ dẫn của một số tôn giáo, nhất là Phật giáo, như “quay đầu là bờ”, “buông đao thành Phật”, “cải tà quy chính”,... để sớm được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam(21). Đây còn là những bằng chứng thuyết phục phản bác lại một số tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch/ HRW), Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (US Commision on International Religious Freedom/ USCIRF)..., cũng như một số dịch vụ truyền thông quốc tế như Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia/ RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of American/ VOA)..., tiếp tục cáo cuộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, thúc giục chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa Việt Nam không chỉ vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” (Special Watch List/ SWL) về tự do tôn giáo như thời điểm hiện tại (2022-2024), mà còn trở lại danh sách “Các nước quan tâm đặc biệt” (Countries of Particular Concern/ CPC) về tự do tôn giáo như thời điểm trước đây (2004-2006)(22).

5. Kết luận

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là một chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ từ văn bản đến thực tiễn. Đáng chú ý, chủ thể thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, không chỉ là công dân mà còn là người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; không chỉ là người dân Việt Nam, mà còn là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiến định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam như vậy phù hợp với nhận thức và chính sách tôn giáo của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Việc Bộ Công an đưa kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào sử dụng tại các trại giam, cũng như cho phép tu sĩ Phật giáo giảng đạo cho phạm nhân trong các trại giam là những bằng chứng sinh động của việc thực hiện nhất quán chính sách của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong thực tiễn; là những bằng chứng xác đáng phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch của một số cá nhân và tổ chức ở một số quốc gia phương Tây cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét