Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Uy tín - phẩm chất không thể thiếu ở người lãnh đạo

 

Theo nghĩa tiếng Việt, uy tín là sự tín nhiệm, mến phục được mọi người thừa nhận. Nói cách khác, uy tín là sự phản ánh những phẩm chất cần có trong nhân cách của người này thông qua sự nhìn nhận, đánh giá của người khác và tập thể. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, uy tín có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Uy tín đích thực sẽ tạo được sự tin tưởng, phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của tập thể đối với người đứng đầu, người phụ trách. Từ đó, mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện triệt để, hiệu quả. Khi đó, tinh thần dân chủ được phát huy; năng lực, sở trường của từng cá nhân được thể hiện và mang lại những giá trị thiết thực cho tập thể. Không chỉ vậy, uy tín của cán bộ, đảng viên còn là cơ sở tạo nên uy tín của Đảng. Khi có đủ uy tín trước nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những con sóng lớn của thời đại và vươn khơi, cập bến vinh quang. Vì nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Trái lại, nếu cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, người quản lý không có uy tín, hoặc uy tín thấp, thậm chí uy tín giả thì không thể nêu gương mực thước và thuyết phục, lãnh đạo được quần chúng. Khi đó, mọi chỉ thị, mệnh lệnh khó có thể được quán triệt, thực hiện một cách tự giác, hiệu quả. Cho nên cán bộ, đảng viên không có uy tín hoặc uy tín giả sẽ làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. V.I.Lenin cho rằng: "Người lãnh đạo phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ"(1).

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công trong quản lý, lãnh đạo là uy tín đích thực theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là sự hội tụ đầy đủ của các phẩm chất cần thiết trong nhân cách người quản lý, lãnh đạo. Các phẩm chất ấy là: “Tâm, tầm và tài”; là đạo đức cách mạng. Trong bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản cách đây tròn 40 năm, với bút danh “Trọng Nghĩa”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (sau này là Tổng Bí thư) đã chỉ rõ: “Uy tín theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín”. Với ý nghĩa đó, uy tín của cán bộ, đảng viên phải là những phẩm chất nội tại, đích thực ở từng chủ thể. Khi có đủ uy tín, người lãnh đạo sẽ thúc đẩy được tinh thần và nhịp điệu học tập, lao động, chiến đấu tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể, xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo dư luận tích cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét