LTS: Hòa bình là khát vọng của mỗi con người, của bất kỳ dân tộc nào và của cả nhân loại. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tại Pháp, sự kiện treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) Việt Nam lên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris vào đầu năm 1969, dù danh tính người treo cờ luôn là ẩn số nhưng đã trở thành động lực to lớn đối với những người yêu chuộng hòa bình nói chung, với người dân tiến bộ Mỹ tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam nói riêng...
Bài 1: Gỡ “nút thắt” nghi vấn
Những ngày cuối tháng 11, truyền thông Việt Nam sôi động đưa tin về chuyến thăm TP Hồ Chí Minh của 2 công dân Thụy Sĩ theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Đây được cho là những người đã thực hiện việc treo lá cờ MTDTGPMN Việt Nam trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris cách nay hơn nửa thế kỷ. Nhận nhiệm vụ thực hiện loạt bài về sự kiện quan trọng này, nhóm phóng viên chúng tôi đã tra cứu nhiều tư liệu lịch sử, gặp gỡ, phỏng vấn một số nhà nghiên cứu, trí thức, kiều bào, nhà ngoại giao từng tham gia hoạt động trong thời kỳ chiến tranh cũng như sau này.
Những câu hỏi chưa có lời đáp
Một vấn đề đặt ra là trong quá trình tra cứu, dữ liệu lịch sử liên quan đến sự kiện lá cờ MTDTGPMN Việt Nam treo trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris (Pháp) năm 1969 rất ít ỏi. Chúng tôi đã liên lạc với một số chuyên gia nghiên cứu của Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam); tìm kiếm các ấn phẩm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) liên quan đến các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973; tra cứu thông tin tại một số thư viện...
Sau nhiều nỗ lực, tất cả những gì mà chúng tôi thu thập được là thông tin về cuộc gặp ở Paris ngày 25-3-2023 giữa Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng với 3 công dân Thụy Sĩ, gồm ông Bernard Bachelard (sinh năm 1943), Olivier Parriaux (sinh năm 1944) và Noé Graff (sinh năm 1945). Ông Olivier Parriaux từng là Giáo sư Vật lý của Trường Đại học Lyon (Pháp), ông Bernard Bachelard là giáo viên dạy thể dục, còn ông Noé Graff là một người trồng nho. Cuộc gặp là dịp để Đại sứ lắng nghe câu chuyện kể về 30 giờ dũng cảm của những chàng trai đến từ Lausanne (Thụy Sĩ) khi tìm cách leo lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris vào đêm 18, rạng sáng 19-1-1969 để treo lá cờ MTDTGPMN Việt Nam. Sự kiện xảy ra cách đây hơn 50 năm, nhưng danh tính người thực hiện mới chỉ được công bố vào năm 2019, sau khi chóp tháp nổi tiếng này bị sụp đổ vì một vụ hỏa hoạn.
Ngoài ra, chúng tôi còn tìm được một vài bài viết về cuốn sách “Le Vietcong au sommet de Notre-Dame” (tạm dịch: Lá cờ Việt cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà) do Nhà xuất bản Favre tại Lausanne (Thụy Sĩ) phát hành ngày 19-1-2023, trong đó, 3 nhân vật trên kể lại chi tiết quá trình chuẩn bị và thực hiện kế hoạch treo cờ trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.
Mặc dù nắm bắt được một số chi tiết của sự kiện nhưng chúng tôi vẫn cẩn trọng đặt những câu hỏi quy chiếu như: Sự kiện này có thật đã diễn ra? 3 công dân Thụy Sĩ kia có phải là người thực hiện? Liệu còn ai khác tham gia trong sự kiện này? Vì sao đến bây giờ 3 công dân Thụy Sĩ mới công khai danh tính?...
Những câu hỏi trên, nếu được giải đáp bằng những tư liệu mà chúng tôi tìm được và được xác minh là đúng thì sẽ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, với Việt Nam, việc treo cờ MTDTGPMN Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ là một sự kiện gắn liền với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho đất nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cách mạng từ năm 1945 đến 1975; nó là một trong những minh chứng cho sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thứ hai, sự kiện treo cờ cũng sẽ là một phần không thể tách rời trong văn hóa đại chúng cũng như trong lịch sử gần 800 năm của Nhà thờ Đức Bà Paris-một công trình kiến trúc đặc biệt mang tính biểu tượng của nước Pháp, một di sản văn hóa của nhân loại...
Trước khi đặt chân tới sân bay Tân Sơn Nhất, 2 vị khách từ Thụy Sĩ đã tìm cách liên lạc và chủ động đề nghị có cuộc trả lời phỏng vấn riêng với Báo QĐND. Rồi lúc tiếp cận nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh xin phỏng vấn, bà đã vui vẻ nhận lời khi biết chúng tôi do Báo QĐND cử vào, dù nhiều năm nay, bà luôn cân nhắc rất kỹ trước khi nhận lời phỏng vấn báo chí. Cuộc gặp với nhà ngoại giao kỳ cựu ban đầu được xếp lịch trong 15 phút, cuối cùng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Đó là niềm tự hào, là động lực để những nhà báo-chiến sĩ phải luôn hành động cẩn trọng, trách nhiệm tới cùng khi tiếp nhận và xử lý bất cứ dữ liệu thông tin hay sự kiện, nhân vật nào, để xứng đáng với niềm tin của công chúng, bạn đọc.
Giao lưu “Chung khát vọng hòa bình”
Đây là hoạt động đầu tiên mà ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard-2 trong số 3 công dân Thụy Sĩ (ông Noé Graff không tham gia chuyến thăm lần này vì bận việc nông trang)-tham gia ngay trong ngày đầu tiên đặt chân tới TP Hồ Chí Minh. Giao lưu “Chung khát vọng hòa bình” do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức với mục đích thông qua những thước phim và câu chuyện của khách mời, tái hiện lại một phần không khí đấu tranh vì khát vọng hòa bình của dân tộc, từ đó thắp lên trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam tinh thần yêu nước và luôn nhớ về một thời chiến đấu đầy oai hùng, vinh quang.
Chương trình giao lưu ngoài 2 nhân vật chính còn có một số khách mời đặc biệt. Đó là nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh; bà Trần Tố Nga, kiều bào Pháp, người đóng vai trò kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với phía Thụy Sĩ để dẫn tới chuyến thăm lần này, cũng là người nhiều năm qua theo đuổi vụ kiện dân sự đòi các tập đoàn hóa chất Mỹ từng cung cấp chất độc da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam phải bồi thường cho các nạn nhân da cam.
Trong hội trường phủ kín màu áo xanh của đoàn viên, thanh niên, sau phần giới thiệu ngắn gọn về 2 công dân Thụy Sĩ, người dẫn chương trình đưa khán giả ngược thời gian trở về thập niên 1960 với một clip về bối cảnh phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những thước phim tư liệu đen trắng ghi lại cảnh các cuộc đàm phán 4 bên về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam lần lượt được trình chiếu. Rồi trên màn hình lớn xuất hiện cảnh một lá cờ lớn nửa đỏ, nửa xanh, có ngôi sao vàng ở giữa đang tung bay trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris giữa thủ đô nước Pháp. Công chúng Pháp xôn xao. Truyền thông thế giới xôn xao. Không ai hiểu vì sao, bằng cách nào mà lá cờ Việt Nam đột ngột xuất hiện ở đó. Máy quay lia đến cảnh một lính cứu hỏa Pháp treo mình trên sợi dây từ trực thăng thả xuống, lơ lửng giữa bầu trời, trong nỗ lực tháo gỡ lá cờ. Sau nữa là những cuộc biểu tình tại Mỹ, Pháp và nhiều quốc gia khác, với những người tham gia trên tay cầm tờ bìa in trang nhất nhật báo The New York Times ngày 20-1-1969 có ảnh lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris...
Những thước phim quý giá, câu chuyện kể sinh động của 2 nhân vật là những dữ liệu quý mà chúng tôi không thể bỏ sót trong quá trình thu thập và kiểm chứng thông tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét