Cách dùng người mà cổ nhân dạy rằng:
1. Với những người tài đức, đừng chê bai những lỗi nhỏ mọn. Với những người danh dự lớn, đừng chỉ trích những lỗi cỏn con
2. Dùng người như dùng mộc, không vì một vài chỗ mục mà bỏ cả cây lớn.
3. Trọng người tài thì nhiều thịnh vượng, trọng người nịnh bợ thì nhiều hiểm nguy.
4. Kỵ nhau còn gì bằng nước với lửa, thế mà khéo dùng, đem lửa đun nước, thì được bao nhiêu là việc.
5. Nếu không đặt ra khuôn phép và hình phạt, thì tai họa và hoạn nạn sẽ cùng đến.
6. Với kẻ miệng lưỡi, lấy lợi mà nhử.
7. Không mưu việc lớn với kẻ đa ngôn, không ở chung lâu với người hiếu động.
8. Sửa điều dở cho ai, chớ nghiêm khắc quá. Dạy điều hay cho ai, chớ cao xa quá.
9. Bản thân chính đáng, dù không ra lệnh thì người dưới vẫn chấp hành. Bản thân thiếu ngay thẳng, tuy ra mệnh lệnh người dưới cũng chẳng thi hành.
10. Người tài là người có chí, có thức và có thường. Chí là chí lớn, thức là hiểu sâu, thường là kiên định.
11. Để xem xét ý chí của đối phương, hỏi về đúng - sai. Người mang thái độ ba phải sẽ đem lại tổn hại cho lợi ích chung của tập thể.
12. Để xem xét khả năng ứng biến của đối phương, dồn người đó vào bước đường cùng để xem họ sẽ ứng phó như thế nào. Người ứng phó tốt sẽ có đầu óc linh hoạt, tư duy nhạy bén.
13. Để đánh giá kiến thức của đối phương, dùng mưu lược. Người có những phương pháp cải tiến mới có thể giúp cho tổ chức.
14. Đặt ra tình huống nguy khốn để xem dũng khí của đối phương. Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
15. Dùng rượu để xem tính tình của đối phương. Rượu vào thì lời ra. Tiểu nhân hay quân tử khi rượu vào sẽ lộ rõ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Khi dùng người tài, Người chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Người vẫn tìm mọi cách để mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến khi Người đi Pháp năm 1946, nhiều cán bộ là đảng viên, Người không giao mà quyết định giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước.
Hay như cụ Bùi Bằng Đoàn, làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Người vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi GS Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người trọng dụng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Các bộ trưởng trong Chính phủ sau Cách mạng hầu hết đều là người ngoài Đảng.
Bài học giá trị các quy tắc dân chủ Hàng loạt trí thức tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng, giao trọng trách từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai... Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 34 tuổi đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 37 tuổi đã là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội.
Vì sao Người có biệt tài dùng người như vậy? Người có cần phải nghe báo cáo, hồ sơ của cấp ủy theo quy trình như chúng ta vẫn thường làm hiện nay đâu? Dùng ai, cất nhắc, bổ nhiệm ai, Người cho gặp trực tiếp để trao đổi, đối thoại và quan sát để cảm nhận về con người ấy. Khi đã yên tâm để có thể giao việc, Người vẫn còn căn dặn rất kỹ. Có một câu chuyện giữa Người với ông Lê Giảng, khi đó là cán bộ cao cấp của Đảng mà Người sử dụng, bố trí vào chức vụ cao cấp trong ngành tư pháp. Sau khi ưng ý mọi chuyện rồi, Bác mời ông Giảng ăn cơm. Trong bữa cơm, Người nói: "Chú làm nghề này (tòa án) phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được, bác sẽ thiết diện vô tư với chú". Phải thấu đáo đến như thế thì mới chọn được người tài.
Cùng với việc chọn người tài, sử dụng người tài đối với Người cũng là một nghệ thuật. Người nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Theo Người, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ. Người giải thích về việc này rất dễ hiểu: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dụng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”.
Trong việc trọng dụng người tài, Người chỉ rõ trách nhiệm của người lãnh đạo. Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ... Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc”. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc từ năm 1947, Người đã nhắc đến bệnh hẹp hòi của những người lãnh đạo. Người nói: “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng”. Người còn căn dặn: “Phải tránh cái bệnh chỉ thích dùng những người cùng cánh hẩu với mình”.
Hoài bão Hồ Chí MinhCùng với việc trọng dụng nhân tài, Người cũng đặt ra yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra công tác cán bộ, sử dụng nhân tài để “một mặt tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Người đã sớm phát hiện những dấu hiệu hư hỏng, lợi dụng chức quyền để chỉ mưu lợi cho cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những cơ quan Người quyết định thành lập đầu tiên chính là thanh tra. Bản thân Người những năm cuối đời dù tuổi cao sức yếu vẫn 700 lần xuống cơ sở để phát hiện tình hình, kiểm tra uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai trái. Người nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”
Dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tư tưởng của Người về công tác cán bộ, về thu hút, sử dụng nhân tài cho tới nay vẫn còn đẫm tính thời sự. Trọng nhân tài, biết dùng nhân tài và kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức, đang gây hại cho việc chung chính là mấu chốt của công tác cán bộ. Như cách Người vẫn nói: “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét