Những nỗ lực không ngừng của chính quyền TP Hồ Chí Minh đã giúp môi trường được cải thiện, khoác lên mình diện mạo mới, xanh-sạch-đẹp. 

Nỗi niềm về những dòng sông

Là người dân sống tại bến Bình Đông (Quận 8, TP Hồ Chí Minh), trong tâm trí chị Nguyễn Thị Vân luôn in sâu những ký ức đẹp đẽ cùng gia đình ra bến sông sắm đồ mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Thế nhưng, thời thế thay đổi nhanh chóng, người nhập cư ùn ùn đổ về thành phố lớn, từ đó mật độ cư dân sinh sống, cư trú trên kênh rạch trở nên dày đặc. Do thói quen sinh hoạt bừa bãi và thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã khiến nhiều sông rạch bị ô nhiễm trầm trọng. Màu xanh ngọc của bến sông Bình Đông bị thay thế bằng màu đen ngòm đục đục, bốc mùi hôi thối do chất thải gây ra.

Nỗ lực khoác áo xanh cho những dòng sông

TP Hồ Chí Minh nỗ lực xử lý tình trạng ô nhiễm tại các tuyến sông, kênh, rạch.

“Dù hoạt động buôn bán vẫn diễn ra, nhưng cái Tết những năm nay đã không còn đẹp như xưa vì dòng sông bị ô nhiễm quá nặng nề. Mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến việc mua bán cũng không còn thoải mái như trước. Nhìn thấy dòng sông như thế tôi xót xa lắm. Tôi nhớ sự sạch đẹp của dòng sông trong ký ức tuổi thơ của không chỉ của riêng tôi mà còn của biết bao lớp người sống tại ven Bến Bình Đông này”, chị Nguyễn Thị Vân ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng giống như chị Vân, ông Trần Minh Quân (ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng sinh ra và lớn lên gần một con rạch. Rạch Cầu Làn (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) trong ký ức của ông là nơi có thể lội xuống bắt tôm bắt cá để ăn. Nhưng cũng từ những năm 90, các túi ni lông, chai nhựa, rác thải đã che lấp toàn bộ con rạch. Ông Trần Minh Quân chia sẻ: “Tình trạng con rạch trở nên ô nhiễm đến từ ý thức của một bộ phận người dân nơi đây. Dù chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức dọn dẹp, bảo đảm lịch tiêu thoát nước cho con rạch, nhưng người dân cứ mãi xả rác ra thì không thể nào chấm dứt được tình trạng này”.

Là người con vùng sông nước An Giang, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, có niềm say sưa yêu thích với sông núi, kênh rạch. Bà đã có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Gắn bó với công việc nghiên cứu cũng như đích thân tham gia vào nhiều cuộc du khảo, hơn ai hết, bà thấy rõ sự thay đổi chóng mặt của sông rạch TP Hồ Chí Minh.

Đứng trước thực trạng ô nhiễm hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “TP Hồ Chí Minh từ sau năm 1954 phát triển nhanh và mạnh, dân nhập cư về quá nhiều và sinh sống, cư trú trên kênh rạch với mức độ dày đặc. Điều này đã khiến nhiều sông rạch bị bức tử bởi ô nhiễm. Kênh rạch không đơn thuần chỉ là đặc điểm địa lý, mà còn là di sản. Hệ thống sông rạch là yếu tố tự nhiên gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân. Tôi nghĩ rằng bảo vệ sông rạch là phải từ người dân. Họ cần nhận thấy dòng sông, kênh rạch này là của mình, môi trường sạch sẽ có lợi cho mình thì sẽ có ý thức và hành động cụ thể để bảo vệ nó”.

Đẩy mạnh đầu tư cải thiện môi trường nước

Với đặc điểm hệ thống sông ngòi chằng chịt, UBND TP Hồ Chí Minh đã phân cấp cho các sở và UBND quận, huyện quản lý, khai thác các tuyến này. Theo đó, các đơn vị có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy ở các tuyến kênh rạch nói trên. Để chuẩn hóa cơ sở pháp lý trong xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, UBND TP đã có công văn chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Ông Tống Viết Thành, Phó trưởng phòng Xử lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đã có một số trường hợp cụ thể đã được giao cho công an thành phố chủ trì, phối hợp với cấp quận, huyện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.

Ngoài ra, để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, giảm ô nhiễm nước, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác quy hoạch, thực hiện chỉnh trang, tái thiết đô thị như cải tạo các khu dân cư xuống cấp; di dời các hộ dân sống trên sông, kênh rạch. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 50.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch. 

Ngày 15-11 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thông báo kết luận của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tại cuộc họp về đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch. Qua đó, TP Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn thành bồi thường, di dời cho hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch, khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường kết hợp chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để cải thiện chất lượng môi trường nước, tập trung vào việc xây dựng và nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải. Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, với tổng mức đầu tư lên tới 11.300 tỷ đồng, là một trong những minh chứng rõ nét cho nỗ lực này. Nhờ đó, khả năng xử lý nước thải của thành phố đã được nâng lên đáng kể, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom và xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, các dự án này không chỉ giúp cải thiện hệ thống thoát nước, chống ngập úng mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: NGÂN PHƯƠNG

nguồn  báo quân đội nhân dân