1. Vừa qua, trên không gian mạng, các thế lực thù địch dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những nội dung mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, chống phá là cho rằng, Đảng Cộng sản và cán bộ, đảng viên của Đảng mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Chúng cố tình vu cáo bệnh kiêu ngạo là bệnh bẩm sinh, không thể cứu chữa được của những người cộng sản; bệnh làm cho cộng sản độc đoán, chuyên quyền, xa rời và ngày càng mất uy tín trong nhân dân. Chúng cố tình quy kết: Cộng sản không bao giờ chịu thừa nhận hay sửa chữa, khắc phục được căn bệnh nan y này.
Nhưng sự thật là việc phòng, chống, loại bỏ bệnh kiêu ngạo cộng sản được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan tâm. Lênin từng chỉ ra hậu quả nghiêm trọng của “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, coi đó là kẻ thù chính, kẻ thù “nội xâm”, kẻ thù đầu tiên mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện Đảng ta nhiều lần vạch rõ tác hại nặng nề của căn bệnh kiêu ngạo cộng sản. Theo Người, bệnh kiêu ngạo sẽ dẫn đến tình trạng “thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”; làm mất sự yêu mến và niềm tin của nhân dân với Đảng: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có đầu óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ”.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, Đảng ta thẳng thắn nêu ra những ảnh hưởng tiêu cực từ bệnh kiêu ngạo, xác định bệnh kiêu ngạo rất dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Từ đó, Đảng luôn khẳng định ý chí, quyết tâm, hành động kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ bệnh kiêu ngạo cộng sản.
2. Vậy bệnh kiêu ngạo biểu hiện cụ thể như thế nào? Trong tác phẩm “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” và Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những phân tích rõ ràng, cụ thể, sâu sắc về bệnh kiêu ngạo. Người cho rằng, kiêu ngạo là có được ít nhiều thắng lợi, thành tích trong công tác thì “tự cao, tự đại”, khoe khoang, vênh váo, lên mặt anh chị, coi mình là cứu tinh của dân, lên mặt coi mình là công thần của Đảng, công thần của cách mạng, thích được khen ngợi, tâng bốc, chỉ thích làm thầy người khác, hay sai khiến người khác. Từ đó, những người này trong công tác trở nên xem thường, xa rời quần chúng nhân dân, lười biếng không chịu học tập để nâng cao trình độ bản thân. Hồ Chí Minh nêu rất cụ thể những cán bộ, đảng viên trong Đảng mắc bệnh kiêu ngạo sẽ không chấp hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, không thực hiện dân chủ tập trung, không chịu thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, coi thường công tác kiểm tra của Đảng, thậm chí có người sinh ra ngang tàng, không chấp hành kỷ luật và nghị quyết của Đảng.
Trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Đảng ta cũng đã chỉ rõ trong những biểu hiện cụ thể của bệnh kiêu ngạo, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, như: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh gét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Đó còn là “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”. Đảng cũng chỉ rõ đó là: “Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi…”.
3. Để phòng, chống có hiệu quả bệnh kiêu ngạo đòi hỏi trách nhiệm rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó phải luôn gắn chặt với sự khiêm tốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên: “Cần phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn khiêm tốn”, xác định khiêm tốn là một đạo đức mà những người cách mạng luôn luôn phải trau dồi. Hồ Chí Minh đưa ra những cách làm cụ thể nhằm thực hiện việc chống kiêu ngạo, thực sự khiêm tốn. Như trong khi tiến hành công tác thì phải dựa vào quần chúng nhân dân, phải biết hoan nghênh và lắng nghe quần chúng nhân dân đôn đốc, kiểm tra, góp ý, phê bình. Còn trong Đảng thì cần phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, chú trọng đến việc dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh kiêu ngạo, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu, khiêm tốn trước Đảng, trước dân, đồng thời phải “phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân”. Tinh thần trên, nhìn chung, đã được các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
4. Các tổ chức Đảng và nhân dân có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống bệnh kiêu ngạo của cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng, quần chúng nhân dân cần chủ động, tích cực, đồng hành, tạo thuận lợi để cán bộ, đảng viên rèn luyện phấn đấu chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn và nâng cao phẩm chất, năng lực, uy tín, phòng, chống có hiệu quả bệnh kiêu ngạo.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng và quần chúng nhân dân cần có những giải pháp, cách làm phù hợp, thiết thực, nhân ái để hỗ trợ cán bộ, đảng viên vượt qua bệnh kiêu ngạo. Người yêu cầu các tổ chức đảng và quần chúng nhân dân phải luôn thương yêu, giúp đỡ cán bộ, đảng viên, ngay cả khi họ có sai phạm khuyết điểm. Người căn dặn thương yêu cán bộ, đảng viên là cần thường xuyên quan tâm chú ý đến công tác của họ, khi thấy họ có khuyết điểm thì phải giúp cho họ sửa chữa ngay… Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc phải có phương pháp đúng, phù hợp, thiết thực, hiệu quả trong giúp đỡ cán bộ, đảng viên. Ví dụ như trong góp ý xây dựng cho cán bộ, đảng viên, cần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của họ để họ sửa chữa, khắc phục; đồng thời, cũng phải nêu rõ cả những ưu điểm, những thành công mà họ có được, vì theo Người: “Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Người còn chỉ ra rất cụ thể, chi tiết: “Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta phải cho họ hiểu rằng: Năng lực mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”.
Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua đã luôn quán triệt, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống bệnh kiêu ngạo. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc 10 Lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Lời thề thứ 3: Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét