Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi dân chủ và kỷ luật là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng quân đội cách mạng. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hành dân chủ và kỷ luật; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thực chất và hiệu quả, góp phần tạo nên chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị và tính tích cực, tự giác của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong thực hành dân chủ và kỷ luật còn có những hạn chế nhất định.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
về thực hành dân chủ và kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là nền tảng nhận thức tư tưởng và kim chỉ nam định hướng
cho hành động của cán bộ quản lý, chỉ huy ở đơn vị trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ. Thực hiện yêu cầu này, cần quán triệt và nắm
vững tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, nội dung,
mối quan hệ và phương pháp thực hành dân chủ và kỷ luật trong quân đội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
về thực hành dân chủ và kỷ luật có thể khái quát trên một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định dân chủ
và kỷ luật là một vấn đề quan trọng trong quân đội
Ngay từ những ngày đầu
thành lập, cũng như trong suốt quá trình xây dựng, giáo dục, rèn luyện quân đội
ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật, Người từng
nhấn mạnh: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Khi chiến thắng thực dân Pháp,
trong lời căn dặn các đơn vị bộ đội và tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Người chỉ rõ
“các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa
bình”.
Trong thời kỳ tạm thời
hòa bình xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, Người xác định: "Muốn nâng
cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật
nghiêm kỷ luật của quân đội”. Về tầm quan trọng của dân chủ trong quân đội, Người
coi đây là vấn đề thuộc về bản chất của quân đội cách mạng. Có dân chủ mới làm
cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, mới đoàn kết nội bộ tốt và thực hành
dân chủ để rút kinh nghiệm, để sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm, sẽ
tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và lập được chiến công nhiều hơn…
Tóm lại, trong mọi
giai đoạn, mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định
dân chủ và kỷ luật là một vấn đề quan trọng trong quân đội và thường xuyên nhắc
nhở: “Các chú phải hết sức chú ý vấn đề
dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”.
Thứ hai, về nội dung dân chủ và kỷ luật được thể hiện
Về dân chủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh
trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội
viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội
chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ
không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.
Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.
Về kỷ luật: Người quan niệm đó là mọi việc
đều phải theo mệnh lệnh cấp trên; mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối
phục tùng và triệt để thi hành; “mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống
tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ
dưới lên phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực… phải thưởng phạt phải công
minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực
tính nói ngay thì bỏ”; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải
phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung
ương… Nói tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ luật trong quân đội là từ việc
lớn đến việc nhỏ, từ đánh trận đến luyện quân, từ giúp dân đến xây dựng đất nước,
mọi việc cán bộ, chiến sĩ đều phải tuân theo và triệt để thi hành mệnh lệnh của
cấp trên, kỷ luật được thi hành bình đẳng, nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới,
không phân biệt đối xử.
Về mối quan hệ của dân chủ và kỷ luật: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ và kỷ luật trong
quân đội là hai mặt thống nhất, quan hệ chặt chẽ không thể tách rời.
Dân chủ và kỷ luật là điều kiện tồn tại và phát triển của quân đội. Nếu
quan hệ đó không được giải quyết đúng đắn thì quân đội suy yếu. Công tác lãnh đạo,
chỉ huy quân đội phải biết kết hợp chặt chẽ giữa dân chủ và kỷ luật. Người chỉ
rõ: “Quân đội ta là quân đội dân chủ, nhưng dân chủ không phải là không có mệnh
lệnh”. Dân chủ phải đi liền với tập trung, với tổ chức, với kỷ luật, còn kỷ luật
phải dựa trên cơ sở của dân chủ; dân chủ phải có sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung
thống nhất. Dân chủ mà không đặt dưới sự lãnh đạo tập trung là dân chủ cực
đoan, dân chủ bừa bãi, dẫn đến sự hỗn loạn, vô chính phủ và như vậy cũng phá hoại
luôn cả dân chủ; tập trung mà không dựa trên cơ sở dân chủ là tập trung tuyệt đối,
chuyên quyền, sẽ không phát huy được tính tự giác cách mạng và hạn chế tính
tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, và như vậy thì cũng không thể
thực hiện được cả tập trung lẫn dân chủ. Cả hai khuynh hướng dân chủ cực đoan
và tập trung tuyệt đối đều là nguy hiểm, đều làm suy yếu tổ chức và kỷ luật của
quân đội. Người nhắc nhở mọi cán bộ, chiến sĩ: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi
chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được
bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ để là bàn cách thi hành cho được, cho nhanh,
không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá
trớn ấy”.
Thứ ba, về phương pháp thực
hành dân chủ và kỷ luật trong quân đội: Người chỉ rõ, phương pháp để thực hành dân chủ rộng rãi và kỷ luật nghiêm
minh trong quân đội.
Một là, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.
Người khẳng định, thực hành dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật của quân đội đều phải
có sự lãnh đạo của Đảng, “Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên
chính quy”, cán bộ các cấp phải ra sức lãnh đạo bộ đội xây dựng chính quy.
Hai là, cán bộ phải gương mẫu, “Từ việc lớn đến việc nhỏ,
cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập
công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội,
cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch”.
Ba
là, cán bộ phải
thương yêu đội viên. Người yêu cầu cán bộ: “Đối với anh em ốm yếu, thương tật,
cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là
người anh, người chị, người bạn của đội viên… Cán bộ có thân đội viên như chân
tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh
và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành”.
Bốn
là, phải biết tự
phê bình và phê bình. Người nói: “Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải
gương mẫu phê bình và tự phê bình”. Mục đích phê bình và tự phê bình là để học
cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau; để cho mình tiến bộ,
quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ,
giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân. Người bày cách: "Tự
phê bình phải thật thà…, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút
gì"; nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to,
và nếu không biết cách sửa chữa thì còn có đồng chí, có bộ đội, có nhân dân bày
cho cách mà sửa chữa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
về thực hành dân chủ và kỷ luật vẫn còn nguyên giá trị và có tính định hướng
trong thực hành phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định tính ưu việt và sự
khác biệt về chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta
xây dựng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét