CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
Cách đây 79 mùa Thu, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên Cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên của Đông Nam châu Á. Nhớ về thắng lợi to lớn ấy, chúng ta không bao giờ quên công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – Người tìm đường, mở đường và soi đường, dẫn lối cho dân tộc Việt Nam làm nên kỳ tích của thế kỷ XX.
Từ tìm đường, mở đường cho dân tộc Việt Nam
Ngày 5/6/1911, một mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba xuất dương, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Sau 10 năm bôn ba khắp các châu lục, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam – Con đường cách mạng vô sản, chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc đường lối cứu nước của dân tộc, mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, giành độc lập dân tộc bằng cách mạng vô sản.
Tiếp đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm cách mở đường cho dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi.
Người truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào trong nước, mở đường cho dân tộc Việt Nam đi theo học thuyết “chân chính, cách mệnh, khoa học nhất”, con đường đúng đắn nhất.
Người chuẩn bị những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng và chuẩn bị những công việc cần thiết nhất như dự thảo văn kiện, dự kiến thời gian, địa điểm và cuối cùng là triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, từ năm 1911 đến năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và Người đi trước, mở đường cho con đường ấy vào Việt Nam. Đồng thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng sáng lập tổ chức Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường mà Người đã khai phá.
Đến soi đường, dẫn lối cho Cách mạng tháng Tám thành công.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, đã về tới Tổ quốc. Từ đây, Người trực tiếp soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đi tới thành công.
Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Đường lối ấy tiếp tục được bổ sung, phát triển và khảo nghiệm trong thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1941. Từ năm 1941 đến năm 1945, Người tiếp tục bổ sung, phát triển và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối ấy với những văn kiện, sự kiện tiêu biểu gắn liền với thắng lợi của cách mạng Việt Nam như Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941, Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/945; Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945), Quốc dân Đại hội Tân Trào (16-17/8/1945)….
Lực lượng chính trị đã được lãnh tự Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta chuẩn bị trong suốt 15 năm, rèn luyện và trưởng thành qua 03 cao trào cách mạng (1930-1931; 1936-1939; 1939-1945). Đặc biệt, Cao trào kháng Nhật từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945, đỉnh cao là phong trào “phá kho thóc Nhật” cứu đói cho dân - Bước kiểm tra, thẩm định… để đưa lực lượng chính trị lên đường tranh đấu.
Lực lượng vũ trang được Chủ tịch Hồ Minh chỉ đạo xây dựng khi vừa về nước. Từ những đội du kích ở Bắc Sơn, Võ Nhai tới những đơn vị Cứu quốc quân, rồi Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đến tháng 5/1945, dưới sự chỉ đạo của Người, tất cả các lực lượng vũ trang đã thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân – lực lượng vũ trang nòng cốt cho Cách mạng tháng Tám.
Để cách mạng thắng lợi, tổ chức là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Từ năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo củng cố tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng khắp các địa phương, địa bàn để chuẩn bị hạt nhân chính trị lãnh đạo cách mạng Tháng Tám. Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cứu quốc cũng được Người chỉ đạo thành lập để tập hợp quần chúng làm nên bão táp cách mạng. Mặt trận Việt Minh ra đời từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 đã thực sự trở thành ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cho công cuộc cứu nước, giành độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của căn cứ địa cách mạng. Vì thế, Người cũng sớm chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến tháng 6/1945 chúng ta đã có căn cứ địa Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), một địa bàn rộng lớn bảo đảm cho việc xây dựng và tích trữ lực lượng, chờ đón thời cơ. Đặc biệt tại đây, “căn cứ địa lòng dân” đã giúp Bác vượt qua những thàng ngày gian khó nhất trong cuộc đời của Người khi người bệnh nặng, tưởng như sẽ từ giã cõi đời.
Dự báo thời cơ là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng trong Cách mạng tháng Tám. Với nhãn quan chính trị sắc bén và khả năng phân tích tình hình thế giới sâu sắc, ngay từ Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã dự báo chính xác rằng: Thời cơ sẽ tới khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và tác động đến tình hình thế giới. Tiếp đó, năm 1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Bác dự báo chính xác rằng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân ta giải phóng chỉ ở trong vòng một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(1).
Thời cơ đến đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta dự báo: Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Trước thời cơ lịch sử nghìn năm có một, Bác kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo cả dân tộc vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền với một ý chí, khát vọng lớn lao, quyết tâm sắt đá: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(3). Người chỉ đạo Đảng chủ động phát lệnh tổng khởi nghĩa ngay đêm 13/8/1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám đã diễn ra nhanh, gọn với tổn thất tối thiểu.
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong Tuyên ngôn có 02 nội dung vô cùng quan trọng: Người khẳng định thành quả cách mạng, hùng hồn tuyên bố với cả thế giới và dân tộc Việt Nam một sự thật: Dân tộc Việt Nam đã được hưởng quyền tự do, độc lập - Những quyền thiêng, cơ bản, tất yếu, quan trọng nhất của một quốc gia dân tộc. Thỏa nguyện mong ước lớn lao của Người: Tự do cho đồng bào và độc lập cho Tổ quốc; Và Người khẳng định quyết tâm sắt đá, khí phách dân tộc quyết bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Tám: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(4).
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng ta cùng ôn lại trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, tìm hiểu sâu sắc hơn công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Dưới ánh sáng soi đường tư tưởng Hồ Chí Minh và công cuộc tìm đường, mở đường, soi đường, dẫn lối của Bác, đặc biệt, bước ngoặt trọng đại mà Cách mạng tháng Tám đã mở ra – Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam đã và đang gặt hái được những thành tựu quan trọng: Đánh thắng “hai tên đế quốc to” – Pháp và Mỹ; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để đất nước có được “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như hiện nay.
Những thành tựu to lớn của đất nước gần một thế kỷ qua, góp phần vô cùng quan trọng để củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè khắp năm châu vào tiền đồ tươi sáng của đất nước dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam, nguyện đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” giữ vững và làm nên những mùa Thu Cách mạng tháng Tám mới trong thế kỷ XXI, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét