Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

 

Biên phòng - Từ khi xây dựng và trưởng thành, công tác đối ngoại quốc phòng của QĐND Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần đáng kể tăng cường vị thế của đất nước và Quân đội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân, nằm trong tổng thể các hoạt động đối ngoại về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, văn hóa, khoa học... của Nhà nước, Quân đội và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Đối ngoại quốc phòng không chỉ là công tác đối ngoại đơn thuần của Bộ Quốc phòng mà bao gồm các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế, liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam và an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp và thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Cùng với xu thế hòa bình trong quan hệ quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo, hoạt động đối ngoại quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình để phát triển đất nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới. Đồng thời, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của đất nước trước mọi vấn đề của thời đại.

Với nguyên tắc “4 không” trong đối ngoại, với tinh thần chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Đối ngoại quốc phòng mềm mại, khôn khéo bởi chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Song đối ngoại quốc phòng luôn kiên quyết, kiên trì giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, quyết liệt ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Hoạt động đối ngoại quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đồng thời, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trong thời kỳ đa phương, đa cực như hiện nay, công tác đối ngoại quốc phòng cũng đem lại nguồn lực và khả năng mới, là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới nhằm hoàn thành ngày càng tốt hơn những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Việt Nam không liên minh quân sự, đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 viết: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế". Điều đó tạo cho Việt Nam sự linh hoạt, chủ động ứng phó trong những tình huống phức tạp hoặc khi có yêu cầu cấp thiết bảo vệ Tổ quốc.

Đối ngoại linh hoạt đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các cuộc gặp gỡ lớn trên thế giới như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trong hai ngày 27-28/2/2019. Hay việc Việt Nam liên tiếp đón nhiều tàu hải quân, tàu sân bay nước ngoài bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nga, Trung Quốc... đến thăm, thể hiện rõ sự hợp tác vì hòa bình với tất cả các nước. Các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực huấn luyện, đào tạo, mua sắm trang bị, thiết bị, hợp tác công nghiệp quốc phòng, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh cũng đã phát huy hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh, hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện là Lào, Campuchia và Cuba; 6 nước Đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cùng nhiều nước Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện.

Hiện nay, quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam ngày càng rộng mở với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã mở ra các kênh đối thoại cấp cao, nâng cấp đối thoại quốc phòng với nhiều nước, trong đó có nhiều đối tác quan trọng có liên quan chặt chẽ với quốc phòng Việt Nam và an ninh khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp những sáng kiến quan trọng tại các hội nghị, diễn đàn quốc phòng, quân sự đa phương khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); hợp tác quốc phòng, an ninh với Liên minh châu Âu (EU) được thúc đẩy trên nhiều mặt; nâng cao chất lượng của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tham gia có trách nhiệm vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ... Qua đó, nâng cao hình ảnh, uy tín, cam kết thực hiện trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc mở rộng và nâng cấp đối thoại quốc phòng với nhiều nước thể hiện uy tín ngày càng cao của Việt Nam, tạo ra vị thế mới trong hợp tác quốc phòng. Đây là thuận lợi chưa từng có, là cơ hội để Việt Nam ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định.

                                                                                                Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét