Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Chiêu trò tuyệt thực không thể đánh lừa dư luận


Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, blog, fanpage và đài báo nước ngoài như BBC Tiếng Việt, RFA, VOA, RFI… đưa ra nhiều bài viết về cái gọi là “tuyệt thực” của các đối tượng Bùi Văn Thuận, Đặng Đình Bách, Trịnh Bá Tư – những phạm nhân đang thụ án tù giam tại Trại giam Số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Đi liền với đó là những thông tin mang tính bịa đặt, vu khống về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với mưu đồ lôi kéo sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế nhằm đưa ra các đòi hỏi, yêu sách phi lý.

Tuyệt thực, chiêu trò đã cũ

“Tuyệt thực” là một trong những chiêu trò cũ mèm của các đối tượng chống phá nhắm vào một số phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam nhằm xuyên tạc, bịa đặt tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là chiêu trò giúp cho các đối tượng trên đánh bóng tên tuổi, thổi phồng sự việc đi kèm với những đòi hỏi, yêu sách phi lý đến từ các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và số chống đối ở trong nước. 

Sẽ chẳng phải là những cái tên xa lạ bởi những trường hợp ấy đã được báo chí, dư luận nhắc đến nhiều lần, mỗi lần “tuyệt thực” gắn với thời điểm, mục đích cụ thể.

Dù đây là thủ đoạn cũ rích nhưng khi sử dụng, việc thông tin về các đối tượng “tuyệt thực” của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối thời gian qua cho thấy, đây không phải là chiêu trò bột phát và diễn ra một cách ngẫu nhiên mà nó được tính toán hết sức cẩn thận, có sự suy tính, ý đồ rất rõ ràng.

Thật không khó để nhận ra một quy trình, đó là các lần “tuyệt thực” đều diễn ra theo một tiến trình chung.

Ban đầu, thông qua việc thăm gặp người nhà, các đối tượng đang chấp hành án sẽ rêu rao thông tin bản thân mình đang tiến hành tuyệt thực trong trại giam. Sau đó, người nhà của các đối tượng này trở thành cầu nối lan truyền thông tin đến những báo, đài, cũng như những cá nhân, tổ chức phản động, chống đối. Thậm chí, để tăng thêm phần tin cậy, các trang tin còn thêm thắt các thông tin bịa đặt rằng “nguồn tin giấu tên từ trại giam”, “nguồn tin tin cậy từ gia đình”, qua đó tô vẽ những đối tượng phạm tội như những “người hùng” đấu tranh vì dân chủ, sẵn sàng tuyệt thực để phản đối bản án, phản đối “bị tra tấn, đàn áp nhân quyền”!

Về việc các đối tượng tuyệt thực được nhắc đến thời gian qua gồm Bùi Văn Thuận, Đặng Đình Bách và Trịnh Bá Tư, đây đều là những đối tượng phạm tội, bị toà tuyên án tù và đang thi hành án tại Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Để chính trị hoá vụ việc, đi liền với thông tin về việc các đối tượng trên tuyệt thực là hoạt động gắn mác quen thuộc với những cái tên mỹ miều như “tù nhân lương tâm”, “đàn áp tiếng nói bất đồng”, “đấu tranh đòi tự do dân chủ”…

Mục đích chính của việc gắn mác trên nhằm biến các đối tượng phạm tội thành những “ngọn cờ” đấu tranh cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền, từ đó hậu thuẫn, kích động các đối tượng chống phá trong nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tạo cớ cho các tổ chức nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đây là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ xúy, hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Dù chiêu trò “tuyệt thực” trước đây đã từng được các đối tượng như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều đối tượng khác áp dụng và đã bị vạch trần là những chiêu trò giả tạo cũng như bị chính số các đối tượng chống đối ở nước ngoài quay lưng nhưng sau một thời gian, dường như đã cạn “vốn liếng”, chiêu trò này lại tái diễn. Mục đích nhằm chính trị hoá các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội để từ đó tạo điều kiện cho việc nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, bôi nhọ tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền trong nước. Đồng thời, việc rêu rao tuyệt thực nhằm cổ xúy các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước, kích động số này tiến hành các hoạt động chống phá từ bên trong.

Sự thật phía sau chiêu trò tuyệt thực

Quyền con người là những quyền tự nhiên và xã hội mà không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, chăm lo và thực hiện về quyền con người theo quy định pháp luật. Ngay cả trong lĩnh vực thi hành án phạt tù, phạm nhân cũng luôn được Nhà nước bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp; được công nhận và thụ hưởng các chế độ của Nhà nước dành cho phạm nhân chấp hành án phạt tù, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019…

Các quyền cơ bản của phạm nhân được bảo đảm như quyền được ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, nhận quà hay bưu phẩm, gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự…, giúp họ yên tâm cải tạo, tu dưỡng và đặc xá chính là sự động viên cao nhất nếu họ cải tạo tốt, thực sự hướng thiện, hoàn lương.

Hiện nay, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng phạm tội bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. “Tù nhân lương tâm” về bản chất là sự đánh tráo khái niệm nhằm cổ súy cho những kẻ đột lốt dân chủ, lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, phải chấp hành hình phạt tù. Đây là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ súy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.

Chính vì vậy, khi bị kết án và chấp hành hình phạt tù, nếu không “tuyệt thực”, không có các hành động chống phá thì tên tuổi của những đối tượng mang trên mình chiếc áo “tù nhân lương tâm” cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Do không thể từ bỏ những lợi ích nên dù bị kết án phạt tù, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tiến hành các hành động chống đối nhằm thu hút sự chú ý từ các cá nhân, tổ chức cũng như các thế lực phản động ở bên ngoài.

Ngoài ra, có thể thấy rằng, do bộ mặt thật của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối đã bị vạch trần nên rất nhiều người từng bị các đối tượng trên lừa gạt tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật đã tỉnh ngộ. Sau khi được cơ quan chức năng tuyên truyền, họ đã hiểu việc làm sai trái của mình để hối cải cũng như góp phần vạch trần bộ mặt thật của các tổ chức trên.

Bên cạnh đó, trong thời gian chấp hành án phạt tù, họ cũng nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định để sớm quay trở về với gia đình, hoà nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, với chiêu trò xuyên tạc của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối ở trong nước về các đối tượng trên cũng nhằm mục đích chặn con đường hoàn lương sau khi chấp hành xong án phạt tù và thúc ép các đối tượng đó thực hiện các hoạt động chống đối đến cùng, cho dù họ có muốn hay không.

Thực tế, chiêu bài “tuyệt thực” từ lâu đã bị bóc trần bởi các đối tượng như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu cày)… Thậm chí ngoài chiêu bài tuyệt thực, các đối tượng còn đưa ra những thông tin giật gân như “Nguyễn Văn Hải bị chặt tay trong thời gian chấp hành án phạt tù”... Sự thật được phơi bày như việc đối tượng Cù Huy Hà Vũ dù kêu tuyệt thực song vẫn khoẻ mạnh, ăn uống bình thường và còn được tiếp nhận thực phẩm tiếp tế từ gia đình khá đầy đủ hay đối tượng Nguyễn Văn Hải từng kêu bị chặt đứt tay nhưng khi được sang Mỹ, mọi người tiếp xúc thì thấy tay chân vẫn vẹn nguyên.

Rõ ràng, trò hề “tuyệt thực” cho thấy sự tuyệt vọng của các đối tượng chống phá khi mà bộ mặt giả dối đã bị vạch trần và bị chính người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài quay lưng.

Thực tế là, dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người, bao gồm cả việc bảo đảm các quyền con người của phạm nhân trong thi hành án hình sự. Những quy định này được đề cập cụ thể trong các luật, nghị định, được áp dụng trực tiếp, linh hoạt vào đời sống theo hướng có lợi cho phạm nhân. Từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 9 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 92.000 phạm nhân.

Để người được đặc xá trở về sớm hoà nhập với cộng đồng, các địa phương tiếp nhận người được đặc xá đã chủ động có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ sinh kế (vay vốn, tạo việc làm). Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTD ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 500 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, đa số người được đặc xá trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống. Nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân khá giả, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

Vì vậy, những thông tin minh bạch, những hành động thiết thực đã trực tiếp bác bỏ các thông tin sai sự thật của một số cá nhân, tổ chức vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, phân biệt, đối xử đối với đối tượng bị giam giữ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang nghĩ đến chiêu trò “tuyệt thực” hay được gán nhãn hiệu “tù nhân lương tâm” cần dừng lại, thay vì tiếp tục lừa mị dư luận, hãy tỉnh ngộ, hối cải, tập trung cải tạo tốt để sớm hoàn lương, xây dựng lại cuộc sống.

  Liêm Chính - Bình Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét