Gần 40 năm tiến hành đổi mới đã đưa đất
nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã
hội, là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Nhà nước, xã hội và đảm bảo
quyền con người cũng như nâng tầm vị thế, uy tín Việt Nam đối với quốc tế. Bảo
đảm, thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh
tế, xã hội, văn hóa góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, vừa đẩy
nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, vừa nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, là
nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những thành tựu trong đảm bảo và thúc
đẩy quyền con người tại Việt Nam
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định
con người là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; con
người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Việc thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ XHCN và là nhân tố quan trọng
cho sự phát triển bền vững, bảo đảm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước đi đến thắng lợi.
Hệ thống pháp luật về quyền con người
ngày càng hoàn thiện, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo
tinh thần của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và các điều ước quốc
tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã
dành riêng một chương với 36 điều quy định rõ về quyền con người, quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo đó, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi
hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm
quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng, như Bộ
luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015,
Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật An ninh mạng năm
2018, Bộ luật Lao động năm 2019… Đây là những động lực quan trọng trong việc
đảm bảo và thúc đẩy quyền con người góp phần đưa Việt Nam đạt được những thành
tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã
vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nằm trong tốp 4 của ASEAN và trong tốp 40
của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 của thế giới, là một
trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế
giới. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển con người,
nổi bật là công cuộc giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với sự
liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người như mạng lưới
y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở,
tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm
2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc
và phục hồi chức năng… Bằng những sự thay đổi trên đã góp phần đưa tuổi thọ
trung bình của Việt Nam trong 30 năm qua tăng 9 tuổi, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên
74,5 tuổi năm 2023. Chỉ số phát triển con người (HDI) có xu hướng tăng đều và
khá ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. Năm 2022, Việt Nam
thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ
phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được xếp thứ 65/137
quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa
bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước
hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và đang
nỗ lực thực hiện SDGs, trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình
đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Kỳ bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội
là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người
dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm
học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số
(715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học...
Cùng với các quyền về dân sự, chính
trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nói trên, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành
tựu trong thực hiện quyền con người, quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tôn
giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến
pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Theo
báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí về
công tác thông tin đối ngoại (tháng 4/2024), tính đến hết năm 2023, đã có 38 tổ
chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ
chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo...
Tình hình chính trị - xã hội ổn định,
bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội là một trong những điểm sáng và là thế
mạnh của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Việt Nam được xếp
hạng tăng 4 bậc, lên vị trí 41/163 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng
Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023 về đánh giá mức độ yên bình quốc gia do Viện
Kinh tế và Hòa bình (IEP, Australia) công bố. Trong bảng xếp hạng "Chỉ số
chính phủ tốt Chandler" (Chandler Good Government Index-CGGI) năm 2022,
Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số "bình đẳng thu
nhập", tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42. Việt Nam cũng tăng
18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số "thu hút đầu tư"; chỉ số "sự
hài lòng với các dịch vụ công" xếp thứ 15 và "bình đẳng giới"
thứ 27. Thành quả đó cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tập trung vào tiến
trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời bảo đảm một xã hội công bằng
hơn.
Những đóng góp và thành tựu của Việt
Nam trong bảo đảm quyền con người thời gian qua đã góp phần giúp cộng đồng quốc
tế hiểu rõ hơn về nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền
con người. Sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế với Việt Nam còn được thể hiện
qua việc ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã
nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng
giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Đây là cơ hội để
Việt Nam sát cánh với các thành viên trong UN Women tham gia xây dựng các chiến
lược nhằm xóa bỏ nạn phân biệt, kỳ thị phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm sự công
bằng giữa phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực phát triển. Bằng những hành động
thiết thực, Việt Nam đang đi đúng hướng trên tiến trình thúc đẩy đoàn kết quốc
tế và phát triển bao trùm, bền vững.
Với những thành tựu trên, Tổng Thư ký
Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan
trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt
động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng
cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững
và quyền con người trên thế giới”.
Tiếp tục thúc đẩy quyền con người trong
kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Kể từ khi giành lại độc lập cách đây
gần 80 năm, Việt Nam luôn đề cao Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, tham
gia hầu hết công ước quốc tế về quyền con người, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ
trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và
quốc tế. Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận là thành viên năng động, tích
cực trong cộng đồng quốc tế. Năm 2023, Việt Nam cùng với Malaysia - hai quốc
gia ASEAN đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền, luôn nỗ lực hỗ trợ,
thúc đẩy hợp tác trong nội bộ khối ASEAN và giữa khu vực ASEAN với Hội đồng
Nhân quyền, cũng như thu hút sự ủng hộ và hợp tác của thế giới với ASEAN vì
tiến bộ quyền con người của mọi người dân trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay đất nước ta cũng
đối mặt với không ít thách thức chung trong vấn đề đảm bảo và thúc đẩy quyền
con người. Hệ thống pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về
quyền con người chưa thực sự đáp ứng tốt trước nhu cầu của người dân. Một bộ
phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng
thực thi quyền con người trong triển khai công tác. Một số nước và tổ chức quốc
tế vẫn có những quan điểm khác biệt hoặc thiếu khách quan về vấn đề quyền con
người Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động ngày càng gia tăng những hoạt
động lợi dụng quyền con người để xuyên tạc sự thật, gây mất ổn định, trật tự xã
hội.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10
và trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng
định: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng,
chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi
mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện
cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Việt Nam”. Hành trang bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc như Tổng Bí
thư Tô Lâm khẳng định là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ,
tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện
thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ
XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người
Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ
ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học -
công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền
vững.
Vì vậy, trước kỷ nguyên vươn mình của
dân tộc, cần thích ứng và cập nhật với những xu hướng và yêu cầu mới về quyền
con người trong thời đại toàn cầu hóa. Các vấn đề, như biến đổi khí hậu, dịch
bệnh, di dân, công nghệ số… có nhiều tác động đến việc thụ hưởng quyền con
người của người dân. Việt Nam cần có những chính sách và biện pháp để bảo vệ
quyền con người trước những thách thức mới này, đồng thời tận dụng cơ hội mới
để nâng cao quyền con người. Cùng với việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền
con người, Việt Nam tiếp tục nỗ lực để tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt
động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trên cương vị thành viên của cơ quan
liên chính phủ quan trọng nhất về quyền con người cũng như hợp tác với các cơ
chế quốc tế khác về quyền con người, qua đó góp phần xây dựng một thế giới hòa
bình, ổn định, phát triển bền vững.
Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét