Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI BỆNH “SỢ TRÁCH NHIỆM”

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng khơi dậy, phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm” là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Bệnh “sợ trách nhiệm” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lúc sinh thời. Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến căn nguyên của căn bệnh “sợ trách nhiệm” một cách rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm” (1). Theo Bác, những người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” là những người muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm”. (Hình minh họa).

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ hiện tượng này. Đó là những biểu hiện như: Kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ Việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Việc này thường được che đậy kỹ lưỡng và khéo léo dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (2).

Để lãnh đạo các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối trong sạch, vững mạnh, Đảng ủy Khối nhất thiết phải quan tâm đến việc ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm”. Cụ thể, Đảng ủy Khối cần quan tâm, lãnh đạo thực hiện đồng bộ, triệt để một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ. Cần đẩy mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh để thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức. Cùng với đó, phải thay đổi và xóa bỏ nhận thức của một số cán bộ, công chức là “không làm thì không sai”.

Thứ hai, đấu tranh, loại bỏ tư tưởng “bàn lùi” trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ lãnh đạo, quản lý e ngại, sợ trách nhiệm, nhất là người ngụy biện về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển của cơ quan, của tổ chức và lớn hơn là của đất nước.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách thuận lợi, tạo động lực để mỗi cá nhân vừa cống hiến, xây dựng tập thể vừa đáp ứng mục tiêu cá nhân. Để hạn chế chủ nghĩa cá nhân trong thực thi công vụ; để không còn hiện tượng cán bộ thoái thác nhiệm vụ khi được tổ chức Đảng điều động đến công tác ở nơi khó khăn, gian khổ, nơi ít lợi ích; để không còn cán bộ, công chức “né”, “đá” trách nhiệm thì vấn đề quan trọng là việc thiết kế, kiến tạo cơ chế linh hoạt.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhân văn của cấp ủy các cấp, chính quyền sẽ là “liều thuốc đặc trị” căn bệnh “sợ trách nhiệm”. Đặc biệt sắp tới đây, việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp chính là điều kiện và cơ hội rất tốt để rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để để đảm đương công việc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét