Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo

Theo thống kê, từ năm 2018 - 2023, nước ta đã có hơn 2.000 ấn phẩm về tôn giáo được cấp phép xuất bản, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp. Bên cạnh những cuốn sách tôn giáo giúp lan toả các giá trị tích cực của các giáo lý thì vẫn còn những cuốn sách xuất hiện các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đặt ra yêu cầu cần phải nhận diện và xử lý kịp thời.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại và bình đẳng trước pháp luật. Tính đến tháng 5 năm 2024, nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 27 triệu đồng bào theo đạo (chiếm 27% dân số cả nước). Một số tôn giáo tiêu biểu ở nước ta có thể kể đến là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hộ... Trên thực tế, với bất kỳ một tôn giáo nào, nhiệm vụ truyền giáo, mở rộng đạo là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn. Truyền giáo có sự khác nhau giữa các thời kỳ lịch sử và bị quy định bởi những đặc trưng riêng của thời đại đó. Ngày nay, bên cạnh những cách thức truyền đạo hiện đại thì cách thức truyền thống vẫn luôn có vị trí nhất định, nhất là hình thức truyền đạo qua sách tôn giáo.

1. Thực trạng xuất bản sách tôn giáo

Nước ta đã có những điều khoản riêng về vấn đề xuất bản ấn phẩm tôn giáo, đảm bảo đúng theo đường lối chính trị, tư tưởng của Đảng, tránh sự xung đột và mâu thuẫn về nội dung hay các nền văn hóa khác nhau. Hoạt động in, xuất bản các loại kinh, sách và các xuất bản phẩm tôn giáo; sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, đồ dùng được hướng dẫn tại Mục IV Thông tư 01/1999/TT-TGCP hướng dẫn Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành, theo đó:

 

Thứ nhất, Nhà nước cho phép các tổ chức tôn giáo được in, xuất bản các loại sách kinh, các ấn phẩm tôn giáo; được sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng việc đạo.

Thứ hai, các thủ tục hành chính cho việc in, xuất bản, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo theo những quy định sau đây:

- Thủ tục hành chính về in, xuất bản các loại kinh, ấn phẩm tôn giáo.

Tổ chức tôn giáo có nhu cầu cần in, xuất bản các loại kinh, sách, văn hoá phẩm có nội dung tôn giáo phải đăng ký đề tài xuất bản với Nhà xuất bản Tôn giáo trực thuộc Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn, Giám đốc Nhà xuất bản Tôn giáo có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản.

Nghiêm cấm việc chuyển, nhượng giấy phép xuất bản dưới bất cứ hình thức nào (Điều 9 - Nghị định 79/CP ngày 6/11/1993 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Xuất bản).

- Thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu văn hoá có nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những đồ dùng trong việc đạo:

Các tổ chức tôn giáo thuộc Trung ương hoặc thuộc địa phương và những người thuộc các tổ chức đó xuất văn hoá phẩm có nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc tôn giáo, nếu có văn bản đồng ý của Ban Tôn giáo của Chính phủ (ở Trung ương) hoặc Ban Tôn giáo của ủy ban nhân dân cấp tỉnh (ở địa phương) thì cơ quan văn hoá sẽ cấp giấy phép làm thủ tục hải quan (Điều 4 - Quyết định 893 QĐ-CP ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao quy định về xuất, nhập khẩu văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh).

Các tổ chức tôn giáo thuộc Trung ương hoặc thuộc địa phương và những người thuộc các tổ chức đó, nhập văn hoá phẩm nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc tôn giáo phải làm đơn xin phép trước, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tôn giáo của Chính phủ (ở Trung ương) hoặc Ban Tôn giáo của ủy ban nhân dân cấp tỉnh (ở địa phương) thì cơ quan văn hoá sẽ cấp giấy phép nhập khẩu (Điều 10 - Quyết định 893/QĐ-CP ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao quy định về xuất, nhập khẩu văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh).

- Những trường hợp xuất bản, kinh doanh, lưu hành, tàng trữ, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm trái quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: cảnh cáo (Điều 12); phạt tiền (Điều 13); tước quyền sử dụng giấy phép (Điều 14); tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (Điều 15) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 215/BLHS và các điều khác có liên quan).

Trong năm 2023, theo thống kê của Cục Xuất bản – In ấn và phát hành, Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản tổng cộng 141 xuất bản phẩm, trong đó có 64 xuất bản phẩm về Phật giáo (bao gồm 18 đầu sách là kinh điển Phật giáo, số đầu sách còn lại thuộc thể loại khác liên quan đến Phật giáo như lịch, sách chủ đề Phật giáo, các văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam), 72 xuất bản phẩm về Công giáo (trong đó 22 đầu sách là kinh điển Công giáo, số đầu sách còn lại thuộc thể loại khác như sách chủ đề Công giáo, sách dành cho các dân tộc thiểu số, lịch...), 5 xuất bản phẩm về Đạo Cao đài (trong đó có 4 đầu sách và 1 sản phẩm lịch). Mặc dù số lượng sách tôn giáo so với các dòng sách khác là tương đối khiêm tốn nhưng xét tổng thể, sách tôn giáo đã làm khá tốt vai trò hỗ trợ cho việc truyền bá các giáo lý, giáo điểm đến các tín đồ.

2. Những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo

- Sự xuyên tạc, chống phá Đảng và nhà nước

Đối với các thế lực thù địch, tôn giáo được sử dụng như một "cớ" để xuyên tạc, nhằm chống phá Đảng, chế độ, đoàn kết dân tộc và đoàn kết tôn giáo, gây chia rẽ, lo lắng, kích động bạo loạn,... Một vấn đề nhỏ trong lĩnh vực tôn giáo cũng có thể bị phóng đại, bóp méo và xuyên tạc trở nên nghiêm trọng; một sự kiện tôn giáo ở một khu vực hay địa phương cũng dễ trở thành vấn đề quốc tế; một sự việc ban đầu chỉ là hiện tượng nhỏ có thể bị xuyên tạc bản chất biến thành vấn đề lớn; một câu chuyện ban đầu rất bình thường lại có thể trở nên phức tạp.

Sách là một trong những công cụ lí tưởng thường được các đối tượng thù địch sử dụng để lồng ghép, đan xen các tư tưởng gây tranh cãi về tôn giáo, kích động tranh cãi hoặc gây xung đột giữa các tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, đã có những cuốn sách mang danh phục vụ việc truyền bá văn hoá để cài cắm tư tưởng phản động, thù địch, gây chia rẽ các tôn giáo, làm suy giảm niềm tin của các tín đồ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước(1). Chính vì vậy, khi thẩm định bản thảo sách tôn giáo, bản thân biên tập viên phải có kiến thức, sự am hiểu nhất định và sự nhạy cảm với các vấn đề tôn giáo được đề cập đến trong sách. Bởi lẽ, chỉ cần một chút sơ xuất trong vấn đề về tôn giáo, có thể gây ra một cuộc tranh cãi lớn, khiến sách có thể bị thu hồi và tiêu huỷ.

- Sự thiếu tôn trọng đạo lý và giáo điểm

Đạo lý và giáo điểm đóng vai trò quan trọng trong một tôn giáo vì chúng hướng dẫn và định hình cách sống và hành xử của người theo tôn giáo đó. Đạo lý là những nguyên tắc và giá trị cốt lõi mà tôn giáo đặt ra để hướng dẫn con người trong việc định hình ý thức, đạo đức và quyết định hành động. Giáo điểm là các quy tắc và nghi thức mà tôn giáo thiết lập để thể hiện sự tôn trọng và sự kính trọng đối với thần linh và cộng đồng tôn giáo. Sự tuân thủ và thực hành đạo lý, giáo điểm giúp người theo tôn giáo duy trì và phát triển mối quan hệ với thần linh và cộng đồng tôn giáo, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển cá nhân và đạo đức của họ. Việc xuất bản một cuốn sách không đảm bảo được sự tôn trọng đạo lý và giáo điềm của một tôn giáo có thể gây ra tranh cãi, thậm chí là một cuộc xung đột.

Tôn trọng đạo lý và giáo điểm đồng nghĩa với việc hiểu và đánh giá cao các nguyên tắc, giáo lý và giá trị cốt lõi của một tôn giáo cụ thể. Nó bao gồm sự tôn trọng và không phê phán các quy tắc, quyền hạn, và niềm tin của tôn giáo đó. Mỗi tôn giáo có thể có nhiều hướng tiếp cận và diễn giải khác nhau về đạo lí và giáo điểm. Sách tôn giáo cần thể hiện sự linh hoạt trong việc trình bày các quan điểm và diễn giải khác nhau, đồng thời tôn trọng sự đa dạng này. Khi biên tập sách có nội dung về tôn giáo, biên tập viên có trách nhiệm phải nghiên cứu và hiểu rõ về đạo lý và giáo điểm của tôn giáo được đề cập đến trong sách, tránh việc biến tướng hoặc xúc phạm các giáo điểm, khiến tranh cãi nổ ra. Ví dụ như đã có sách tôn giáo gây sự bức xúc và phẫn nộ cho độc giả khi ngoài bìa là hình ảnh của Phật pháp nhưng bên trong lại toàn những chi tiết miêu tả về tính dục với ngôn ngữ dung tục và giọng điệu cợt nhả, châm biếm.

- Sự vi phạm bản quyền

Vấn đề bản quyền đối với sách tôn giáo là một chủ đề phức tạp, luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Đối với sách tôn giáo, việc bảo vệ bản quyền có thể có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo sự tôn trọng và bảo vệ những giá trị tôn giáo. Tuy nhiên, việc áp dụng bản quyền trong lĩnh vực tôn giáo cũng đặt ra nhiều thách thức. Một số tôn giáo coi các văn bản tôn giáo là công cộng và không thuộc quyền sở hữu cá nhân. Ví dụ, đã có cuốn sách tôn giáo xuất bản trong nước vào năm 2023 được phát hiện chỉ là sự cóp nhặt, lắp ghép một cách lộ liễu, sống sượng từ một ấn phẩm khác đã xuất bản ở nước ngoài. Toàn bộ nội dung cuốn sách được lấy từ một sách khác đã từng xuất bản tại Úc. Khi sao chép lại, cuốn sách vi phạm thậm chí còn cài vào những chi tiết có tính xuyên tạc tôn giáo nghiêm trọng. Việc vi phạm bản quyền đối với sách tôn giáo đòi hỏi phải được xem xét dựa trên cả các quy định pháp luật và quyền lợi của tác giả cùng với quyền tự do tôn giáo.

- Sự đánh giá sai lệch về văn hoá

Sách tôn giáo thường chứa những giá trị, quan điểm và truyền thống văn hóa của một tôn giáo cụ thể. Việc tôn trọng và đánh giá đúng giá trị của các yếu tố văn hóa trong sách tôn giáo là rất quan trọng, để không gây xúc phạm hay phân biệt đối với các tôn giáo và cộng đồng. Bên cạnh đó, sách tôn giáo thường liên quan đến các khía cạnh tôn giáo nhạy cảm như tín ngưỡng, thần thoại, tôn giáo và các bí quyết tôn giáo. Việc hiểu và tôn trọng sự thiêng liêng và đặc biệt của những khía cạnh này là rất quan trọng để tránh việc xâm phạm hoặc làm tổn thương tôn giáo và cộng đồng.

Một cuốn sách tôn giáo chuẩn mực cần phải tránh được những đánh giá sai lệch về một tôn giáo hoặc văn hóa cụ thể. Bởi lẽ, mỗi tôn giáo và văn hóa có đặc điểm riêng, hệ quy chuẩn riêng. Ví dụ, trên thế giới, đã có sách phê phán và châm biếm đối với Islam và các giá trị tôn giáo của Hồi giáo. Cuốn sách đưa ra những tưởng tượng và tác phẩm hư cấu liên quan đến các sự kiện lịch sử và tôn giáo quan trọng trong Islam. Cuốn sách đã gây ra sự phẫn nộ và xúc phạm đối với cộng đồng người Hồi giáo bởi họ cho rằng nó xâm phạm vào niềm tin tôn giáo và thiêng liêng của họ.

3. Một số giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và đấu tranh với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ biên tập viên về âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch đối với nước ta trên mọi mặt trận, nhất là mặt trận văn hoá tư tưởng. Từ việc nhận thức và đánh giá chính xác về các âm mưu, thủ đoạn, biên tập viên càng phải nâng cao ý thức cảnh giác trước những hình thức chống phá khác nhau của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ Nhà nước ta hoặc làm cho nước ta kiệt quệ buộc phải đi theo quỹ đạo của chúng, lệ thuộc vào chúng. Mỗi biên tập viên cần luôn luôn có ý thức thường trực trong tiếp cận và xử lý các bản thảo nhạy cảm, phức tạp.

Thứ hai, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức toàn diện đối với đội ngũ biên tập viên sách tôn giáo, nhất là kiến thức về tôn giáo, lý luận chính trị, nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời đại nhiều biến động phức tạp và khó lường. Có kế hoạch, chương trình bồi dưỡng biên tập viên về lịch sử dân tộc, lịch sử các tôn giáo và ảnh hưởng của tôn giáo trong việc truyền bá lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó, giúp các biên tập viên đủ bản lĩnh và kiến thức để làm việc với các cộng tác viên, tác giả, đủ kỹ năng và sự nhanh nhạy để xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong khâu biên tập.

Thứ ba, các biên tập viên và nhà xuất bản cần có sự lựa chọn sáng suốt, tìm ra các cộng tác viên trong và ngoài nước đủ uy tín và sự nhạy cảm chính trị để tổ chức các bản thảo sách tôn giáo. Cần chú ý rằng, quá trình xuất bản sách tôn giáo phải vừa phải thể hiện cá tính sáng tạo của cộng tác viên tài năng nhưng cũng vừa phải có sự tham vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm để hạn chế những phức tạp, rủi ro có thể xảy ra trong bản thảo do vô tình hay cố ý của họ. Với những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ nảy sinh ý thức chống đối, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thì cần phải nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong tiếp nhận và biên tập.

Thứ tư, lãnh đạo các Nhà xuất bản cần có quy trình biên tập chặt chẽ, khoa học, nhất là biên tập, phát hành sách tôn giáo trên các nền tảng số, không để lọt những bản thảo có nội dung xấu chống phá nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng khi xuất bản, phát hành. Chú ý khi có những bản thảo có nội dung phức tạp về chính trị, về tôn giáo, về dân tộc… cần tổ chức Hội đồng thẩm định của Nhà xuất bản để tranh luận khoa học, dân chủ trước khi quyết định.

Thứ năm, trong quá trình làm việc, theo định kỳ mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm, lãnh đạo Nhà xuất bản nên phối hợp với cơ quan an ninh bảo vệ chính trị nội bộ để liên tục cập nhật, tuyên truyền, phổ biến âm mưu, thủ đoạn mới của thế lực thù địch đối với nước ta, giúp các biên tập viên, cán bộ Nhà xuất bản nâng cao cảnh giác và ý thức chính trị khi làm việc.

Tóm lại, biên tập viên sách tôn giáo cần căn cứ vào mức độ vấn đề phức tạp, nhạy cảm để có phương án xử lý phù hợp. Với những lỗi nhỏ, có thể trực tiếp đề xuất với tác giả để chỉnh sửa, thay thế nội dung, câu chữ. Với những lỗi lớn cần lập hội đồng thẩm định hoặc hỏi ý kiến các chuyên gia có hiểu biết về vấn đề tôn giáo để đưa ra quyết định trả lại bản thảo cho tác giả hay từ chối xuất bản. Như vậy, việc nâng cao ý thức nhận diện và kỹ năng xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đối với đội ngũ làm sách tôn giáo hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét