Ở một số quốc gia và khu vực, bom đạn vẫn rơi hằng ngày, xung đột, khủng bố, bạo lực gia tăng với phạm vi và tác động vượt ra khỏi biên giới quốc gia, phản ánh hòa bình, an ninh toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Với niềm tin và khát vọng mãnh liệt về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp, trong chuyến thăm chính thức Campuchia và dự hai hội nghị quốc tế quan trọng từ ngày 21 tới 24-11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực hết mình trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Việt Nam - điểm hẹn hòa bình, hợp tác và phát triển
Chuyến công tác tới Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta diễn ra với gần 30 hoạt động quan trọng. Sự xuất hiện của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam ở bất cứ sự kiện nào cũng được chào đón nồng nhiệt. Qua các sự kiện, các cuộc trò chuyện, hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, kiên cường, khát vọng, yêu chuộng hòa bình hiện lên đầy đủ hơn trong con mắt, suy nghĩ của bạn bè quốc tế.
Nổi bật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11). Chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” của ICAPP 12, chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung” của IPTP 11 cũng là nội dung mà Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, bởi dải đất hình chữ S từng trải qua bao khốc liệt của chiến tranh. Nơi đây, mỗi tấc đất đều khắc ghi dấu tích của một thời bom đạn. Các thế hệ người dân Việt Nam đều hiểu sâu sắc nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt. Hơn ai hết, người dân Việt Nam nhận rõ giá trị hòa bình, độc lập, tự do. Việt Nam cũng là một quốc gia đa dạng về dân tộc, văn hóa, tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, chính sự chung sống hòa thuận, tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng, sự tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng 54 dân tộc đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một động lực to lớn để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển bền vững như ngày nay.
Phát biểu tại IPTP 11 trước gần 200 đại biểu là lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ các nước và các tổ chức nghị viện khu vực, thế giới đến từ 58 nghị viện thành viên và nghị viện khách mời, đối tác..., Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ: Hòa bình là khi chúng ta hiểu và đồng cảm với mỗi con người, bất kể màu da, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc. Hòa bình là nhằm bảo đảm mỗi con người đều xứng đáng được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một môi trường an toàn, không bị phân biệt đối xử. Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ hòa bình, phát triển của Việt Nam gắn với khu vực và thế giới. Theo đó, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam về việc tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, là phương cách văn minh nhất để ngăn ngừa chiến tranh, xung đột.
Tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi
Trong khi nền văn minh, khoa học-công nghệ và sự tiến bộ của nhân loại đang phát triển chưa từng có thì thế giới ngày nay đang trải qua nhiều biến động to lớn với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Bất ổn chính trị, bạo động, xung đột ngày càng gia tăng, với phạm vi và tác động vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Cùng với đó là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, buôn lậu, buôn bán người... Đây là thực tế phản ánh những trở ngại to lớn đối với hòa bình thế giới và an ninh con người, thậm chí có những thời điểm đe dọa thịnh vượng chung của các quốc gia châu Á. Trước đó, phát biểu trước đại diện của các đảng chính trị đến từ 39 quốc gia trong khu vực và trên thế giới tại ICAPP 12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại hai hội nghị quốc tế quan trọng nêu trên đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã, thể hiện sự ủng hộ và lan tỏa mạnh mẽ về tư tưởng và các giải pháp thúc đẩy yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia Kim Kun Voath chia sẻ tâm đắc với việc Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của đối tác, của sự tôn trọng lẫn nhau khi xảy ra mâu thuẫn cũng như có những vấn đề phát sinh. Vì vậy, điều quan trọng nhất là hợp tác và trao đổi nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đó là cái gốc của hòa bình.
Hai bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra cho chúng ta thấy một thực tiễn, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trên thế giới. Chỉ có sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đem lại hòa bình, bình yên cho thế giới; đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam nỗ lực hết mình trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, đạo lý “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực cũng đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt. Ý chí quật cường trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng đã thức tỉnh lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Việt Nam đang tiếp tục truyền đi thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh một đất nước tích cực thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng, các nghị viện nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; đồng thời, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét