Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xinhgapo đã đạt được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng - an ninh... Những kết quả quan trọng này đang góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hiện nay, hai nước là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong quan hệ song phương và đa phương đặc biệt là trong ASEAN. Bài viết khái quát thực trạng quan hệ ngoại giao Việt Nam - Xinhgapo, dự báo triển vọng phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới.
1. Mở đầu
Ngày 01-8-1973, Việt Nam và Xinhgapo chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau hơn 50 năm duy trì và phát triển quan hệ ngoại giao (1973-2024), đặc biệt là sau hơn 10 năm là đối tác chiến lược (2013-2024), quan hệ hai nước đã phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu.
Trải qua nhiều khó khăn để đạt được vị thế đối tác chiến lược, hai quốc gia đã trở thành hình mẫu cho hợp tác song phương trong ASEAN. Trong bối cảnh những thách thức khu vực và toàn cầu ngày một gia tăng, cần tăng cường và nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nhằm tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Xinhgapo, thúc đẩy quá trình nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Trong hợp tác song phương và đa phương, hai nước đang là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng - an ninh,... Sự tin cậy chính trị, chia sẻ tầm nhìn và hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tạo ra triển vọng mới trong quan hệ ngoại giao hai nước.
2. Thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xinhgapo
Về chính trị, ngoại giao
Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết vào tháng 1-1973, Xinhgapo là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 1-8-1973)(1). Đây là một bước đi quan trọng thể hiện sự chủ động của Xinhgapo trong việc xây dựng quan hệ với Việt Nam sau chiến tranh, đồng thời khẳng định chính sách ngoại giao độc lập của đảo quốc này. Tháng 1-1978, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới Xinhgapo đã củng cố quan hệ hai nước, với tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo cho hợp tác song phương(2). Điều này cho thấy, Xinhgapo sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, dù lúc đó còn đối mặt nhiều khó khăn về chính trị và kinh tế. Trong những năm sau, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ thông qua nhiều hoạt động giao lưu và đối thoại. Năm 2003, cơ chế Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao được thiết lập, tạo ra nền tảng đối thoại ổn định cho hợp tác song phương(3).
Tháng 3-2004, Việt Nam và Xinhgapo ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI(4). Tuyên bố này là cơ sở để hai nước mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Xinhgapo trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với nhiều dự án phát triển hạ tầng và khu công nghiệp. Tháng 9-2013, hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao(5), đánh dấu bước phát triển về chất trong quan hệ hai nước, mở ra giai đoạn mới của hợp tác đa phương và kết nối sâu rộng trên lĩnh vực kinh tế.
Trở thành đối tác chiến lược, Việt Nam và Xinhgapo đã mở rộng các cơ chế hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế. Xinhgapo hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản lý, khẳng định cam kết lâu dài của hai nước với quan hệ song phương. Dù đối mặt với những thách thức từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và biến động khu vực, cả hai bên vẫn giữ vững mối quan hệ bền chặt. Xinhgapo đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, hai nước đã thể hiện sự linh hoạt trong hợp tác. Ngày 14-7-2021, Chủ tịch Quốc hội hai nước tổ chức hội đàm trực tuyến, thảo luận về hợp tác lập pháp và tìm cách vượt qua các trở ngại do đại dịch gây ra. Tháng 5-2022, Chủ tịch Quốc hội Xinhgapo sang Việt Nam tham dự SEA Games 31 và ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ lập pháp song phương(6).
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đây là dịp quan trọng để hai nước tổng kết thành tựu và đề ra định hướng cho tương lai. Trong năm này, đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật nhằm củng cố và mở rộng quan hệ song phương như: Tháng 2-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm Xinhgapo, khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện. Tháng 7-2023 tổ chức Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Xinhgapo và Hội nghị tư vấn đầu tư vào Việt Nam nhằm thu hút doanh nghiệp Xinhgapo. Tháng 8-2023, Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân thăm chính thức Việt Nam(7).
Về kinh tế
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Xinhgapo. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 9,1 tỷ USD năm 2022, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Xinhgapo đạt 4,3 tỷ USD, và nhập khẩu từ Xinhgapo đạt 4,8 tỷ USD(8). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 4,5 tỷ USD. Con số này giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước do biến động thị trường, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu 2 tỷ USD sang Xinhgapo và nhập khẩu 2,5 tỷ USD từ nước này, cho thấy sự ổn định trong giao thương(9). Xinhgapo đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam trong ASEAN. Quan hệ thương mại song phương không chỉ phản ánh sự tương hỗ mà còn là chiến lược quan trọng của hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực.
Về đầu tư, tính đến tháng 12-2022, Xinhgapo đứng thứ hai trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.095 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 70,8 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; và sản xuất, phân phối năng lượng, điều hòa. Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với vốn đầu tư 4 tỷ USD là dự án lớn nhất của Xinhgapo tại Việt Nam(10).
Xinhgapo đã mở rộng phạm vi hoạt động tại 51/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 1.635 dự án và Hà Nội đứng thứ hai với 493 dự án. Các lĩnh vực ưu tiên của Xinhgapo là công nghiệp chế biến, chế tạo (28,6 tỷ USD), bất động sản (19,1 tỷ USD), và sản xuất điện (11,8 tỷ USD). Quy mô dự án trung bình đạt 22,4 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các dự án đầu tư vào Việt Nam(11).
Hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Xinhgapo (VSIP) đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác thành công. Khởi động từ năm 1996 tại Bình Dương, VSIP hiện có 14 khu công nghiệp tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng quy mô khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã thu hút 18,7 tỷ USD vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, với tỷ lệ lấp đầy lên tới 83,2%(12). Những thành tựu này khẳng định tính hiệu quả và bền vững của các dự án Xinhgapo tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư vào Xinhgapo, với tổng vốn đăng ký 690 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, và bán buôn, bán lẻ(13).
Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Xinhgapo đang mở rộng sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Trong chuyến thăm Xinhgapo vào tháng 2-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đối tác Xinhgapo đã ký kết Bản ghi nhớ về Quan hệ đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh(14). Đây là cơ sở cho các dự án hợp tác trong tương lai, bao gồm năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lĩnh vực năng lượng đang trở thành trụ cột hợp tác quan trọng giữa hai nước. Trong các cuộc hội đàm gần đây, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Xinhgapo đã nhấn mạnh về hợp tác năng lượng sạch, bao gồm năng lượng gió và năng lượng tái tạo, để phù hợp với xu thế phát triển bền vững toàn cầu. Việt Nam mong muốn Xinhgapo chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong việc xây dựng chính sách năng lượng hiệu quả(15). Đồng thời, hai bên đang thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thông qua các chương trình liên kết giữa các trường đại học và viện nghiên cứu.
Về quốc phòng - an ninh
Trong bối cảnh các thách thức an ninh ngày càng phức tạp tại khu vực và thế giới, hai nước đã xác định quốc phòng - an ninh là trụ cột ưu tiên trong hợp tác song phương, với nhiều cơ chế đối thoại, hoạt động hợp tác thực chất và hiệu quả.
Từ năm 2009, Việt Nam và Xinhgapo đã thành lập Nhóm làm việc chung giữa Bộ Quốc phòng hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược, hiệu quả trong quốc phòng. Nhóm này thường xuyên tham mưu cho các lãnh đạo cấp cao về các sáng kiến hợp tác và kế hoạch triển khai, bao gồm: Trao đổi đoàn cấp cao và đối thoại quốc phòng thường niên, giúp củng cố sự tin cậy chiến lược giữa quân đội hai nước, phối hợp tổ chức các chuyến thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng nhằm tăng cường liên lạc và thống nhất trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Năm 2022, hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương. Đây là văn kiện quan trọng, tạo khung pháp lý để mở rộng và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như huấn luyện, chia sẻ thông tin và đối phó với các mối đe dọa an ninh mới nổi(16).
Nhiều hoạt động hợp tác thực tế được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu cụ thể:
Hợp tác hải quân và không quân: Xinhgapo là quốc gia đầu tiên cử tàu hải quân đến thăm cảng quốc tế Cam Ranh vào năm 2016, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng hai nước(17). Hải quân hai nước cũng phối hợp trong các cuộc tập trận chung nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an ninh hàng hải tại Biển Đông.
Chống khủng bố, cướp biển và tội phạm công nghệ cao: Việt Nam và Xinhgapo tích cực phối hợp trong việc đối phó với an ninh phi truyền thống thông qua chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong các diễn đàn quốc phòng khu vực, như Diễn đàn An ninh hàng hải ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đào tạo và giao lưu sĩ quan: Xinhgapo thường xuyên hỗ trợ đào tạo sĩ quan và tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ nhằm tăng cường hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa quân đội hai nước. Các chương trình tập huấn tại Xinhgapo đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực trong cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy, chữa cháy(18).
Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng: Xinhgapo đã chia sẻ thông tin với Việt Nam về bảo trì và tối ưu hóa hệ thống vũ khí, cùng các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong quốc phòng.
Trong lĩnh vực an ninh, Việt Nam và Xinhgapo đã ký Thỏa thuận Hợp tác vào tháng 12-2006, mở ra nhiều cơ hội phối hợp trong chia sẻ thông tin tình báo và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. hai bên duy trì các chuyến thăm và đối thoại cấp bộ trưởng và thứ trưởng thường niên, phối hợp xử lý các mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là nguy cơ từ các tổ chức cực đoan trong khu vực. Xinhgapo cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các vụ tấn công mạng và hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu lớn (Big Data). Trong giai đoạn 2014 - 2016, Xinhgapo đã tổ chức chương trình đào tạo nâng cao cho các cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam, với 10 cán bộ tham gia mỗi khóa.
Quan hệ quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Xinhgapo không chỉ góp phần bảo đảm an ninh quốc gia của mỗi nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực ASEAN. Hai nước phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế quốc phòng đa phương như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh Hàng hải ASEAN (AMF), Sáng kiến chống khủng bố khu vực. Năm 2018, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Xinhgapo đã đẩy mạnh hợp tác an ninh với Việt Nam trong các lĩnh vực chống vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, đồng thời phối hợp ứng phó với các mối đe dọa từ không gian mạng. Với sự phối hợp hiệu quả này, Việt Nam và Xinhgapo đã tăng cường vị thế quốc gia trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng khu vực, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống tội phạm công nghệ cao và bảo vệ an ninh mạng.
Các lĩnh vực khác
Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác chính, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Xinhgapo đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác như giao thông, du lịch, giáo dục, hợp tác đa phương và phòng chống dịch bệnh.
Về giao thông vận tải, Xinhgapo là một trong những thị trường hàng không đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Năm 2019, Xinhgapo đứng thứ 6 về số lượng hành khách đến Việt Nam. Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19(19), các hãng hàng không của hai nước đã nhanh chóng khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ. Điều này không chỉ góp phần nối lại hoạt động du lịch mà còn thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế.
Về hợp tác du lịch, tháng 11-2022, kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban Hợp tác Du lịch Việt Nam - Xinhgapo được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác du lịch giữa hai nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 154.955 lượt khách Xinhgapo, tăng 7,39% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi Xinhgapo đón 178.460 lượt khách Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, phục hồi đến 84% so với thời điểm trước đại dịch(20).
Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Xinhgapo đã phát triển mạnh mẽ từ những năm 1990 và được chính thức hóa sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Nổi bật là sự ra đời của Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Xinhgapo (VSTC) vào năm 2001 tại Hà Nội, được Xinhgapo tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực và hội nhập quốc tế. Các trường học ở hai nước cũng được khuyến khích kết nghĩa với nhau để tăng cường giao lưu giáo dục. Ngoài ra, Xinhgapo còn đầu tư mạnh vào giáo dục tại Việt Nam với 53 dự án FDI trị giá 98,32 triệu USD, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc(21). Các chương trình học bổng và đào tạo từ Xinhgapo đã tạo điều kiện cho hàng trăm sinh viên Việt Nam trở thành những chuyên gia, doanh nhân và nhà quản lý.
Về hợp tác y tế, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Việt Nam và Xinhgapo đã phối hợp chặt chẽ để đối phó với dịch. Ngay từ đầu, Xinhgapo đã viện trợ trang thiết bị y tế cho Việt Nam và tháng 9-2021, nước này tặng thêm vật tư y tế trị giá gần 5 triệu USD. Đến tháng 3-2022, Xinhgapo tiếp tục viện trợ 122.400 liều vắc-xin cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Quốc hội Việt Nam đã tặng Xinhgapo 30.000 khẩu trang vào tháng 5-2020, và Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 200 máy thở sản xuất tại Việt Nam cho Xinhgapo(22). Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết ASEAN trong thời kỳ khó khăn.
Về vấn đề kiều dân, hiện nay, cộng đồng người Việt tại Xinhgapo có khoảng 15.000 người, bao gồm sinh viên, nghiên cứu sinh, trí thức, cô dâu Việt và lao động. Nhìn chung, cộng đồng này tuân thủ tốt luật pháp sở tại và duy trì mối liên kết chặt chẽ với quê hương. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ sang Xinhgapo lao động theo diện du lịch không có hợp đồng chính thức đã gặp phải một số vấn đề pháp lý(23).
Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Xinhgapo phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn như ASEAN, APEC, ASEM và WTO. Cả hai quốc gia đều quyết tâm thúc đẩy một ASEAN đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. Ngoài ra, với tư cách là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP, Việt Nam và Xinhgapo không ngừng tận dụng những cơ hội kinh tế từ các hiệp định này để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch và phát triển bền vững.
3. Triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Xinhgapo
Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Xinhgapo đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với định hướng nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Triển vọng hợp tác song phương rất rộng mở, được xây dựng dựa trên nền tảng tin cậy chính trị, sự tương đồng văn hóa trong khu vực Đông Nam Á, và lợi ích chung về phát triển kinh tế, an ninh, và hợp tác khu vực.
Trong lĩnh vực chính trị ngoại giao, năm 2023, Xinhgapo và Việt Nam đã thống nhất sẽ nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược song phương (thiết lập năm 2013) lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp(24). Hai bên đang nỗ lực để mối quan hệ mới này đạt được những kết quả cụ thể và mang lại lợi ích thiết thực trong những năm tới. Sự nâng cấp này không chỉ phản ánh tầm quan trọng của hợp tác song phương mà còn thể hiện cam kết của cả hai nước trong việc củng cố quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo điều kiện cho đối thoại chính trị thường xuyên giữa hai nước, giúp cả Việt Nam và Xinhgapo phối hợp giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.
Trong lĩnh vực kinh tế, các hiệp định thương mại tự do như AFTA, CPTPP, và RCEP sẽ tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Những hiệp định này không chỉ giúp tự do hóa thương mại và giảm thuế quan mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước mở rộng hoạt động.
Sự phát triển bền vững của quan hệ kinh tế được củng cố bởi Hiệp định kết nối Xinhgapo - Việt Nam (CFA), lần đầu tiên ra mắt vào năm 2006. Tháng 8-2023, CFA được mở rộng để bao gồm thêm các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại của cả hai quốc gia(25). Sự mở rộng này sẽ giúp Việt Nam và Xinhgapo đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng. Một trong những ưu tiên hàng đầu là công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, với cam kết cùng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Xinhgapo, với thế mạnh về quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững, sẽ hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả trong việc phát triển thành phố xanh và giảm phát thải cácbon. Cả hai nước cũng đang nghiên cứu khả năng Xinhgapo nhập khẩu điện gió và hydro xanh từ Việt Nam.
Chuyển đổi số cũng là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn. Với sự quan tâm lớn của Việt Nam đến kinh tế số và chính phủ điện tử, hai nước đã hợp tác về kết nối số, an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác giữa National Computer Systems và Tập đoàn FPT để mở rộng dịch vụ tại thị trường Việt Nam, với kế hoạch tuyển dụng hơn 3.000 nhân viên vào năm 2025. Các ngân hàng của hai nước cũng đang thử nghiệm kết nối thanh toán QR xuyên biên giới để hỗ trợ du khách(26).
Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng khả năng phục hồi kinh tế. Việt Nam và Xinhgapo đang hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài. Hai nước đã thảo luận về việc xuất khẩu gia cầm đông lạnh từ Việt Nam sang Xinhgapo và sản phẩm thịt chế biến từ Xinhgapo sang Việt Nam, điều này sẽ giúp thúc đẩy thương mại nông sản của hai nước trong tương lai gần.
Hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Xinhgapo cũng có nhiều triển vọng tích cực. Hai nước đã liên tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi và ký kết thỏa thuận quan trọng, đặt nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Trong bối cảnh ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Xinhgapo góp phần củng cố sự ổn định khu vực và tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Triển vọng hợp tác này sẽ được nâng cao hơn nữa thông qua các sáng kiến chung trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN(27).
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các sáng kiến về du lịch, trao đổi sinh viên và chương trình thực tập sẽ góp phần xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa người dân hai nước. Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục, được gia hạn vào tháng 8-2023(28) hứa hẹn sẽ mở rộng các chương trình kết nghĩa giữa các trường học và khuyến khích trao đổi sinh viên, đồng thời thúc đẩy học tập suốt đời và đào tạo nghề.
4. Kết luận
Như vậy, để nâng cao khả năng hợp tác trong bối cảnh những thách thức khu vực và toàn cầu ngày một gia tăng, tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Xinhgapo, thúc đẩy quá trình nâng cấp quan lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai nước cần: cụ thể hóa và triển khai lộ trình hợp tác chiến lược; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh kết nối kinh tế và thương mại; phối hợp chặt chẽ để duy trì sự gắn kết và uy tín của ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược; các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, giáo dục và phát triển bền vững cũng đang mở ra những cơ hội lớn cho cả hai bên.
Nhìn về tương lai, quan hệ Việt Nam - Xinhgapo được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Cả hai nước đều chia sẻ tầm nhìn về một ASEAN đoàn kết và thịnh vượng, cùng thúc đẩy các giá trị chung như tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường kết nối kinh tế. Quan hệ giữa hai nước không chỉ là minh chứng cho sự thành công của chính sách ngoại giao đa phương mà còn phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét