NHẬN DIỆN CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Chủ nghĩa cá nhân thường biểu hiện trên bốn mặt chủ yếu sau
đây:
Một là, tách rời lợi ích của cá nhân với lợi ích của Đảng,
của Tổ quốc và nhân dân. Mượn khái niệm của sinh học, có thể nói rằng,
mỗi một cá nhân của bộ máy hệ thống chính trị là tế bào trong cơ thể tổ chức
đó, ai mắc phải căn bệnh chủ nghĩa cá nhân thì người đó như là một tế bào lạ, tế
bào xấu, hoặc đó là tế bào ký sinh trong tổ chức. Rất nhiều lần, Chủ tịch Hồ
Chí Minh tuyên bố một cách quang minh chính đại rằng, Đảng ta ra đời và phát
triển không phải vì mục đích tự thân, mà là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh
phúc cho nhân dân; rằng, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài.
Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng
bào sung sướng”(5); tất cả mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước đều chỉ nhằm đưa lại lợi ích cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Do
đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn vừa là người lãnh đạo, vừa là người
công bộc, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tự tách mình ra khỏi lợi
ích của cách mạng chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa cá nhân.
Hai là, chỉ vun vén cho lợi ích của cá nhân mình. Những
người mắc phải căn bệnh cá nhân chủ nghĩa thì đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi
người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(6). Biểu hiện rõ nhất là ở vấn
đề lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, mà ở đây thực chất cũng là lợi ích theo chủ
nghĩa cá nhân.
Ba là, coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối,
chủ trương, nghị quyết, quyết định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nếu
là cán bộ thì đó là những con người độc đoán, chuyên quyền để mưu lợi ích cho
riêng cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình, coi thường mọi nguyên tắc tổ chức
và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của đoàn thể nhân
dân. Họ thường tìm kẽ hở trong các quyết định của các tổ chức để hành xử, đặt lợi
ích của cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình cao hơn tất cả, hoặc coi lợi ích
cá nhân là duy nhất; thậm chí, họ lợi dụng chức quyền để cho ra đời những chính
sách, quy định, quy hoạch có lợi cho mình.
Đối với tổ chức thì họ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của cá
nhân mình; lũng đoạn, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, bao che tội lỗi, sai lầm
của những người cùng cánh để hưởng lợi. Họ coi tổ chức của hệ thống chính trị
chỉ là công cụ để kiếm chác lợi ích cá nhân. Trăn trở về điều này, trong bài
báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhân
dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính
tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối,
chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của
nhân dân”(7).
Bốn là, phản bội chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Đây
là sự biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới cá nhân đối lập với vận
mệnh của chế độ chính trị, và như vậy là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và
pháp luật của Nhà nước. Những người này trước hết và chủ yếu là cũng vì lợi ích
vật chất chi phối. Họ bị sa ngã khi tiền của, danh lợi khảo nghiệm về phẩm chất
đạo đức cách mạng. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Ở đây nó đâm toạc cả nhân cách,
đạo đức của những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… nếu những người đó
sa vào chủ nghĩa cá nhân; họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích quốc gia, có những hành động
chống đối hoặc đứng đằng sau cổ súy cho những hành động chống đối chế độ chính
trị, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí, nhất là
hệ thống mạng Internet, để xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi đen chế độ chính trị
xã hội chủ nghĩa hiện hành, bôi xấu lãnh tụ Đảng và Nhà nước, bôi bẩn những cán
bộ cách mạng; họ sẵn sàng nhận những đồng tiền bẩn của các thế lực thù địch chống
đối sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét