Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

 

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM - GÓC NHÌN MÉO MÓ CỦA JOSHUA KULANTZICK

          Gần đây, trên trang “Vietnamthoibao” Joshua Kulantzick có bài viết cho rằng: Việt Nam “ngày càng rạn nứt và tham nhũng” nguyên nhân là do một đảng lãnh đạo và mục đích của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhằm “đấu đá trong nội bộ đảng”. Thực tiễn cho thấy:

          Thứ nhất, tệ tham nhũng ở Việt Nam hiện nay không phải ngày càng tăng lên và cũng không phải do một đảng lãnh đạo, bởi lẽ:

          Tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại ở các nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iraq. Syria, Somalia…), vì thế, mới có sự tồn tại của tổ chức Minh bạch thế giới (TI) và hoạt động xếp hạng hàng năm về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của tổ chức này.

          Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ một hay nhiều đảng lãnh đạo đất nước, mà do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Hệ thống chính trị và hành chính thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực; Thể chế thiếu minh bạch, dân chủ, tạo ra nhiều “vùng tối”; Chính sách đãi ngộ không đủ bảo đảm mức sống tối thiểu, cần thiết; Hệ thống pháp luật thiếu nghiêm minh; Văn hóa chính trị và công vụ thiếu chú trọng danh dự, liêm sỉ, thiếu đề cao sự trung thực; Hệ thống báo chí, truyền thông thiếu dũng khí, không trở thành công cụ hữu hiệu để giám sát, tố cáo hành vi tham nhũng và đủ khả năng gây áp lực với đấu tranh chống tham nhũng…

          Ở Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu, kể cả trong thời chiến hay thời bình, đó là công việc thường xuyên, trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trước đây, chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc được nên số vụ tham nhũng bị xử lý ngày càng nhiều hơn là lẽ bình thường.

          Thứ hai, mục đích của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt nam không phải là “chuyện đấu đá trong nội bộ đảng” nên không hề có sự “rạn nứt”. Kết quả chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy, các đối tượng có xuất thân khác nhau, gồm các quan chức từ Trung ương đến địa phương nếu tham nhũng thì  đều bị xử lý nghiêm minh và công bằng, bình đẳng trước pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đảng chống tham nhũng không vì động cơ cá nhân, không vì lợi ích nhóm, không phải vì lợi ích phe phái, không phải là “đánh nhau về chính trị, không phải ai đánh ai trong nội bộ, không phải để gây bất mãn trong xã hội”… Vì thế, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được nhân dân trong nước và thế giới ủng hộ. Tạo được sự đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên không hề có sự “rạn nứt” như Joshua Kulantzick nhận định và xuyên tạc.

          Tham nhũng sinh ra ở tất cả các chế độ nhà nước, dù nhà nước đó được lãnh đạo bởi một đảng hay nhiều đảng. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta không bao giờ bao che, dung túng, mà luôn tích cực, chủ động phòng, chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy điều hành đất nước, đoàn kết hơn trong nội bộ, chứ không phải là “chuyện đấu đá trong nội bộ đảng” khiến cho Việt Nam “ngày càng rạn nứt và tham nhũng”  như Joshua Kulantzick đã cố tình xuyên tạc. Mục đích của việc xuyên tạc là nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, hạ thấp uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Đất nước. Đó, là mưu đồ phản động, phải được nhận diện, đấu tranh bác bỏ và làm cho thất bại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét