Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã và đang thu được kết quả to lớn, rất tích cực gắn với quá trình chuyển biến về chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo tiền đề căn bản phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kết quả ấy đã ít nhiều tác động đến tâm lý cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm. Tình trạng này là rất "nóng" đáng báo động. Do vậy rất cần những cá nhân có tư duy đột phá và hành động, quyết liệt trong nói và làm để phát triển đất nước.
Biểu hiện sợ sai lầm, sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên
“Trách nhiệm”, là điều
phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, do tổ chức (tập thể) hoặc
cấp trên giao. Điều này có thể hiểu là người cán bộ, lãnh đạo
là người được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phải thực hiện công vụ trên cương
vị, chức trách của mình. Nếu họ không dám hoặc không thể thực hiện trách nhiệm
đó thì phải có biện pháp xử lý theo qui định. Nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý
kỷ luật thời gian qua do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái quy
định, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng... Hệ quả của vấn đề này đã dẫn
đến tâm lý cán bộ sợ sai lầm, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, có một thực tế, hiện
nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy của chúng ta ở nhiều nơi vẫn còn nặng
tâm lý trông chờ, ỷ lại, qua loa, đại khái, không dám làm, không dám đổi mới,
tính năng động, sáng tạo còn hạn chế.
Sai lầm là việc chúng ta
đưa ra quyết định hoặc hành động một cách thiếu chính xác. Việc đưa ra quyết
định sai lầm này sẽ khiến chúng ta hoặc người thân thiết và những người có liên
quan gặp phải rắc rối. Thậm chí trong một số trường hợp, sai lầm sẽ đưa chúng
ta đến những hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhất
là người đứng đầu cho rằng:“Bây giờ làm việc gì cũng sợ
sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ
nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”.
Đây là câu chuyện không mới, cán bộ biết
sợ sai lầm là tốt, như vậy sẽ tránh được thất bại; cán bộ tránh bị kỷ luật, bị
khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì sợ sai, sợ
trách nhiệm và không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được
và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên
đó. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để đánh giá lại cán bộ của mình xem
còn đủ năng lực và trình độ hay không để xử lý trách nhiệm, thậm chí đưa ra
khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Luật Cán bộ công chức và các luật chuyên
ngành cũng quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức
nói chung, vậy mà cán bộ nói sợ trách nhiệm, nói “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, hay “không biết làm sai ở chỗ nào” là không thể chấp
nhận được và câu hỏi đặt ra là cán bộ đó có còn đủ tư cách để ngồi vào chiếc
ghế đó nữa không?.
Quy trình của cán bộ đã đáp ứng đầy đủ các
điều kiện, tiêu chí, quy định trước khi được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo,
quản lý và họ đều đã được thử thách trong thực tiễn công tác; học hành bài bản
đủ bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí có những người được học ở những bậc cao. Như
vậy, cán bộ, đảng viên vô tư trong sáng là “đầy tớ” của nhân dân thì sao có thể
làm sai được...
Trong công tác phòng chống tham nhũng, cố Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố rất rõ:“Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí
thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. “Nếu anh nào làm không tốt thì thay
luôn, chúng ta không thiếu người…Tiền bạc chết có mang theo được đâu, danh dự
mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Như vậy đặt ra yêu cầu
của công tác cán bộ và thực thi công vụ cần quán triệt sâu sắc quan điểm này
của cố Tổng Bí thư.
Cán bộ không dám làm hay im lặng, nghĩa là
thiếu trách nhiệm, có thể hiểu là anh không làm hoặc làm không đúng quy định
của pháp luật chứ không phải không hiểu luật. Luật ở đây là những quy định về
chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và những nhiệm vụ phải làm được thể hiện
trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không tách rời với chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của họ. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều có quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh.
Căn nguyên của câu chuyện này là xuất phát
từ chuyện cán bộ, công chức đạo đức công vụ kém, lợi dụng chức vụ quyền hạn để
thu vén, lợi ích nhóm, làm những việc không đúng pháp luật. Cái gốc của vấn đề
là sân sau, lợi ích nhóm. Câu trả lời là anh làm sai nên anh mới sợ.
Một nguyên nhân nữa là không dám làm và sợ
sai lầm, cho thấy tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của
một bộ phận cán bộ không đáp ứng nhưng vì ham quyền lực, háo danh đến mức
"chạy chọt" để đạt được chức danh đó, cho nên đến khi được bổ nhiệm,
đề bạt vào vị trí đó không biết làm gì và dẫn tới bị cấp dưới thao túng tham
nhũng, tiêu cực.
Tình trạng lãnh đạo sợ sai không dám làm
gì là rất đáng báo động. Điều đó sẽ làm mất đi động lực, cơ hội làm ăn, kìm hãm
sự phát triển, nhất là ở những cơ quan đơn vị, địa phương có vị trí quan trọng
chiến lược quốc gia mà cán bộ nào cũng sợ sai không dám làm thì tương lai đất
nước sẽ về đâu?. Thực tế đã có, tuy không phải tất cả nhưng cũng có không ít
cán bộ khi đi luân chuyển về địa phương 2-3 năm không làm gì “án binh, bất
động”, cố gắng không đụng chạm với ai, không quyết liệt xử lý những vi phạm,
không đề xuất cái mới, qua loa, dĩ hòa vi quí, lấy lòng nhau “cả làng đều vui”
để rồi rút về an toàn.
Tâm lý sợ sai lầm, sợ trách nhiệm, làm
việc cầm chừng trong thực thi công vụ là một thực tế. Rõ nhất hiện nay là việc
xem xét phê duyệt các dự án, đầu tư mua sắm công, giải ngân vốn đầu tư công,
tình trạng có tiền mà không dám tiêu... Tình trạng “thận trọng quá mức” dẫn đến
“tắc nghẽn” trong cơ chế, đùn đẩy trách nhiệm sang các cơ quan, đơn vị khác và
xin ý kiến cấp trên, cộng với tâm lý sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt
hồ sơ dự án ở địa phương đang là một thực tế ảnh hưởng lớn đến tiến độ công
việc và quá trình phát triển.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai
không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một
thời điểm khác có thể sai? Bản chất cơ chế, chính sách là đúng nhưng cái không
đúng là người ta lợi dụng cơ chế “lách luật” để làm những việc khuất tất phục
vụ cho lợi ích sân sau, lợi ích nhóm. Vì thế không thể đổ lỗi cho cơ chế. Nếu
là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng?
Không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng, có danh dự,
nhân cách. Trong khi đó, có những vị chức to, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì
làm sao có thể làm đúng được...
Thực tế cho thấy một khi làm đúng chức
trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Rõ ràng sợ sai
không dám làm là do năng lực yếu kém, có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu anh có
tài, có năng lực thật thì không phải sợ gì cả…
Nguyên nhân của tình trạng trên cho thất
yếu tố chủ quan vẫn là chính, trong đó “nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách
nhiệm” đang tồn tại. Có người cho rằng: “Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ
sai. Nhiều cán bộ “suy tư, lo lắng”, khiến tinh thần làm việc giảm sút. Sự cẩn
trọng của cán bộ, công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ….”.
Việc khởi tố một loạt cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ cấp cao có thể tạo
ra khủng hoảng nhất định, có thể gây ra xáo trộn cán bộ của cả một bộ, ngành,
địa phương. Tuy nhiên cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng là cơ hội tốt
để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại mình, công việc mình làm, “tự soi, tự sửa” để
hành động đúng đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ “dám
nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử
thách” tạo động lực khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Bài học quan trọng công cuộc đổi mới đất
nước cho chúng ta thấy trong lúc đất nước đang gặp vô vàn khó khăn, thách thức
của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì xuất hiện những con người của lịch
sử dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của
mình đó là: “nói và làm”, “những việc cần làm ngay”… cùng với đó là ra đời của Chỉ
thị 100 CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị
quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988, Bộ chính trị (hay còn gọi là Khoán 10) về
đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông
nghiệp. Đây thực sự là cuộc cách mạng về tư duy trước hết là tư duy về kinh tế
góp phần đưa đất nước ta ra khỏi khủng khoảng. Và trong tình hình hiện nay thực
hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: "Đến
năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua
mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát
triển, thu nhập cao". Để có thể thực hiện được những dấu mốc phát triển quan
trọng của đất nước nêu trên, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của
Đảng đã có bước đột phá về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là: “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám
nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó
khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên
phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Đây là quan điểm nổi bật,
mang tính đột phá chiến lược, nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của đông
đảo cán bộ, đảng viên và dư luận quần chúng nhân dân.
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một mô hình chưa có tiền lệ, bởi thế quá
trình hoàn thiện nó gặp phải muôn vàn khó khăn, vướng mắc là dễ hiểu. Chúng ta
luôn khuyến khích mọi cá nhân, tập thể có những việc làm đột phá, đổi mới, sáng
tạo để đưa đất nước đi lên. Các chính sách bao giờ cũng phải song hành để cán
bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng không thể làm sai và không dám
làm sai.
Cùng với công tác “khuyến khích cán bộ”, thì Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng nhấn mạnh:“Có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng
tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo,
dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích
chung.
Tinh thần và thái độ “bảo vệ cán bộ” trong Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng cũng chính là giải phóng sức sáng tạo và giảm bớt gánh nặng trách nhiệm
cho những“công bộc” thật sự tâm huyết, trách nhiệm vì lợi
ích chung. Đây là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và cần được giải nhanh chóng
trong tình hình hiện nay.
Để thể chế hóa quan điểm về bảo vệ
cán bộ của và khắc phục tâm lý sợ sai lầm, sợ trách nhiệm, ngày 22-9-2021, Bộ
Chính trị Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và
bảo vệ cán bộ. Theo đó, Kết luận số 14 cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong
bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo
gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung
vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với
thực tiễn khi giải quyết công việc.
Kết luận nêu rõ: “Khuyến khích và bảo vệ
cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung;
khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới,
hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ”.
Chủ trương trên đã thể hiện sự tiếp tục kế
thừa và phát triển trong tư duy của Đảng ta về cán bộ tạo thêm động lực
rất lớn để cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và
đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý để kịp thời tháo gỡ
điểm nghẽn có tính cấp bách dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có
thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có
nghĩa là làm liều, không có tính toán, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới,
sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền,
cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định
cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Ý tưởng, sự đột phá ấy phải bảo đảm
không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng
Bên cạnh đó tổ chức Đảng sẽ thường xuyên
theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề
xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động
viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết
định phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà
kết quả không đạt hay chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy
ra thiệt hại, thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách
quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng
chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc
giảm nhẹ trách nhiệm.
Một trong những yêu cầu rất quan trọng nữa
chính là nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Nghị quyết của
Đảng, pháp luật của Nhà nước có đi vào cuộc sống hay không thì vai trò nêu
gương của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá,
dám đổi mới không chỉ là việc của người đứng đầu mà người đứng đầu còn phải tạo
mọi điều kiện, khuyến khích và bảo vệ các sáng kiến, cái mới có lợi cho cơ
quan, đơn vị và đất nước. Người đứng đầu phải tăng cường trách nhiệm nêu gương
luôn là người hướng dẫn, định hướng, tạo mọi điều kiện để phát huy tìm kiếm
người tài, phát huy sức mạnh của nhân dân. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng
cao càng phải gương mẫu nêu gương. Người đứng đầu càng gương mẫu thì càng có uy
tín và khi đó vai trò lãnh đạo, dẫn rắt phong trào càng có ý nghĩa to lớn, hiệu
quả công việc càng cao.
Từ đó, đặt ra vấn đề nêu gương luôn phải
được quan tâm đúng mức, trở thành lý tưởng và lẽ sống của cán bộ đảng viên và
người đứng đầu. Bởi đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, nêu gương ở đây chính là
tấm gương sáng về đạo đức lối sống, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt vì
dân vì nước đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Trách nhiệm
nêu gương phải có nhận thức đúng trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu
quả của cán bộ đảng viên nhất là những người đứng đầu. Phát huy trách nhiệm nêu
gương trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động,
sáng tạo vì lợi ích chung chính là củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, Nhà nước.
Có thể nói, tinh thần bảo vệ cán bộ là rất
quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng nó chỉ hiện thực khi và chỉ khi cán
bộ thật sự đề xuất đổi mới, sáng tạo“vì lợi ích chung”,
chứ không phải sự sáng tạo vì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Có nghĩa là
những cán bộ sáng tạo, đột phá, “xé rào” vì
nước, vì dân, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng thì mới được Đảng, Nhà nước và
khuôn khổ pháp lý, pháp luật bảo vệ đến tận cùng. Còn ngược lại, Đảng sẽ nghiêm
khắc xử lý mạnh mẽ đúng như Kết luận số 14: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ
trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi,
tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn, kết luận
của Đảng, nhất là các văn bản từ sau Đại hội XIII đã thể hiện rất rõ quyết tâm
chính trị của Đảng ta về động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám
làm, năng động, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ
được giao; từng bước khắc phục tư duy đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thực hiện
nhiệm vụ. Qua đó tạo động lực mạnh mẽ, phát huy hết khả năng của mỗi cá nhân,
tiềm năng của mỗi chủ thể để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của
dân tộc mà nghị quyết Đại hội XIII đã xác định./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét