Ngày nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của các Đảng Cộng sản
và công nhân quốc tế trên phạm vi toàn cầu đã và đang trở thành nhiệm vụ quan
trọng trong nghiên cứu và giảng dạy Chủ nghĩa xã hội khoa học - một trong ba bộ
phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở Việt Nam, nhiệm vụ đó càng trở nên cấp
bách khi nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế
trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ với những thời cơ và thách
thức đan xen và nhất là khi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đang đưa ra
những luận điểm sai trái nhằm xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng lý luận
Đảng, về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, của
đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam đã nêu rõ:“Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội
khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”(1).
Đây là quan điểm mang tính khoa học, toàn diện
và rất sâu sắc của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội
(CNXH), chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH) và chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời,
cũng là sự gợi ý và yêu cầu của Đảng đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy
CNXHKH ở nước ta hiện nay trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ đấu tranh
bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.
1. Phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin - nền
tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản trong nghiên cứu giảng dạy CNXHKH
CNXHKH hiểu theo nghĩa rộng là chủ nghĩa Mác -
Lênin, hiểu theo nghĩa hẹp là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác
- Lênin. CNXHKH là một khoa học nghiên cứu về con đường, cách thức xây dựng một
chế độ xã hội tốt đẹp là chủ nghĩa xã hội - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế
xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Đây là một chế độ xã hội không phải do con
người tự nghĩ ra mà được xây dựng dựa trên những điều kiện kinh tế, chính trị,
văn hóa và xã hội đã chín muồi do C.Mác, Ph.Ănghen sáng tạo ra. Ph.Ăngghen đã
từng khẳng định, “ngày nay chủ nghĩa xã hội không còn bị xem là một phát hiện
ngẫu nhiên của một khối óc thiên tài nào đó mà là kết quả tất nhiên của cuộc
đấu tranh giữa hai giai cấp phát sinh trong quá trình lịch sử - giai cấp vô sản
và giai cấp tư sản”(2).
Chính sự hoàn thiện phương thức sản xuất TBCN
đã “ngày càng biến đại đa số dân cư thành vô sản”(3) và
cũng chính “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tự nó lại vạch con đường để
hoàn thành cuộc cách mạng ấy”(4) -
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Vì vậy, sự ra đời của CNXHKH là tất yếu
khách quan của sự phát triển học thuyết Mác - Lênin về triết học và kinh tế
chính trị học. Sự thống nhất biện chứng của ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác
- Lênin vừa thể hiện tính khoa học, cách mạng, và tiến bộ đồng thời vừa thể
hiện sự gắn bó mật thiết giữa lý luận và thực tiễn.
Do đó, khi chủ nghĩa Mác - Lênin (CNXHKH) được
truyền bá vào phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN) đã
đưa phong trào công nhân chuyển từ tự phát sang tự giác. Từ đó, dẫn đến sự ra
đời của tổ chức Đảng Cộng sản - chính đảng của GCCN. Và vì vậy, chủ nghĩa Mác -
Lênin đã trở thành nền tảng tư tưởng lý luận đối với các Đảng Cộng sản và công
nhân quốc tế trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện nay các thế lực thù địch với mưu đồ phá
hoại nền tảng tư tưởng của Đảng đã đưa ra luận điệu rằng: Việt Nam muốn giàu
có, thịnh vượng và phát triển như các nước trong khu vực, cũng như muốn vươn ra
thế giới thì phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin - hệ tư tưởng đã lỗi thời và lạc
hậu. Các luận điệu này đã quá cũ nhưng nó không chỉ ru ngủ đối với những người
thiếu hiểu biết mà ngay cả một số trí thức cũng hoài nghi, cổ súy.
Do đó, trong giảng dạy CNXHKH cần phải kiên
định chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù bối cảnh mới hiện nay có nhiều sự vận động
và biến đổi nhưng những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin nói
chung và CNXHKH nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Các di sản tư tưởng lý luận
do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sáng tạo ra là những cống hiến vô giá, đã,
đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò đặt nền móng cho lý luận của CNXHKH về sự phát
triển xã hội và thực tiễn cải tạo xã hội bằng cách mạng để giải phóng con
người, giải phóng xã hội loài người thoát khỏi tình trạng tha hóa, vô nhân tính
mà ngay cả nhiều nhà tư tưởng vốn “không duyên nợ” với chủ nghĩa Mác - Lênin
vẫn phải thừa nhận những giá trị đó trong thời đại ngày nay. Chính vì vậy, “Cần
phải trở về với C.Mác... không có tương lai nếu không có C.Mác, nếu không có
các di sản của C.Mác”(5).
Đối với Việt Nam hiện
nay, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế càng đặt ra yêu cầu thường xuyên và
cấp bách cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy CNXHKH là phải có lập trường tư
tưởng vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tin tưởng vào sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản, thiết lập một niềm tin khoa học trên cơ sở những luận cứ
vững chắc, thuyết phục.
Về mặt lý luận, để chứng minh cho tính khoa
chủ nghĩa Mác - Lênin trước hết nhà nghiên cứu và giảng dạy
CNXHKH phải xem xét, và luận giải các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin
một cách toàn diện trên các khía cạnh, làm rõ được sự chuyển biến tất yếu của
xã hội loài người từ hình thái kinh tế - xã hội TBCN lên hình thái kinh tế - xã
hội cộng sản chủ nghĩa là một quá trình lịch sử tự nhiên. C.Mác và Ph.Ănghen
cũng đã từng nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa việc sử dụng phương pháp luận duy
vật biện chứng để nghiên cứu quá trình “kinh tế - lịch sử đã tất nhiên sản sinh
ra các giai cấp … và sự đấu tranh giữa các giai cấp ấy và ở chỗ tìm ra, trong
quá trình kinh tế do quá trình ấy tạo ra, những thủ đoạn giải quyết xung đột…”(6).
Sau này, khi khẳng định giá trị chung của chủ
nghĩa Mác, chính V.I.Lênin đã nêu rõ: “…bộ “Tư bản”- tác phẩm chủ yếu và cơ bản
ấy trình bày chủ nghĩa xã hội khoa học”(7), rằng
“chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”(8).
Về thực tiễn, khi nghiên cứu và giảng dạy
CNXHKH, chúng ta cần phải làm rõ những thành tựu và hạn chế bản chất của CNTB
hiện đại; những thành tựu và hạn chế của các lực lượng cách mạng và tiến bộ của
nhân loại; những thành tựu và hạn chế của quá trình xây dựng CNXH hiện thực ở
các nước XHCN; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ những thành tựu và hạn chế
đó … Đặc biệt là tính ưu việt của CNXH. Đây là những nhân tố đã và đang góp
phần chứng minh tính chân lý và tính bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng
định ý nghĩa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày
nay
2. Phải đấu tranh không khoan nhượng với các
quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nghiên
cứu và giảng dạy CNXHKH
Sự khác nhau về chất giữa học thuyết Mác -
Lênin với các học thuyết khác là ở chỗ học thuyết này đã đánh trực diện vào chế
độ sở hữu tư nhân TBCN - sở hữu có vai trò nền tảng kinh tế cho sự ra đời và
tồn tại của giai cấp tư sản, là nguyên nhân sâu xa để dẫn đến sự áp bức, bất
công trong xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã công khai công bố với toàn thế giới
về mục tiêu cuối cùng của những người cộng sản về mặt lý luận thành một luận
điểm duy nhất này là: “xóa bỏ chế độ tư hữu”(9).
Chính vì thế, ngay từ khi mới ra đời học
thuyết Mác đã hứng chịu vô số sự tấn công của nhiều loại kẻ thù khác nhau. Do
đó, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển học thuyết của mình, C.Mác và
Ph.Ăngghen đã tiến hành một cách thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác
quan điểm sai trái, xuyên tạc, cơ hội chủ nghĩa để xây dựng nền tảng tư tưởng,
lý luận ngày càng vững chắc cho phong trào cách mạng thế giới lúc bấy giờ…
V.I.Lênin đã từng khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì không có phong
trào cách mạng.
Là học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen,
V.I.Lênin đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trên nhiều khía cạnh. Sau khi
cách mạng XHCN tháng Mười Nga thành công, các thế lực thù địch, cơ hội, phản
động ở nước Nga và trên toàn thế giới càng tập trung phủ định, xuyên tạc chủ
nghĩa Mác; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Nga. Trước tình
hình đó, V.I.Lênin đã tập trung đấu tranh không khoan nhượng đối với các loại
kẻ thù này...
Thậm chí ông còn phê phán, đấu tranh chống lại
ngay chính những người cộng sản ấu trĩ, tả khuynh hay có biểu hiện sa sút tính
chiến đấu, tha hóa, biến chất trong bộ máy Đảng và Nhà nước Xô viết lúc bấy
giờ. Một số “bệnh” mà V.I.Lênin yêu cầu phải loại trừ như: bệnh “dốt nát”,
“kiêu ngạo cộng sản”, “quan liêu”. Đồng thời, ông đã đưa ra phương châm “thà ít
mà tốt” và “Học! học nữa! học mãi”. Với những cống hiến của V.I.Lênin, sau này,
chủ nghĩa Mác đã trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau khi V.I.Lênin mất, chủ nghĩa Mác tiếp tục
đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Để kịp thời chống lại sự phá hoại
của chủ nghĩa cơ hội xâm nhập vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo
quyết liệt cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ khi Đảng
Cộng sản Việt Nam mới thành lập. Người yêu cầu các đồng chí trung ương là phải
tuyệt đối tỉnh táo, không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về tư tưởng, về chính trị
trước các loại chủ nghĩa cơ hội, xét lại len lỏi vào phong trào cách mạng Việt
Nam.
Năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã viết tác
phẩm “Tờ-rốt-xky và phản cách mạng” công khai phê phán những nhân vật trong
nhớm tờ-rốt-xkít ở Đông Dương… sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí
lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Tùng... cũng đã viết nhiều
bài báo phê phán các quan điểm xét lại trong Đảng. Đặc biệt, đút rút thành lý
luận xây dựng CNXH ở Việt Nam nhằm chứng minh sự đúng đắn, khoa học của học
thuyết Mác - Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng.
Từ cuối thập niên 80 đầu
90 của thế kỷ XX, Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu thất bại, chủ nghĩa Mác
- Lênin lại tiếp tục hứng chịu nhiều thử thách mới trước sự tấn công của các
thế lực thù địch với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trong bối
cảnh đó, các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới, nhất là ở các nước
XHCN, đã tăng cường hơn nữa cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái,
phản động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam xác
định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(10), coi
đây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ XHCN.
Sự thất bại của CNXH hiện thực ở Liên xô và
Đông Âu chỉ là sự thất bại của mô hình xây dựng CNXH cụ thể, không phải là sự
thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này đã được minh chứng cả về lý luận
và thực tiễn nhất là qua những thành tựu của quá trình xây dựng và phát triển ở
các nước XHCN còn lại.
Ở Việt Nam, Đảng ta khẳng định, con đường phát
triển của nhân loại dù còn khó khăn, thách thức nhưng “Theo qui luật tiến hóa
của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”(11). Bên
cạnh đó, những thành tựu bước đầu của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam cho
thấy “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc
tế như ngày nay”(12).
Một trong những bí quyết đem lại sự thành công
là kiên định mục tiêu, kiên trì con đường XHCN, kiên định và vận dụng, phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh không khoan nhượng với các loại
kẻ thù để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản.
Đối với những nhà nghiên cứu và giảng dạy
CNXHKH ở Việt Nam hiện nay phải luôn nhận thức được rằng nhiệm vụ bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng gắn bó mật thiết với đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch; phải vừa xây vừa chống. Xây dựng các luận cứ sắc bén và
thuyết phục để đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc, bôi
nhọ, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của GCCN; về nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN; về thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN; về
vấn đề dân tộc và tôn giáo…bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc đường lối của Đảng Cộng
sản trong bối cảnh mới hiện nay.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng
này cần có các công trình khoa học nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, đúc rút kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ
Chính trị. Đối với giảng viên lý luận chính trị nói chung và giảng viên CNXHKH
nói riêng cần lồng ghép nội dung phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, cơ
hội, thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối,
chính sách của Đảng ta trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Cần có sự tập
trung nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về CNTB; chỉ ra được những khuyết tật
cố hữu của nó… Trên cơ sở đó, vạch trần bản chất của các luận điệu xuyên tạc,
thù địch đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng, của công cuộc xây
dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay.
3. Phải kế thừa, bổ sung, phát triển và vận
dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong nghiên cứu và giảng dạy
CNXHKH
Tính khoa học, cách mạng và tiến bộ của chủ
nghĩa Mác - Lênin còn thể hiện ở chỗ nó là sự kế thừa những giá trị tiến bộ của
nhân loại, đồng thời luôn vận động và phát triển cho phù hợp với mọi giai đoạn
cách mạng. Đây được coi là qui luật tất yếu và thể hiện sức sống mãnh liệt của
học thuyết Mác - Lênin qua các giai đoạn cách mạng. Bản thân C.Mác và
Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin luôn có một tinh thần khoa học và thực sự
cầu thị trong kế thừa, bổ sung, phát triển các giá trị tư tưởng của nhân loại
trước đó. Ph.Ănghen khẳng định rằng, CNXH lý luận Đức sẽ không bao giờ quên
rằng nó đứng trên vai của H.Xanhximông, S.Phurie và R.Ôoen.
Đồng thời, các ông đã thẳng thắn chỉ ra những
hạn chế của các nhà tư tưởng trước đó. Hơn nữa, các ông cũng không ngần ngại
bác bỏ hay sửa chữa lại chính những luận điểm, tư tưởng của mình. Theo các ông,
thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Vì vậy, là người mácxít phải chú trọng đến
cuộc sống sinh động, đến những sự thật chính xác của hiện thực. Đơn cử như,
trước đây, nếu C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng cách mạng XHCN có thể thắng lợi
đồng thời ở đa số nước TBCN phát triển.
Đến V.I.Lênin trên cơ sở thống nhất quan điểm
của chủ nghĩa Mác, tuy nhiên, khi phân tích những biểu hiện mới của chủ nghĩa
đế quốc, ông đã đi đến kết luận rằng, CNXH có thể thắng lợi trước tiên ở một ít
nước hoặc thậm chí trong một nước TBCN riêng biệt do sự phát triển không đều về
kinh tế và chính trị của các nước TBCN; hay trong tác phẩm Hai sách
lược của Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga, V.I.Lênin bổ sung và phát triển
về sự chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới thành cách mạng XHCN...
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước
trong thời đại mới. Với việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc gắn liền với
CNXH là sự kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa
Mác - Lênin về cách mạng không ngừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
Việt Nam vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trước khi thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã có quan điểm rất khoa học và táo bạo. Một mặt Người
khẳng định tính phổ biến và giá trị tất yếu của lý luận chủ nghĩa Mác “chủ
nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(13).
Mặt khác, Người đã chỉ rõ cần xem xét tính đặc
thù của các quốc gia dân tộc và sự vận động của lịch sử trong sự vận dụng chủ
nghĩa Mác: “Dù sao cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác
bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được”(14). Về
thực tiễn, trong quá trình xây dựng CNXH ở Miền Bắc Việt Nam, Người cho rằng
không có mô hình chung nào cho mỗi quốc gia dân tộc, bởi lẽ, ta không thể giống
Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... “Ta
có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(15).
Và quan điểm về CNXH của Hồ Chí Minh thấm sâu
vào từng người dân: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh. Với sự
vận dụng và phát triển sáng tạo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin
vào Việt Nam, hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã chèo lái
con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa cách mạng Việt Nam
đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch có hiệu quả trong tình hình mới hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với các
nhà khoa học, cán bộ, giảng viên là phải làm rõ những nội dung kế thừa, bổ
sung, phát triển liên tục, toàn diện và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin của các đảng cộng sản trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh việc
khẳng định những giá trị của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin,
đồng thời phải tiếp tục bổ sung, phát triển và làm mới hơn nữa đối với các
nguyên lý đó để đáp ứng yêu cầu của GCCN và nhân loại tiến bộ.
Học tập tư tưởng, phong cách đạo đức của Chủ
tịch Hồ Chí Minh phải gắn liền với việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ
giá trị tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Không được tách rời, đối lập, hay tuyệt
đối hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần thiết và tất yếu phải
nghiên cứu các học thuyết, tư tưởng hiện đại của các học giả phương Tây, chắt
lọc các giá trị tư tưởng XHCN để bổ sung và phát triển vào học thuyết Mác -
Lênin.
Đặc biệt, nghiên cứu xu thế vận động của toàn
cầu hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ tác động đến GCCN và việc thực
hiện sứ mệnh lịch sử của GCCN… từng bước làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn
con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt
Nam cũng đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn
thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên
CNXH ở Việt Nam”(16).
Như vậy, để có đủ luận cứ
khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng - nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu trong nghiên cứu và giảng dạy CNXHKH ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh việc
kiên định lập trường tư tưởng; phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch, chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê
phán và sáng tạo những thành tựu mới về tư tưởng và khoa học “để chủ nghĩa, học
thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới,
mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc
sống”(17) như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách
nhiệm và nghĩa vụ chung của mọi công dân Việt Nam và của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, đối với cán bộ, giảng viên CNXHKH ở nước ta, đây còn là nhiệm vụ
chính trị quan trọng góp phần xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản
chủ nghĩa trong quần chúng nhân dân; xây dựng niềm tin khoa học về con đường đi
lên CNXH ở Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam
đã lựa chọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét