Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

KHÔNG THỂ “PHI CHÍNH TRỊ” VÀ “PHI ĐẢNG PHÁI” TRONG XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH VÀ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Với mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và nền hành chính của Việt Nam. Mới đây, trên trang Baotiengdan, Vũ Đức Khanh viết bài: “Hiện đại hóa bộ máy Nhà nước: Hướng đến một Chính phủ tinh gọn, hiệu quả và phi chính trị”, Y cho rằng: “Nền hành chính công của Việt Nam cần phải trở nên phi chính trị và phi đảng phái… Bộ máy hành chính phải trung lập, không phục vụ cho bất kỳ đảng phái nào. Một bộ máy nhà nước hiện đại, phi đảng phái và phi chính trị là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”. Thực chất đây là luận điểm sai trái, nhằm phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam, hướng lái Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

1. Theo quy luật, nguồn gốc và bản chất của nhà nước bắt nguồn từ bản chất chính trị của chế độ xã hội dưới sự lãnh đạo của một chính đảng. Ở các nước thực hiện đa đảng, khi đảng nào lên cầm quyền sẽ đứng ra lập chính phủ và đưa người của đảng mình vào các vị trí trong chính phủ. Do đó, nền hành chính luôn lệ thuộc vào hệ thống chính trị và nền hành chính đó đều phục tùng sự lãnh đạo của đảng cầm quyền. Tùy thuộc vào đặc trưng thể chế nhà nước và đặc thù chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn phát triển mà hành chính mỗi nước có những nét riêng. Tính thích ứng của nền hành chính ở mỗi quốc gia với những điều kiện cụ thể là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện quyền lực nhà nước, hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội, do đó nền hành chính không giới hạn thuần túy trong cơ quan hành pháp mà còn bao gồm một số hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm thực thi quyền hành pháp, quản lý, cung ứng các dịch vụ công cho xã hội. Vì vậy, quá trình xây dựng bộ máy hành chính hiện đại ở Việt Nam luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Nếu “phi chính trị”, “phi đảng phái” trong xây dựng nền hành chính ở Việt Nam như những gì mà Vũ Đức Khanh đưa ra tất yếu sẽ dẫn đến mất phương hướng chính trị, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, dẫn đến nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Thực tiễn mô hình tổng thể tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) từ năm 1945 đến nay, gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo từng giai đoạn cụ thể, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tổ chức bộ máy và nền hành chính Việt Nam luôn có sự điều chỉnh phù hợp. Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nhất là, trong gần 40 đổi mới của đất nước, từ 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Bảo đảm phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đất nước ngày càng phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân được nâng lên, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì vậy, không thể “phi chính trị” và “phi đảng phái” trong xây dựng nền hành chính và bộ máy nhà nước ở Việt Nam; đây là vấn đề sống còn của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận diện rõ những luận điệu xuyên tạc và âm mưu thâm độc của Vũ Đức Khanh, để không rơi vào “bẫy” thúc đẩy “phi chính trị” và “phi đảng phái” trong xây dựng nền hành chính và bộ máy nhà nước ở Việt Nam, đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch./

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét