Tháng 5-1958, Khuất Duy Tiến tốt nghiệp ra trường, là một trong năm người đạt điểm cao nhất khóa 10 Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ông được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 17 thuộc Đại đoàn 320. Tháng 12-1958, Khuất Duy Tiến được phong quân hàm Thượng úy.
Làm công tác ở Tiểu đoàn huấn luyện được gần một năm, tháng 11 năm 1959, ông được điều về làm giáo viên chiến thuật Trường Quân chính Quân khu 3 đến tháng 7 năm 1962 được cử đi học khóa 1 Trường Trung cao Quân sự. Hiệu trưởng là đồng chí Trần Văn Trà, Hiệu phó là đồng chí Hoàng Minh Thảo. Thời gian ở trường, được tiếp xúc với những bậc thầy lớn về quân sự đã cho học viên có được tầm nhìn, sự trưởng thành, sự bao quát toàn diện để sẵn sàng cho một chiến trường lớn.
Khi ra trường, Khuất Duy Tiến được điều về làm Trợ lý Quân huấn Bộ Tham mưu Quân khu 3. Lúc này, miền Nam đang rục rịch đánh Mỹ, mọi công tác huấn luyện của hậu phương lớn miền Bắc đều là sự chuẩn bị cho chiến trường lớn miền Nam. Đánh Mỹ vô cùng khó khăn nên vấn đề huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho bộ đội luôn được đặt ra hết sức quyết liệt. Là Trợ lý quân huấn, từng kinh qua chiến đấu, từng được học tập bài bản ở nhà trường, Khuất Duy Tiến đã cùng với các đồng chí khác nghiên cứu và tổ chức thực hiện những phương pháp huấn luyện, rèn luyện thiết thực cho bộ đội.
Tháng 9 năm 1967, thấy được nguyện vọng muốn ra chiến trường trực tiếp chiến đấu của Khuất Duy Tiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 trực tiếp gặp Tư lệnh quân khu Hoàng Sâm xin ông về làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64. Kể từ đây, Khuất Duy Tiến luôn có mặt trên những điểm nóng nhất, mũi nhọn nhất của Trung đoàn 64.
Năm tháng thời gian trôi qua, những trận đánh ác liệt trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ đặc biệt là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã đi vào sử sách vẫn luôn hằn rõ trong tâm trí vị tướng trận. Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng chỉ muốn sẵn sàng hy sinh máu xương của mình vì nhân dân, vì Tổ quốc. Chiến tranh càng lùi xa, những vị tướng như Khuất Duy Tiến càng day dứt nhớ tiếc đồng đội đã khuất mà trong đó nhiều người còn chưa tìm thấy mộ.
Tháng 10 năm 2013, Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sâu thẳm trái tim ông, danh hiệu đó là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hy sinh. Ông chia sẻ những suy nghĩ chân thành đến thắt lòng: Ngày tôi được phong Anh hùng, hơn 800 anh em Sư đoàn 320 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về để chúc mừng. Tôi nói với anh em, khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy nặng nề. 14.000 người lính của Sư đoàn 320 đã hy sinh trong chiến tranh. Trong đó có hơn 3.000 người lính hy sinh ở chiến trường Campuchia. Huân chương này không phải của riêng tôi, mà của tất cả anh em ngồi đây và những anh em đã nằm xuống".
Tháng 10 năm 1973, Khuất Duy Tiến được ra Bắc dự tổng kết và tập huấn về nghệ thuật chiến dịch, sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược mới.
Sau đợt tập huấn, Khuất Duy Tiến nhanh chóng trở lại chiến trường Tây Nguyên.
Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình và hạ quyết tâm chiến lược: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền trong thời gian hai năm 1975 - 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên toàn miền Nam theo hướng có lợi cho ta, nhất trí thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược trong năm 1975.
Lựa chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chiến lược là một lựa chọn lịch sử.
Trên cương vị Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên Khuất Duy Tiến có điều kiện trưởng thành hơn. Cũng từ vị trí đó, Khuất Duy Tiến được gần hơn với những vị tướng tài năng nhưng hết sức sâu sát. Khi chuẩn bị đánh căn cứ Đức Lập, Tư lệnh Vũ Lăng vốn cùng sinh hoạt với Chi bộ tác chiến do Khuất Duy Tiến làm bí thư quyết định trực tiếp vào tận hàng rào quan sát. Khuất Duy Tiến lo lắng báo cáo:
- Báo cáo anh, việc trinh sát cứ điểm anh để tôi, anh Hồ Đệ (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320) anh Kiệp (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66) và các tiểu đoàn trưởng đi là được. Anh đi, xảy ra điều gì ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung.
Tư lệnh Vũ Lăng:
- Vấn đề đánh Đức Lập, cho phép Trung đoàn 66 trong một ngày và một đêm là phải dứt điểm. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đánh thắng nhưng thương vong ít để Trung đoàn về làm lực lượng dự bị chiến dịch. Mình không đi thì không an tâm.
Nói rồi, Tư lệnh Vũ Lăng đưa khẩu súng ngắn cho đồng chí công vụ và bò vào hàng rào quan sát.
Chúng ta đã đánh thắng địch và đánh thắng mà địch luôn tâm phục khẩu phục vì đã có những vị tướng chiến trường như thế.
Ngày 12 tháng 1 năm 1975, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện của Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Lê Ngọc Hiền - Phó tổng Tham mưu trưởng ký phải chuẩn bị thêm mục tiêu Buôn Ma Thuột.
Ngày 21 tháng 1 năm 1975, đồng chí Lê Ngọc Hiền trực tiếp vào Tây Nguyên phổ biến chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương điều chỉnh phạm vi chiến dịch gồm 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức, trọng điểm là Đắk Lắk, mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột. Hướng phát triển chủ yếu là Phú Yên (theo đường 7). Hướng phối hợp là đường 19 và đường 21. Hướng kiềm chế và nghi binh là Pleiku và Kon Tum. Điều đó, đã cho thấy tình hình đã phát triển rất mau lẹ, Bộ liên tục thay đổi nhiệm vụ chiến lược đối với Tây Nguyên.
Những ngày chuẩn bị phương án tác chiến đột phá vào Buôn Ma Thuột là những ngày sôi nổi, quyết liệt của cơ quan tác chiến. Khuất Duy Tiến được giao làm tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Hàng loạt kế hoạch được xây dựng để thực hiện phương án này.
Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột rung chuyển Tây Nguyên, rung chuyển Sài Gòn, rung chuyển Lầu Năm Góc, điển hình của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được tiến hành táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; thể hiện đẳng cấp vượt trội của chính nghĩa, báo hiệu trước sự sụp đổ không thể cứu vãn của ngụy quân ngụy quyền đồng thời khẳng định bước trưởng thành mới của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Mất Buôn Ma Thuột, địch rơi vào hoảng loạn, tan vỡ từng mảng. Qua 23 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ 3 - 3 đến 25 - 3 - 1975) với ba trận then chốt quyết định: Mở đầu là trận đánh chiếm Buôn Ma Thuột; tiếp đến là tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn phản kích (Sư đoàn 23 cùng Liên đoàn biệt động ngụy quân số 21); trận đại truy kích Cheo Reo - Củng Sơn (16 đến 24 - 3 - 1975) tiêu diệt hoàn toàn khối chủ lực Quân khu 2 - Quân đoàn 2 ngụy trên đường số 7, đập tan ý đồ co cụm lớn giữ vùng đồng bằng Khu 5 của quân ngụy Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng; hơn 28 nghìn quân địch bị loại khỏi vòng chiến. Tây Nguyên sạch bóng quân thù. Trên 60 vạn nhân dân các dân tộc giành lại quyền làm chủ.
Người chiến sĩ đã thực hiện lời thề sắt son: Giải phóng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên khỏi ách nô lệ, thực hiện “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” ở Tây Nguyên như lời Bác Hồ đã dạy. Trong suốt chặng đường đó có biết bao kỷ niệm trong cuộc đời. Trong mùa Xuân năm 1975, giây phút xúc động nhất đối với tôi là giây phút chúng tôi cùng đơn vị từ Tây Nguyên tiến về đồng bằng, tới được bờ biển miền Trung dạt dào nắng gió. Không mấy ai trong số hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã nhiều năm chiến đấu ở núi rừng Tây Nguyên khi tới được bờ biển lại không trào nước mắt.
Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, bước ngoặt lớn cũng là thời cơ lớn đến với chúng ta. Khối chủ lực Tây Nguyên tiến về giải phóng các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ trong sự đón tiếp vui mừng của nhân dân. Người chiến sĩ Tây Nguyên liên tiếp có những bước lớn mạnh, trưởng thành mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét