Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Làm gì để tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực?

 Đó là “điểm nghẽn” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến. Trong bài phát biểu sáng ngày 7-11-2024 với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cần tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại, tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới, sẵn sàng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại sao lại là “điểm nghẽn”? Là bởi trong hệ thống pháp luật của chúng ta, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Thậm chí có dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật gây ra thiệt hại, cản trở phát triển…

Làm gì để tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực? Trong gần 79 năm thành lập nước (1945-2024), Việt Nam chúng ta hiện có 266 bộ luật. Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, cần đổi mới tư duy xây dựng luật, rà soát, bóc tách loại bỏ các điều luật không phù hợp, thiếu logic thực tiễn và không đáp ứng được yêu cầu kỷ nguyên mới. Chẳng hạn, gần đây những quy định không rõ ràng trong sử dụng tài chính công giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước đã trở thành một điểm nghẽn kéo dài, làm tê liệt nhiều hoạt động ở nhiều bộ, ngành và địa phương trong bối cảnh tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành vấn đề nóng bỏng. Năm nay, điểm nghẽn này đã được tháo gỡ. Từ nay các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập; và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đầu tư xây dựng. Đây là điểm nghẽn pháp lý đầu tiên được tháo gỡ và những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật khác sẽ được xem xét gỡ bỏ. Đồng thời, những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật cần được điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa cần được xây dựng, đề xuất chương trình thực hiện. Thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, bảo đảm đồng bộ, tạo thuận lợi khi thi hành luật. Thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật. Triệt để từ bỏ tư duy, cách làm "không quản được thì cấm". 

Để tháo gỡ những điểm nghẽn, loại bỏ những vướng mắc níu kéo, khơi thông nguồn lực cần phải có đội ngũ cán bộ hiểu luật, giỏi chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tận tâm cống hiến theo tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ đối với cán bộ khi không vi phạm điều cấm, không vụ lợi, lạm dụng quyền lực. 

Khi Đảng ta đã xác định được chính xác điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chỉ đạo tập trung ý chí, tìm được giải pháp và quyết liệt tháo gỡ, khơi thông nguồn lực sẽ đưa đất nước tiến kịp các cường quốc trên thế giới như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.    

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét