Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Thế giới diễn biến phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch lợi dụng tình hình đó để không ngừng chống phá Việt Nam, đặc biệt tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, việc nhận diện, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và phân tích, đánh giá chỉ ra lực lượng, đối tượng tham gia chống phá để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là yêu cầu cấp thiết, đồng thời, khẳng định giá trị, bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó tác giả đưa ra quan điểm mang tính giải pháp để nhận diện, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

1. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - giá trị khoa học, cách mạng và ý nghĩa thời đại

Học thuyết chủ nghĩa Mác- Lênin là sự thống nhất thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng khoa học. Bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở nội dung chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Quan điểm duy vật về lịch sử, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định sản xuất vật chất là: “tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử”(1).

Quan điểm duy vật lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác vận dụng vào phân tích xã hội - xã hội tư bản chủ nghĩa. Với học thuyết giá trị thặng dư luận giải sự vận động phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tính tất yếu về sự ra đời và tiêu vong của phương thức sản xuất đó là do mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với tính chất tư hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến với giai cấp tư sản đại biểu cho quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa và phương thức sản xuất tư bản sản sinh ra lực lượng xã hội giải quyết các mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong phương thức sản xuất tư bản là giai cấp công nhân - lực lượng xã hội có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người khỏi sự áp bức, bóc lột bất công và xây dựng xã hội mới công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do. Quan điểm này là sự khẳng định rõ về học thuyết duy vật về lịch sử của C.Mác, Ph.Ăngghen, học thuyết thể hiện giá trị khoa học, cách mạng và thực tiễn lịch sử.

Thực tiễn, sự phát triển lịch sử xã hội loài người là chứng minh rõ nét nhất khẳng định giá trị khoa học, tính cách mạng, vai trò, sức sống của học thuyết học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết mang giá trị vượt thời đại, không ngừng phát triển và khẳng định giá trị trước những biến đổi của lịch sử. Thực tiễn, năm 1999, khi công bố bình chọn nhà tư tưởng có ảnh hưởng đối với lịch sử nhân loại, Trường Đại học Cambridge (Anh) đã công bố bình chọn nhà tư tưởng số một trong thiên niên kỷ thứ hai, kết quả là C.Mác đứng đầu, A.Anhxtanh đứng thứ hai. Và theo thăm dò của tờ Tạp chí Der Spiegel (Đức) cho thấy, C.Mác được ưa chuộng một cách ngạc nhiên với hơn 50% số người dân Tây Đức nói rằng, “sự phê phán của C.Mác đối với chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị”.

Tờ The New Yorker (Mỹ) cũng cho rằng, các vấn đề mà các nhà kinh tế học hiện đại đang đối mặt và giải quyết, nhưng thực ra họ đang “bước theo dấu chân của C.Mác mà họ không biết”. Thực tế cũng chứng minh, chính bản thân chủ nghĩa tư bản dù ở phương Đông hay phương Tây (từ Nhật Bản tới Tây Âu rồi Mỹ…)(2), các nước tư bản để tồn tại, họ đã, đang nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác trong điều kiện thời đại mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam. Trong giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, thế giới quan, phương pháp luận biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử của học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, được Hồ Chí Minh kế thừa, tiếp thu và hình thành thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, mang giá trị thực tiễn to lớn, là cơ sở đem lại thành công đối với cách mạng Việt Nam.

Khi tham gia hoạt động nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, vào những năm 20 của thế kỷ XX, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc được cuốn: “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, Người đã đi đến một nhận định quan trọng, đó là ngày nay, có nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa nhưng theo Người “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3).

Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung đối với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin với những tư liệu thực tiễn sinh động. Với tư cách là lãnh tụ cách mạng Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn mình với thực tiễn đời sống, với phong trào cách mạng, Người thấy rằng, không có con đường cách mạng nào định sẵn cho cách mạng của dân tộc Việt Nam, với phương pháp luận duy vật biện chứng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, với phương châm là: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản...v.v…người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên đời sống xã hội của họ…v.v… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(4) vô sản.

Bản lĩnh kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam, áp dụng cái chung vào cái riêng với sự cá biệt hoá, ở Việt Nam, đối diện với những khó khăn, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định đường lối chiến lược đúng, gắn với thời đại lịch sử - cụ thể, thể hiện giá trị khoa học, cách mạng, nên đã từng bước phát huy sức mạnh đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo sức mạnh to lớn, tạo nên thắng lợi to lớn cho cách mạng. Trong điều kiện lịch sử cụ thể, áp dụng cái chung và vào cái riêng gắn với tư duy biện chứng duy vật, có sự cá biệt hóa, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, “chèo lái con thuyền cách mạng” Việt Nam đến những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại.

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, mọi chủ trương, chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dựa trên cơ sở lý luận và trên nền tảng tư tưởng là học thuyết chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là luôn: “kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(5) trong việc đề ra chủ trương, chiến lược lãnh đạo cách mạng Việt Nam.   

2. Nhận diện, đấu tranh đối với các luận điệu sai trái xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Bản chất cách mạng, khoa học của học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin đã được thực tiễn lịch sử chứng minh và xác nhận. Nhưng hiện nay, thế giới đang biến đổi phức tạp, khó lường, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đang diễn ra, tác động mạnh mẽ...v.v..,và những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX,  Liên Xô, một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị khủng hoảng và dẫn đến sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, lợi dụng tình hình phức tạp trên thế giới, các thế lực thù địch, phản động dựa trên những sự kiện trên thế giới, lợi dụng tình hình phức tạp đó, lấy làm nguyên cớ, lấy và sử dụng làm công cụ, để thực hiện mục đích nhằm xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại cách mạng Việt Nam.

Chúng tập trung phủ nhận việc lựa chọn nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chống phá cách mạng Việt Nam, do vậy, hơn lúc nào hết, việc nhận diện, đấu tranh đối với các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề thời sự, là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quan tâm, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, ban hành các nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo, Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”,..., chủ trương, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam, ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế, trước tiên, hiểu được tính đúng đắn nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tính khoa học, cách mạng của học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để Họ tham gia vào cuộc đấu tranh, phản bác đối với những luận điệu sai trái, vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị đối với quần chúng nhân dân trong và ngoài nước trước âm mưu, thủ đoạn thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch.

Và trong thực tiễn hiện nay, việc nhận diện, đấu tranh đối với các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động đang đặt ra là một trong những yêu cầu cấp thiết, bởi, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm mọi phương thức để xuyên tạc, phủ nhận các luận điểm của các nhà tư tưởng Macxit, các luận điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Về lý luận, với quan điểm lịch sử - cụ thể, những luận điểm được các ông trình bày, nhiều nội dung gắn với thời đại lịch sử - cụ thể, thể hiện lý luận về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, nhưng các thế lực thù địch, phản động tìm cách và soi vào những tư tưởng, quan điểm gắn với thời đại lịch sử - cụ thể, để chúng phủ nhận, phản bác.

Học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin “với tính chất là một học thuyết khoa học, những người khai sinh ra chủ nghĩa Mác – Lênin chưa bao giờ muốn và chưa có bất cứ một mệnh đề phán đoán nào để quy các luận điểm trong học thuyết của mình về cách mạng xã hội hay về xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai thành những tín điều siêu hình, cứng nhắc.

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức “ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất bản năm 1872, C.Mác và Ph. Ăngghen đã viết rằng: “Chính ngày “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”. Vậy tại sao có thể nói, chủ nghĩa Mác – Lênin là lỗi thời”(6), mà có thể khẳng định là những người cố tình phủ nhận học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin là những người lỗi thời về thực tiễn và lý luận.

Do đó, trong thực tiễn, nhận thức vấn đề như trình bày ở trên, là tương đối khó khăn, bởi vì, mục đích thực sự của các thế lực thù địch, phản động là bằng việc đánh tráo khái niệm, trích dẫn những quan điểm C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin đưa ra thể hiện quan điểm lịch sử - cụ thể, chúng thêm, bớt từ ngữ vào các luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác, mục đích làm biến đổi nội dung và rút ra kết luận nhằm xuyên tạc bản chất luận điểm của chủ nghĩa Mác một cách có chủ đích. Do đó, việc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chống lại những thủ thuật ngụy biện, sai trái, phản khoa học của các thế lực phản động, thù địch, là rất khó khăn, phức tạp.

Về mặt tư tưởng, lý luận, rất khó khi xác định bản chất phản động trong luận điểm của các thế lực phản động, thù địch, bởi các luận điệu được các thế lực phản động che đậy bằng các hình thức “tinh vi” và ẩn dấu đằng sau luận điểm của chúng luôn ẩn chứa âm mưu chính trị là phá hoại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng. Hơn thế nữa, các thế lực phản động, thù địch lợi dụng những hiện tượng tiêu cực có tính đơn lẻ trong đời sống, xã hội để cường điệu hóa, biến cái không bản chất thành cái bản chất.

Năm 1991, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động cùng kẻ cơ hội chính trị lấy đó là nguyên cớ, chúng sử dụng sự kiện này để phủ nhận học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa là lỗi thời, là sai lầm. Các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là do sự lạc hậu của bản thân học thuyết chủ nghĩa Mác, chúng ra sức lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu Xô Viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu và với luận điểm: “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”; rồi khuyến nghị, khuyên nhủ”(7), từ đó, các thế lực phản động, thù địch nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam cần đi theo con đường khác và cần lấy học thuyết khác làm cơ sở nền tảng tư tưởng.

Nên có thể khẳng định, về mặt nhận thức, quan hệ biện chứng giữa hiện tượng và bản chất là cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật, trong đó, bản chất luôn luôn được bộc lộ qua hiện tượng, còn hiện tượng nào cũng là sự biểu hiện của bản chất ở mức độ nhất định, không có bản chất tồn tại thuần túy ngoài hiện tượng, đồng thời cũng không có hiện tượng nào mà không biểu hiện bản chất.

Nhận thức không chỉ dừng lại ở hiện tượng, mà phải tiến đến bản chất của sự vật, như V.I. Lê-nin chỉ rõ: “bản chất tuyệt đối… không có một tồn tại hiện có nào. Nhưng nó phải chuyển sang tồn tại hiện có. Bản chất đứng ở giữa tồn tại và khái niệm, với tính cách là bước quá độ sang khái niệm (=tuyệt đối).... trong cái không bản chất, trong cái bề ngoài, có một vòng khâu của cái không tồn tại. nghĩa là cái không bản chất, cái bề ngoài, cái trên mặt, thường biến mất, không bám “chắc”, không “ngồi vững” bằng bản chất. Etwa”(8), là luận điểm mang ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong việc nhận thức bản chất của vấn đề, sự vật, hiện tượng trong thực tiễn đời sống.

Do đó, chúng ta cần đứng trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để nhận thức đúng bản chất sự vật, bản chất vấn đề, trên cơ sở đó nhận diện, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, trong cuộc đấu tranh với chúng trên mặt trận tư tưởng lý và thực tiễn.

Luận giải sự phát triển của lịch sử, xã hội, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp cận, đứng trên quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử, nhưng các thế lực thù địch, phản động lại lảng tránh, chúng ngụy biện bằng cách tuyệt đối hóa sự phát triển của các nền văn minh, ngay cả “một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nước cho rằng, trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời”(9), do đó, học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin “không lý giải được những vấn đề của xã hội thời đại văn minh tin học (!) Từ đây, họ đề xuất thay thế cách tiếp cận của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác khi phân tích xã hội, bằng việc chúng sử dụng cách tiếp cận dựa trên quan điểm của nhà tương lai học An-vin Tốp-phlơ về sự phát triển của các nền văn minh, là: “văn minh nông nghiệp”, “văn minh công nghiệp” và “văn minh hậu công nghiệp”. Thực chất của đề xuất này là phủ nhận Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác”(10).

Các nhà tư tưởng chủ nghĩa Mác khi luận giải sự phát triển lịch sử, chỉ ra lịch sử là sự vận động, thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội, xuất phát từ sự phát triển lực lượng sản xuất, nhưng vì với mục đích chống lại tính chất khoa học, cách mạng trong học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, nên các thế lực thù địch, phản động phản bác, chúng cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật là nhân tố duy nhất của sự vận động lịch sử.

Nhận diện và đấu tranh với các luận điệu chống phá của các thế lực phản động, thù địch phủ định giá trị khoa học, cách mạng của tư tưởng, học thuyết, lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc, phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đang được đặt ra là yêu cầu cấp thiết, mang tính thời sự hiện nay. Thực tiễn, các thế lực thù địch lợi dụng các trang mạng xã hội, lợi dụng ưu thế lan truyền nhanh, khó kiểm soát của các trang mạng, “họ tung ra nhiều bài viết với mọi lý lẽ để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, kêu gọi Đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin.

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Chủ nghĩa Mác – Lênin xuất phát từ một ảo giác nên không có giá trị chỉ đạo thực tiễn”, và rằng: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã tan rã, chủ nghĩa Mác – Lênin đã sụp đổ, mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa này làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”…v.v..và…v.v.. Từ đây, họ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy “thoát khỏi vòng kim cô ý thức hệ” để chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; bởi theo họ, chỉ như vậy thì đất nước mới có cơ hội phát triển (!)”(11).

Đó là những luận điệu sai trái, phản động. Nhưng những luận điểm này lại có không ít người, thậm chí một số cán bộ, đảng viên, ngộ nhận, tin theo, dẫn đến sự dao động về tư tưởng và nói theo những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Bởi vậy, việc vạch trần những luận điệu sai trái, phản động, khẳng định sự kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin là nhiệm vụ, là việc làm vừa cấp thiết vừa lâu dài, khi Việt Nam đang triển khai Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và tiến tới thực hiện chuẩn bị đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, để nâng cao lòng tin, niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đối với nền tảng tư tưởng của Đảng – chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tiễn, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các thế lực thù địch, phản động sử dụng các thủ đoạn xuyên tạc tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin với luận điệu ngày càng gia tăng về quy mô, đa dạng về cách thức, nguy hiểm về mức độ với tính chất ngày càng thâm độc. Các thế lực phản động, thù địch tấn công không chỉ vào học thuyết khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà chúng còn tấn công nhằm hạ thấp uy tín, kể cả bôi nhọ cuộc đời riêng tư và sự nghiệp cách mạng của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin, thực hiện dã tâm phủ nhận, xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lênin trên phạm vi thế giới, mưu toan phá vỡ, lật đổ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng bài bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác và “tung huê các luận điệu rằng: “Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học” (!); “Chủ nghĩa Mác – Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”(12). luận điểm này của các thế lực thù địch, phản động là sai trái, là sự ngụy biện.

Học thuyết của Mác đã khẳng định giá trị khoa học và cách mạng bằng sự thật và thực tiễn lịch sử của sự phát triển kinh tế - xã hội, của công cuộc đổi mới ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính thực tiễn đó là minh chứng rõ nét nhất về giá trị khoa học và cách mạng học thuyết của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin. Bởi vì, thực tiễn đã chứng minh, các ông là nhà tư tưởng kiệt xuất, là những nhà khoa học, cách mạng và học thuyết của chủ nghĩa Mác với lý tưởng, mục tiêu nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người thoát khỏi áp bức bóc lột, bất công, xây dựng xã hội tự do, hạnh phúc.

Các ông đã đấu tranh không mệt mỏi nhằm hiện thực hóa lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Có thể khẳng định học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa học và cách mạng triệt để, học thuyết đó góp phần giải quyết những yêu cầu của nhân loại tiến bộ đặt ra ở Phương Tây và Phương Đông. Thực tiễn lịch sử chỉ cho thấy, từ khi chủ nghĩa Mác ra đời, phát triển, hệ thống các tư tưởng, quan điểm, quy luật kinh tế, chính trị, xã hội được C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin nêu ra, ngày nay đã và đang được minh chứng bằng thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội thời đại ngày nay, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia, và học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân trên thế giới, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân, của các đảng tiên phong, của giai cấp cách mạng ở Việt Nam.

Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, thế lực thù địch, phản động cho rằng, không có “tư tưởng Hồ Chí Minh”, vì xét về nội dung thì tư tưởng Hồ Chí Minh chủ yếu chỉ tổng hợp, sắp xếp, diễn đạt lại các quan điểm của người khác hoặc trích ca dao, tục ngữ chứ không có tư tưởng của riêng mình, (có phải vậy không (!)), còn xét về hình thức, tư tưởng Hồ Chí Minh đa số chỉ có những bức thư, bài viết, bài nói ngắn chứ gần như không hề có tác phẩm nào xứng tầm chuyên bàn về lý luận như các nhà tư tưởng khác, (có phải vậy (!)).

Từ lập luận đó, các thế lực phản động, thù địch rêu rao rằng, hiện nay “học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội là sai lầm và lỗi thời”(13), đã hết thời, là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Trong quan điểm của mình, V.I.Lênin chỉ ra rằng, một người xứng đáng là “nhà tư t­ưởng” khi họ giải quyết được trư­ớc ngư­ời khác tất cả những vấn đề về chính trị, chiến lược, sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào một cách tự giác và thực tiễn hoạt động cách mạng, do đó có thể khẳng định Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng.

Thực tiễn lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh được thế giới công nhận và “tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc”(14). Tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, các tổ chức tiến bộ trên thế giới đã khẳng định và thừa nhận chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng.

Như vậy, việc bảo vệ bản chất cách mạng, khoa học, giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần thận trọng, sáng suốt để nhận diện, đấu tranh có hiệu quả, bóc trần bản chất phản động, chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đây là nhiệm vụ mang tính thời sự, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, cần thực hiện đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp, cần sự đoàn kết nhiều lực lượng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và kết hợp sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, thực hiện một số giải pháp căn cơ.

3. Một số quan điểm mang tính giải pháp góp phần bảo vệ và khẳng định giá trị khoa học, cách mạng học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Để bảo vệ giá trị khoa học, cách mạng học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần trong cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần huy động sức mạnh toàn đảng, toàn dân, kết hợp nhiều giải pháp cơ bản để phòng và chống, đấu tranh.

Một là, thực hiện tốt, hiệu quả sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Trung ương Đảng, thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị,  đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền vể Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của báo chí truyền thông; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng.

Thứ hai, phát huy hơn nữa vai trò của công tác tuyên truyền để biến, làm chuyển hoá tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tiễn, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Ba là, thực tiễn lịch sử là minh chứng rõ nét nhất trong việc khẳng định giá trị khoa học, cách mạng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam, khẳng định và phát huy thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, nghiên cứu, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận, cung cấp luận cứ khoa học khẳng định tính khoa học, cách mang của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để mỗi người, mỗi cá nhân, quần chúng, nhân dân hiểu rõ, sâu sắc những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó để xem xét, phân tích, đánh giá đúng, trúng, khoa học các vấn đề chính trị, xã hội diễn ra trong thực tiễn đời sống.

Năm là, huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng, các cá nhân, toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và thực tiễn; tổng kết khái quát về lý luận, định hướng chỉ đạo thực tiễn trong cuộc đấu tranh nhận diện các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Đây là một trong những giải pháp cơ bản. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp với gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, gắn chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Như vậy, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho các tầng lớp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành tựu công cuộc đổi mới ở Việt Nam là minh chứng sinh động trực tiếp nhất góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống thế lực phản động, thù địch khẳng định giá trị học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các thế lực thù địch, phản động dù có sử dụng trăm phương nghìn kế, với nhiều luận điệu xuyên tạc, song, chúng không thể phủ nhận được tính khoa học, cách mạng học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “ngọn đuốc soi đường”, là ngọn cờ, là nền tảng tư tưởng, để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo giai cấp công nhân Việt Nam thực hiện thành công cuộc đổi mới ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(15) và biến mục tiêu thành hiện thực trực tiếp./. 

 TS. Phan Huy Trường

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội TS. Phan Huy Trường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét