Gần đây bài viết “Nền văn hóa lạc loài” của Nguyễn Ngọc Già được phát tán rộng rãi trên nhiều diễn đàn phản động. Bài viết có nội dung xuyên tạc, phủ nhận đường lối đúng đắn và kết quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được trên lĩnh vực văn hóa. Bởi vậy, cần đấu tranh và khẳng định một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, bản sắc văn hóa Việt Nam được khẳng định và đang đồng hành cùng nhân loại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết phát triển văn hóa với phát triển con người. Nhờ đó, văn hóa Việt Nam hiện đại được nối liền với quá khứ, lịch sử, truyền thống của dân tộc và bắt nhịp ngày càng sâu vào văn hóa thế giới, góp phần làm đa dạng, phong phú kho tàng văn hóa chung của cộng đồng thế giới.
Tiến trình hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa ngày càng tạo ra những biến đổi to lớn và quan trọng trong đời sống văn hóa quốc tế. Trước những tác động của quá trình này, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện tốt việc kết hợp giữa bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Do đó, nền văn hóa dân tộc Việt Nam không những đã khẳng định được vị thế của mình trong giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa trên thế giới, mà còn tạo điều kiện thuận lợi khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bản sắc không phải và không đồng nhất với nền văn hóa. Do đó, luận điệu cho rằng văn hóa Việt Nam “không có nguồn cội, nó không có tính nhân đạo, không có lòng nhân ái” là sự ngộ nhận, xuyên tạc của Nguyễn Ngọc Già. Bởi, bản chất, truyền thống văn hóa Việt Nam là nhân văn, nhân đạo, nhân ái, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa Việt Nam đã tham gia hội nhập vào văn hóa nhân loại, được cộng đồng thế giới đánh giá cao.
Thứ hai, thành tựu về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận! Cột mốc đánh dấu văn hóa Việt Nam có những bước phát triển, đạt tới chất lượng và diện mạo mới, là từ khi Việt Nam tham gia Thập kỷ quốc tế về phát triển văn hóa (1987-1996) do UNESCO đề xướng. Gần 40 năm đổi mới, những chủ trương phát triền văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bảo đảm cho sự phát triển bền vững, hài hòa của xã hội, bảo đảm sự công bằng cho mọi thành viên xã hội, cho sự phát triển văn hóa, con người. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá cao. Cái gọi là “dấu ấn”, có tính “đại diện”, mà Nguyễn Ngọc Già đưa ra để “đánh giá” giá kết quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, chỉ là những luận điệu lạc loài, thiếu căn cứ.
Với nền văn hóa có bề dày truyền thống, các thế hệ người Việt Nam không hề thiếu những phẩm chất thông minh, sáng tạo, dũng cảm, bản lĩnh, hiếu học, cần cù, khoan dung, nhân hậu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa và con người Việt Nam đã có đủ điều kiện, tiềm năng, sức mạnh để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Những “dẫn chứng”, “đánh giá” của Nguyễn Ngọc Già chỉ là cách bẻ cong sự thật, cố tình phủ nhận những thành tựu văn hóa đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác và tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về văn hóa Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét