Là đất nước có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, tỷ lệ dân số có tín
ngưỡng, tôn giáo không nhỏ và tín ngưỡng, tôn giáo thường xuyên bị các thế lực
xấu lợi dụng để chống phá nên Đảng, Nhà nước ta càng luôn tôn trọng, bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho Nhân dân
Chúng tôi mở đầu bài viết này bằng lời nói của
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo
Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có
đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (ngày 30/8/2022 tại Thành
phố Hồ Chí Minh): “Hơn bảy triệu người Công giáo cũng chính là hơn bảy triệu
người công dân Việt Nam và nhận thức rõ: từ bản Hiến pháp đầu tiên đến nay, Nhà
nước ta luôn quan tâm, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
của Nhân dân”[1].
Thật vậy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu
không thể phủ nhận trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người
dân, thể hiện ở các góc độ sau:
Thứ nhất, xây dựng và
hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra
đời đến nay, Việt Nam đã 4 lần sửa đổi Hiến pháp, song quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo vẫn luôn được thể hiện nhất quán và khẳng định trong các Hiến pháp như
một giá trị của chế độ xã hội mới, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc
tế về quyền con người và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình
phát triển đất nước cũng như thực tiễn hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.
Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016)
Thể chế hóa quy định trong Hiến pháp, năm
2016, Quốc hội Khoá XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2017, Chính
phủ ban hành Nghị định số 162/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và từ 1/1/2018, cả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
và Nghị định số 162/NĐ-CP đều có hiệu lực thi hành, góp phần bảo đảm quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Ngày 29/12/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành
Nghị định số 95/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín
ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/NĐ-CP. Nghị định số 95 tăng 8 điều
so với Nghị định số 162, trong đó giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 18 điều, bổ sung 9
điều và 02 khoản.
Đầu năm 2024, Quốc hội khóa XV đã tổ chức kỳ
họp bất thường lần thứ 5 để thông qua Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có nội
dung: Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với
đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn
giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các
tổ chức, cá nhân khác.
Được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, nên hầu
hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở
thờ tự được xây mới. Hiện nay, khoảng hơn 70% cơ sở tôn giáo trên toàn quốc đã
được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm trong thực tiễn đời sống
Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để các
sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra
bình thường. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Phật đản của Phật
giáo; Lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành… thu hút đông đảo
tín đồ tham dự và được tổ chức với quy mô lớn.
Sãi cả Chau Khi - Trụ trì chùa Tà Ngáo (phường
An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho hay, Chùa luôn được
nhận được sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận
Tổ quốc ở địa phương để Chùa tổ chức lễ đón mừng năm mới trang trọng, đúng nghi
thức cổ truyền cho đồng bào nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay hằng năm.
Ngày 8/8/2023, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định
số 623/QĐ-BVN về việc “Công nhận tổ chức tôn giáo cho tổ chức Phật giáo Hiếu
nghĩa Tà Lơn”. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội nghị cung cấp
thông tin báo chí về công tác thông tin đối ngoại (tháng 4/2024), tính đến hết
năm 2023, đã có 38 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; cấp đăng ký hoạt
động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo.
Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có thêm 1.100 điểm nhóm được
đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trước đó đã có hơn 2.600 điểm nhóm được
chấp thuận, bao gồm hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người
nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết
định xuất bản, với trên 2,4 triệu bản in các tác phẩm và kinh sách tôn
giáo, được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Việt, tiếng
Anh và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số... để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo
của mọi người,
Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn
giáo được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ. Tháng 7/2023, Việt Nam - Tòa thánh
Vatican đã nâng cấp quan hệ lên cấp có Đại diện thường trú tại Việt Nam, đồng
thời thông qua việc ký Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và
Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Việc tăng cường
mối quan hệ này không chỉ thể hiện sự đúng đắn trong chiến lược ngoại giao của
Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của
Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng Công giáo ở Việt Nam.
Sau khi thông báo về việc nâng cấp quan hệ,
Giáo hoàng Francis đã viết thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam rằng Việt Nam -
Vatican đang rất tích cực cùng nhau tìm kiếm con đường hoà hợp phục vụ thiện
ích của hai bên.
Tại buổi tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại
giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher nhân chuyến thăm Việt Nam (ngày
10/4/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng: “Việc
hai bên nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú là dấu mốc quan trọng và là
kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác
và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện
thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”[2].
Bên cạnh đó, trong năm 2023, có hơn 300 lượt
đại diện cho các tổ chức tôn giáo đã tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, các
khóa đào tạo về tôn giáo tại nước ngoài. Gần 400 lượt người nước ngoài vào nước
ta tham gia các hoạt động tôn giáo.
Nhiều sự kiện tôn giáo lớn đã được tổ chức tại
Việt Nam, như: Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức tại giáo phận Bà
Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì
hòa bình. Các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương” tại
Thành phố Hồ Chí Minh… Những sự kiện này đã góp phần quảng bá chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Thực tế chứng minh, khi và chỉ khi thực hiện
tốt vai trò là quốc gia thành viên có trách nhiệm của các công ước quốc tế về
nhân quyền thì “Việt Nam được bạn bè quốc tế đề cử gánh vác nhiều trọng trách
quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và
Liên hợp quốc như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025”[3].
Thực tiễn trên là bằng chứng đanh thép khẳng
định rằng, các luận điệu xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là
hoàn toàn sai sự thật, không khách quan, không công bằng, không phản ánh chính
xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và
thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các luận điệu cố tình biến tấu sự
thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hòng tạo ra các lý do cho sự can
thiệp từ các lực lượng thù địch vào chính sách nội bộ của đất nước, thúc đẩy áp
lực trên các diễn đàn quốc tế nhằm thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam theo
hướng tự do và dân chủ phương Tây.
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo cho mọi người dân là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước
Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thực tế với ý chí và quyết tâm cao. Từ lý luận
đến thực tiễn và những thành tựu đạt được đã làm rõ sự thật về quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam là không thể bị phủ nhận. Đảm bảo quyền tự do,
tín ngưỡng, tôn giáo chính là đảm bảo và tôn trọng quyền con người. Chúng ta
sẵn sàng nhận diện và đấu tranh chống lại mọi âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để gây chia rẽ và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực
hiện mục tiêu và lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và dân tộc ta đã lựa chọn,
đó là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” tại Việt Nam./.
___________________________________________________________
[1] Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Đóng
góp của người Công giáo Việt Nam trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, Kỷ yếu Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo
có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tr.44.
[2] Xem: Thủ tướng Chính phủ tiếp Bộ
trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/thu-tuong-chinh-phu-tiep-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-vatican-662905.html
[3] TS. Võ Công Khôi: Nhận diện các chiêu
bài can thiệp khoác áo nhân quyền, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, số 4
(32) - 2023, tr.8.
Nguồn: Bài
đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 09/05/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét