Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta thảo luận những ý tưởng mới, mục tiêu mới, và Đảng sẽ quyết định những chủ trương, quyết sách mới, trong đó có đổi mới phương thức lãnh đạo để có thể đưa dân tộc và đất nước bước vào kỷ nguyên bứt phá phát triển.
Có thể hình dung thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành “quốc gia phát triển” vào giữa thế kỷ 21 chính là đặc điểm then chốt nhất, phân biệt “kỷ nguyên mới” so với các giai đoạn lịch sử trước đây ở nước ta. Tuy nhiên, tiến trình phát triển của một số quốc gia trong khu vực cũng gợi ra rằng nếu không thể bứt phá thì Việt Nam sẽ không thể vượt qua “vũng lầy” bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, thu nhập cao như đã được đề ra từ đại hội 13.
Những mục tiêu mới cho thời gian sắp tới cũng đặt ra yêu cầu mới với vai trò lãnh đạo của Đảng. Gần đây, trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ nhắc lại cơ chế đặc trưng ở nước ta “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, mà còn khẳng định rõ hơn một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay, đó là cần những tư duy mới về vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm Đảng thực sự là “người cầm lái” con thuyền dân tộc và đất nước.
Vấn đề mà Tổng Bí thư nêu ra trong bài viết có rất nhiều ý nghĩa bởi khác với các giai đoạn trước đây, sự vận hành của hệ thống chính trị cũng đang bộc lộ những vấn đề nhất định, cần tiếp tục đổi mới. Xã hội Việt Nam hiện nay đã phân hóa rõ ràng hơn, với sự hình thành những nhóm xã hội khá giả, giàu có nhưng đa số người dân vẫn đang khát khao cải thiện mức sống và chất lượng cuộc sống. Cũng có nghĩa, trước vấn đề nào đó chúng ta sẽ phải đối diện với các lợi ích và quan điểm đa dạng hơn, thậm chí phức tạp hơn. Việt Nam cũng đã hội nhập quốc tế sâu rộng cho nên tiến trình Đảng lãnh đạo phát triển đất nước chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân đến từ bên ngoài, đặc biệt là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Thực tiễn bối cảnh trong nước và quốc tế sau gần 40 năm đổi mới đang đặt ra nhu cầu bức thiết về hiện đại hóa phương thức lãnh đạo của Đảng.
Về bản chất, lãnh đạo được hiểu là quá trình chủ thể lãnh đạo (cá nhân hoặc tập thể) gây ảnh hưởng đến người khác, quy tụ sự ủng hộ và cùng hành động vì mục tiêu chung. Hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở khả năng tác động, gây ảnh hưởng đến các lực lượng xã hội, thu hút và duy trì sự ủng hộ của nhân dân cho tầm nhìn lãnh đạo 2045, quy tụ và phát huy mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho nỗ lực thực hiện những mục tiêu đã đề ra.
Như vậy, đổi mới về phương thức lãnh đạo tức là thực hiện sự điều chỉnh và bổ sung thêm các cơ chế và công cụ khác nhau để định hình lại “các mối quan hệ và lề lối làm việc” của cả cấu trúc lãnh đạo, hướng đến gia tăng hiệu lực lãnh đạo.
Nguyên tắc đổi mới
Như đã được xác định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” từ năm 1991, tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần được thực hiện với hai khu vực, đó là: hệ thống chính trị và xã hội.
Với các lực lượng xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại những cách thức và biện pháp lãnh đạo truyền thống, như: Tư tưởng chính trị, chủ trương chiến lược, tuyên truyền và vận động, kiểm tra và giám sát, chất lượng và sự gương mẫu của đảng viên, và hệ thống chính sách của nhà nước… Như vậy, chúng ta có thể hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng với các lực lượng xã hội trước hết và chủ yếu sẽ sử dụng “quyền lực mềm”, đặc trưng bởi khả năng thuyết phục và truyền cảm hứng. Đích đến cho mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng với xã hội là “hạnh phúc và ấm no của nhân dân”.
Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến ba vấn đề có tính nguyên tắc mà chúng ta sẽ phải tuân thủ: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; và Đảng không bao biện, làm thay nhà nước.
Vấn đề đầu tiên là cần phải tiếp tục tư duy để minh định vị thế, vai trò, cũng như mối quan hệ giữa ba chủ thể then chốt trong cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay. Theo đó, cần nhận thức rõ Đảng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị, được hình thành dựa vào sự ủng hộ của nhân dân. Nhà nước đảm nhiệm vai trò quản lý, quyền lực của nhà nước là quyền lực công, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Quyền làm chủ thuộc về nhân dân, thể hiện qua yêu cầu: mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của nhà nước phải xuất phát từ yêu cầu phục vụ lợi ích, ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Cụ thể hơn, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chứ không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Với các cơ quan nhà nước, Tổng bí thư nêu rõ “Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, “thượng tôn” pháp luật”. Trong khi đó, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội được xác định là những chủ thể đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Vấn đề thứ hai là yêu cầu phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với các thành tố cấu thành hệ thống chính trị. Trên thực tế, trong thời gian gần đây, sự gia tăng số lượng các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên có vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật cần được nhìn nhận là một trong những dấu hiệu cho thấy có nơi, có lúc vai trò lãnh đạo của Đảng đã bị lơ là, buông lỏng. Vì thế, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng trước hết có nghĩa là phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với mọi phương diện, như tư tưởng, kinh tế, chính trị, xã hội.
Tiếp đó, mọi cá nhân, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối lãnh đạo do Đảng đề ra. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo, tức là sự ảnh hưởng của Đảng sẽ luôn hiện diện trong mọi hoạt động của các thành tố thuộc hệ thống chính trị, từ đó tác động đến xã hội.
Vấn đề thứ ba là Đảng không bao biện, làm thay nhà nước. Với tư cách là Đảng chính trị duy nhất đảm nhiệm cả hai vai trò lãnh đạo và cầm quyền, một bộ phận đảng viên được đảm nhận các vị trí trong các cơ quan nhà nước. Hệ thống các cơ quan Đảng cũng được bố trí song song theo từng cấp gắn với hệ thống chính quyền. Bên cạnh ưu điểm bảo đảm sự sâu sát, gắn bó mật thiết giữa Đảng với chính quyền, những đặc điểm nêu trên cũng tạo ra nguy cơ các cơ quan Đảng “lấn sân”, thậm chí can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, tức là quyền lực chính trị của Đảng có thể lấn át quyền lực công của nhà nước. Nhận thức rõ những vấn đề này, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải “bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý… tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay”.
Định hướng đổi mới
Đại hội 14 chính là thời điểm rất ý nghĩa bởi chúng ta không chỉ tổng kết thành tựu của 40 năm Đổi mới mà còn là dịp để chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần giải quyết, những thách thức cần phải vượt qua. Đại hội 14 cũng là thời điểm phù hợp để chúng ta thảo luận những ý tưởng mới, mục tiêu mới, và Đảng sẽ quyết định những chủ trương, quyết sách mới, trong đó có đổi mới phương thức lãnh đạo để có thể đưa dân tộc và đất nước bước vào kỷ nguyên bứt phá phát triển.
Trên cơ sở nhận thức rõ những hạn chế, bất cập hiện nay, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những định hướng then chốt về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt quan trọng là nhu cầu sắp xếp lại các cơ quan Đảng cũng như tư duy mới về mối quan hệ giữa Đảng với nhà nước. Những điều chỉnh vĩ mô này được kỳ vọng có thể từng bước bảo đảm Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo trong kỷ nguyên mới, “thực sự là hạt nhân trí tuệ, là bộ tổng tham mưu, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước”, cũng như cả hệ thống chính trị. Cụ thể, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra hai định hướng đổi mới chính yếu:
Thứ nhất, chúng ta cần giải quyết tình trạng “song trùng, hình thức” giữa các cơ quan Đảng và nhà nước hiện nay. Nhiệm vụ đặt ra là phải khẩn trương “tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng”, “nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng”, cùng với đó là yêu cầu về năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu. Có thể thấy, những định hướng giải pháp này sẽ không chỉ thu gọn bộ máy tổ chức, hiện đại hóa chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, và tổ chức Đảng hiểu “đúng vai” và làm “thuộc bài”, mà quan trọng hơn, còn có thể định hình lại mối quan hệ giữa quyền lực chính trị (của Đảng) và quyền lực công (của nhà nước).
Thứ hai, những yêu cầu mới về hiệu lực thực thi trên thực tế của các nghị quyết của các tổ chức Đảng ở mọi cấp độ. Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thấy tình trạng có khoảng cách giữa nghị quyết và thực tiễn cuộc sống, hoặc khó chuyển hóa nghị quyết thành hành động, cho nên chưa tạo ra những thay đổi tích cực. Vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu yêu cầu: “Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi”. Một nghị quyết tốt, chất lượng thì phải “tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân”.
Tuy nhiên, trên bình diện quản trị quốc gia, chúng ta cũng cần nhận thức rằng phương thức lãnh đạo chỉ là một cấu phần của mô hình cấu trúc lãnh đạo, bao gồm một tập hợp các thành tố tạo nên cấu trúc quyền lực đảm nhiệm chức năng ban hành và thực thi các quyết định lãnh đạo, như: hệ giá trị và niềm tin chính trị; hệ thống tổ chức và phân bố quyền lực; các vị trí, chức năng, vai trò; nguyên tắc và quy trình ban hành, thực hiện các quyết định; cơ chế và công cụ lãnh đạo; các mối quan hệ giữa các thành tố bộ phận cũng như cơ chế vận hành của cả cấu trúc lãnh đạo.
Vì thế, để đại hội 14 có thể trở thành dấu mốc trong tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì ngay từ bây giờ, các hội thảo, tọa đàm, tham vấn chuyên gia về mô hình cấu trúc lãnh đạo cần được triển khai khẩn trương để phát huy sức mạnh của trí tuệ tập thể, chuẩn bị nội dung trình đại hội xem xét và quyết định.
Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét