Với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn dân, nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng con người mới và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đi ngược với tinh thần đó, các phần tử cơ hội, phản động vẫn ra sức xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu giáo dục mà đất nước ta đã đạt được trong những năm qua. Trong bài viết “Tị nạn giáo dục” được phát tán trên nhiều diễn đàn phản động, với cái nhìn lệch lạc, Châu Nam Việt đã viện dẫn ý kiến của người nọ, người kia để đưa ra những luận điệu sai trái: “năng lực giáo dục trong nước đã tụt hậu, lạc hướng”, “du học nhưng thực ra là tị nạn giáo dục”, “sự thất bại của chính sách giáo dục trong hệ thống “độc quyền” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối”… Mục đích của y không phải là đánh giá khách quan, không phải vì sự phát triển của giáo dục Việt Nam, mà thực chất là phủ nhận thành tựu của giáo dục, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục.
Thứ nhất, du học không phải là tị nạn giáo dục.
Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề khách quan đối với mọi quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nhập giáo dục là xu thế tất yếu khách quan, việc học sinh, sinh viên của Việt Nam đi du học nước ngoài là điều bình thường, du học là để học tập kiến thức, kỹ thuật, tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại để xây dựng đất nước. Điều này không phải do chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp kém, tụt hậu. Thực tế cho thấy, đi du học ở nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mới có, mà ngay cả những nước phát triển, có các trường đại học thuộc diện tốt nhất khu vực và nằm trong top các trường đại học hàng đầu trên thế giới vẫn có học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài, thậm chí với số lượng còn lớn hơn Việt Nam. Năm 2021 – 2022, đi du học tại Mỹ: Việt Nam có 20.713, Hàn Quốc là 40.755, Canada 27.013, Nhật Bản 13.949…
Mặt khác, không chỉ có học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, mà học sinh, sinh viên các nước khác cũng đến Việt Nam du học. Hàng năm có khoảng 4.000 đến 6.000 học sinh, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, trong đó có cả những người đến từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp.
Mặc dù giáo dục của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, nhưng đó không phải là tất cả của nền giáo dục. Nếu có cái nhìn khách quan và không định kiến thì dễ dàng nhận thấy rằng, giáo dục Việt Nam những năm qua có nhiều gam màu tươi sáng góp phần xây dựng con người mới, phát triển đất nước và mở rông hợp tác quốc tế. Nên, việc vin vào một số hạn chế của hệ thống giáo dục Việt Nam để “than khóc” rằng, học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học thực chất là “tị nạn giáo dục” chỉ là những luận điệu lệch lạc, sai trái.
Thứ hai, những tiếng nói khách quan của các tổ chức, cá nhân trên thế giới về giáo dục Việt Nam. Với sự quan tâm, chăm lo, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của thầy cô giáo, gia đình và xã hội, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân vui mừng phấn khởi, mà còn được các cá nhân, tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giáo sư, tiến sĩ Paul Glewwe, Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ), chuyên gia và nghiên cứu viên chính của dự án Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam nhận xét: Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bước tiến, luôn thuộc nhóm những nước có kết quả tốt. Giáo sư, tiến sĩ Joan Dejaeghere Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ) đánh giá “Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực… Rõ ràng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá, “trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”. Cố vấn cao cấp của Viện đo lường giáo dục Cito (Hà Lan) – ông Nico Dieteren chia sẻ “Việt Nam đang đi đúng hướng phát triển của giáo dục thế giới”.
The Economist – một tạp chí nổi tiếng của Anh đã viết, mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp nhưng con cái của các gia đình ở Việt Nam lại đang được hưởng “một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới”. Theo báo cáo Giáo dục thế giới năm 2020 của (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn cầu của Liên hợp quốc. Cùng với đó, năm 2021, Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và những đóng góp tích cực, hiệu quả của nước ta đối với UNESCO trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Từ thực tế sinh động của giáo dục Việt Nam và trên thế giới, cùng những nhận xét khách quan của các cá nhân, tổ chức quốc tế là minh chứng đanh thép bác bỏ mọi luận điệu sai trái, lệch lạc của Châu Nam Việt và đồng bọn về giáo dục của Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét