BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG VĂN HOÁ TƯ TƯỞNG TỪ SỨC MẠNH NỘI SINH
Trong sự hội nhập như vũ bão của nước ta ngày nay, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa đã gây ra không ít thách thức cho việc bảo vệ “biên cương văn hóa tư tưởng”. Chúng ta cần phải nhìn nhận đúng đắn vấn đề này để có những giải pháp thích đáng bảo vệ “biên cương” vô hình mà thiêng liêng ấy, nhưng đồng thời cũng không bi quan, đánh đồng hiện tượng thành bản chất. Người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ cũng đang nỗ lực để đưa văn hóa Việt vượt ra khỏi biên cương Tổ Quốc, giới thiệu đến thế giới một Việt Nam hoà bình, hữu nghị, giàu bản sắc văn hóa.
Những nỗ lực đưa văn hoá Việt vươn ra Thế giới
Trong nhiệt huyết của những con người trẻ tuổi, dường như có một sự kết nối mạnh mẽ trong kết quả người Việt với thế hệ cha anh đi trước. Dù là ở hoàn cảnh nào, sức sống của con người Việt Nam vẫn tiềm tàng và bất khuất, văn hóa Việt Nam vẫn luôn là nền tảng tinh thần được gìn giữ và phát huy. Cao hơn tất cả, tinh thần yêu nước, niềm tự hào và khát vọng phát triển đất nước luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam qua các thế hệ.
Nếu như điện ảnh nước ngoài đã từng “chiếm lĩnh” thị trường phòng vé thì những năm gần đây, điện ảnh cũng đã mang hình ảnh và văn hóa Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ, đi xa khỏi biên giới quốc gia. Các nhà đạo diễn, nhà sản xuất tâm huyết như: Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di đã nỗ lực đưa phim Việt ra thế giới với những bộ phim như: Song Lang, phim“Mùi đu đủ xanh” - phim Việt được đề cử chính thức Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Cuốn sách “Dệt nên Triều đại” - dự án nghiên cứu, phục dựng và biên soạn bộ sách song ngữ Việt - Anh với nội dung giới thiệu trang phục Việt Nam qua các thời kỳ đã được ra mắt tại Australia. Dự án thuộc Vietnam Centre - một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Úc sáng lập năm 2017. Trong hơn 5 năm, nhóm đã tổ chức hơn 90 hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam. Những nỗ lực này nhằm góp phần quảng bá với thế giới rằng: hai từ “Việt Nam” không còn được nhắc đến gắn với chiến tranh mà là một đất nước có bề dày lịch sử với vốn văn hiến có chiều sâu 4000 năm.
Những năm qua, thông qua du lịch, Việt Nam đã tổ chức Ngày văn hóa, Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam... ở nhiều nước nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng đã chủ động tổ chức ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa ở Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, đất nước, con người của nhau. Về mảng văn học nghệ thuật, nếu như trước đây, chúng ta tiếp nhận văn học nước ngoài qua dịch thuật, thì hiện nay, có những cuốn truyện, sách Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng. Điển hình, theo ghi nhận của PGS.TS Đoàn Lê Giang, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với hơn 60 bản dịch”. Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng một số tập truyện dân gian, sách văn học hiện đại cũng đã bắt đầu được dịch và có mặt trên thị trường nước ngoài.
Bước ra từ chiếc ao làng nhỏ hẹp, nghệ thuật múa rối nước – “linh hồn văn hoá ruộng đồng” của Việt Nam ta với những trò diễn mộc mạc, giản dị, đã được nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long mang đi biểu diễn ở khắp các châu lục.
Những nỗ lực đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chính là sự tự tin, tự hào về văn hóa truyền thống. Điều đó khẳng định sức mạnh nội sinh của nền văn hoá, tư tưởng của con người Việt Nam, luôn tiếp thu tinh thần tiến bộ nhưng cũng biết giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. Văn hoá, tư tưởng là nền tảng của xã hội. Đó là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự “xâm lấn” văn hoá ngoại lai.
Khơi dậy sức mạnh nội sinh – giải pháp chủ chốt để bảo vệ biên cương văn hoá, tư tưởng
Vấn đề văn hóa tư tưởng luôn là một vấn đề được Đảng ta chú trọng. Ngay từ rất sớm khi chính quyền ta còn non trẻ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương đúng đắn để bảo tồn văn hóa. Ngày 24/11/2021, tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, một lần nữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lại vấn đề này. Trong đó nhấn mạnh: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.”
Một trong năm bài học kinh nghiệm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ ra: “Lấy con người là trung tâm phát triển và chia sẻ những thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân”.
Như vậy, đây là một vấn đề mang tính thực tiễn cao. Và mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần là những “chiến sĩ biên phòng” trên tuyến biên cương văn hoá, tư tưởng. Không một ai được đứng ngoài cuộc trong công cuộc này. Và thế hệ trẻ là nhân tố quan trọng nhất, chịu tác động nhiều nhất của thời cuộc, là những chiến sĩ biên phòng giữ cho “biên cương văn hoá, tư tưởng” không bị lung lay. Với những giải pháp cụ thể:
Một là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, của các cấp bộ Đoàn TNCS trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, bám sát nội dung của các Nghị quyết như: Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Tăng cường thực hiện cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” mang tính toàn diện.
Hai là: Xây dựng văn hóa trong Đoàn, văn hóa của những người cộng sản trẻ với lý tưởng hết lòng phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân, trung thành với con đường mà Đảng đã chọn. Tiếp nhận những tiến bộ của kỹ thuật, văn hoá nước ngoài nhưng có chọn lọc. Các cấp bộ Đoàn cần có một “bộ lọc” thông tin để giúp đoàn viên thanh niên nhận biết được rõ hơn những trào lưu, tư tưởng trái với thuần phong mỹ tục và nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Ba là: Cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác, loại bỏ những luồng tư tưởng, những trào lưu văn hóa dung tục phản cảm, đi ngược lại với lý tưởng cộng sản, nhưng cũng phải hết sức tinh tế trong giáo dục uốn nắn, khéo léo và linh hoạt, không hành động kiểu cấm đoán, “ngắt ngọn”, mà phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy khát vọng khẳng định bản thân của tuổi trẻ bằng con đường đúng đắn.
Bốn là: Các cấp bộ Đoàn, các cấp uỷ chính quyền cần quan tâm bồi đắp, xây dựng hình ảnh những “thần tượng” trong chính giới trẻ, khai thác hình tượng và tăng cường tuyên truyền những tấm gương người trẻ Việt Nam có tầm ảnh hưởng, thành công trên mọi lĩnh vực để tôn vinh, làm hình mẫu sống cho thanh niên.
Năm là: Có hình thức ủng hộ các dự án, hoặc các ý tưởng trào lưu trong giới trẻ về việc tôn vinh các giá trị truyền thống, lịch sử dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa những tấm gương tốt câu chuyện đẹp trong cuộc sống. Cùng với đó là tạo các diễn đàn, sân chơi lành mạnh và bổ ích cho thanh thiếu niên, liên tục đổi mới hình thức sinh hoạt để thu hút, tập hợp thanh niên. Phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ những cán bộ trẻ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật, định hướng cho họ những bài viết có kiến thức và chuyên môn sâu để đấu tranh chống những quan điểm sai trái lệch lạc trong thưởng thức văn hóa, văn học và nghệ thuật, qua đó định hướng cho giới trẻ.
Sáu là: Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các trang mạng xã hội như: ứng dụng nhắn tin Zalo, Thanh niên Việt Nam, mạng xã hội VCnet, Facebook, Twitter... nhưng cần có sự kiểm soát, làm trong sạch môi trường mạng xã hội, xây dựng những “không gian xanh” trong lành trên mạng xã hội; Xây dựng một “văn hoá mạng xã hội” văn minh, lịch sự.
Có thể khẳng định rằng, nền văn hóa tư tưởng mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Gìn giữ “biên cương văn hoá, tư tưởng” không phải là trách nhiệm của riêng ai, nhưng thế hệ trẻ chính là thế hệ phải gánh vác sứ mệnh ấy, để bảo vệ thành quả cách mạng của công cha.
Lịch sử đất nước ta đã trải qua biết bao cuộc xâm lăng, nhưng rồi vẫn ghi những mốc son hào hùng để thế hệ trẻ hôm nay có thể tự hào là con cháu người Việt. “Sứ mệnh” bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chắc chắn sẽ do thế hệ trẻ gánh vác. Từ đó hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045 như Đảng ta đã hoạch định, và “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét